(TSVN) – Được đánh giá là vùng sản xuất tôm giống chất lượng và uy tín cả nước, các cơ sở sản xuất tôm giống của tỉnh Bình Thuận không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất để giữ vững thương hiệu đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng. Đặc biệt, Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm Bình Thuận gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu” bắt đầu thực hiện từ năm 2022, sẽ góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm tôm Bình Thuận.
Tại tỉnh Bình Thuận, nghề sản xuất tôm giống Bình Thuận đã được bắt đầu từ những năm 1985 và đến nay toàn tỉnh có 148 doanh nghiệp, cơ sở với 730 trại sản xuất tôm giống. Nhiều cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, quy trình kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong sản xuất tôm giống như: BAP; ISO 9001- 2015, GlobalGAP và VietGAP… Tôm giống Bình Thuận cũng được xác định là sản phẩm lợi thế phục vụ mục tiêu chiến lược về phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 79 ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Khu vực có lợi thế cho việc sản xuất tôm giống tại Bình Thuận chính là vùng biển Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong; nơi có độ mặn ổn định quanh năm, không có nước ngọt từ sông ngòi đổ ra biển nên giàu hàm lượng khoáng, các yếu tố lý hóa rất hợp với nuôi tôm giống. Đặc biệt, khu vực này có vực sâu, nhiều rạn san hô có tác dụng lọc nước biển mà ít nơi nào trong cả nước có được. Nhờ đó, sản lượng tôm giống sản xuất, tiêu thụ hàng năm trên địa bàn huyện Tuy Phong bình quân đạt trên 20 tỷ post/năm, chiếm tỷ lệ từ 95 – 98% sản lượng tôm giống toàn tỉnh.
Tỉnh Bình Thuận phấn đấu sản lượng tôm giống đạt 25,5 tỷ post/năm. Ảnh: Vũ Mưa
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã thành công trong việc nghiên cứu tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ, có thể truy xuất nguồn gốc, giống có tỷ lệ sống cao, có sức đề kháng và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, không còn phụ thuộc vào nguồn nhập ngoại như Mỹ, Thái Lan, Singapore… Vì thế, việc tự chủ tôm bố mẹ càng khẳng định lợi thế nghề sản xuất tôm giống của tỉnh Bình Thuận trong vùng Nam Trung bộ và cả nước. Trung tâm di truyền và chọn giống Việt – Úc (đặt tại Bình Thuận và Ninh Thuận) đã cho ra đời nhiều thế hệ tôm có sức khỏe tốt, tỷ lệ sống cao và tăng trưởng tốt. Mỗi năm, Trung tâm lai tạo và cho ra đời hơn 65.000 cặp tôm bố mẹ chất lượng cao, theo quy trình an toàn sinh học, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trong chọn giống.
Nhằm hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm Bình Thuận gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022. Do đó, để khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của tôm Bình Thuận trên thị trường, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết, cần phải thực hiện những nhiệm vụ quan trọng. Một là, xây dựng báo cáo cơ sở khoa học, điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm phục vụ việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và quản lý sản phẩm được bảo hộ. Hai là, hoàn tất bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và kết quả xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Ba là, xây dựng hệ thống các văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý và sản phẩm được bảo hộ, đồng thời phát triển hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bốn là, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu vùng nuôi, công cụ truy xuất, quản lý chất lượng sản phẩm. Năm là, nâng cao nhận thức, năng lực cho chủ thể về chỉ dẫn địa lý, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận phối hợp với Chi nhánh Công ty CP Sở hữu Công nghiệp INVESTIP tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm tôm của tỉnh Bình Thuận”. Mục tiêu xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Bình Thuận” cho sản phẩm tôm (bao gồm tôm thẻ chân trắng giống và tôm thẻ chân trắng thương phẩm) của tỉnh Bình Thuận; nhằm nâng cao giá trị, bảo vệ và phát triển danh tiếng của sản phẩm cũng như danh tiếng của địa phương trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Thuận.
Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận khẳng định, việc bảo hộ dưới hình thức CDĐL sẽ tạo tiền đề cho việc quản lý chất lượng sản phẩm tôm Bình Thuận ngày một tốt hơn, chỉ những sản phẩm tôm có chất lượng tốt, mang những đặc trưng của vùng đất Bình Thuận mới được mang thương hiệu tôm Bình Thuận. Đồng thời, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nuôi và kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi nhiều hơn từ giá trị thương hiệu tôm Bình Thuận. Thêm vào đó, Bình Thuận vừa là tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch, kết hợp với việc sản phẩm tôm Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức CDĐL không những tạo nên danh tiếng, nâng cao giá trị của sản phẩm tôm, mà còn thu hút đầu tư và quảng bá phát triển dịch vụ du lịch cho Bình Thuận. Do đó, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Bình Thuận” cho sản phẩm tôm của tỉnh Bình Thuận là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay.
>> Năm 2022, hoạt động sản xuất tôm giống gắn với công tác kiểm dịch, phân tích xét nghiệm mẫu được duy trì thường xuyên; tình hình sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tương đối thuận lợi; sản lượng tôm giống cả năm đạt 25,8 tỷ, đạt 103,2% kế hoạch, tăng 2,8% so năm 2021.
Hải Lý