(TSVN) – Việt Nam có nhiều thuận lợi để khai thác nghề nuôi biển. Tuy nhiên, ngành này lại chưa phát triển hết tiềm năng, bởi quy mô sản xuất manh mún nhỏ lẻ, diện tích thấp… Vì vậy, cần phải liên kết để phát triển nghề nuôi biển.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến chủ đề “Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển: Cơ hội và thách thức” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức vào tháng 8/2023 tại Hà Nội.
Chia sẻ về tiềm năng nuôi biển của Việt Nam, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết: “Việt Nam có 3.260 km bờ biển và 1 triệu km2 mặt biển, chúng tôi đánh giá có khoảng 500.000 ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn”.
Việt Nam có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển, chia thành 4 vùng chính: Vùng phía Bắc, nơi các cửa sông, cửa biển có thể phát triển nuôi cá, nhuyễn thể, giáp xác; vùng Duyên hải miền Trung có thể nuôi cá biển quy mô lớn, sản lượng lớn; vùng Đông Nam bộ và vùng Tây Nam bộ. Đối tượng nuôi cũng khá phong phú, đa dạng từ các loại cá đến các loại nhuyễn thể (ngao, sò, hàu…), giáp xác (tôm hùm…), rong biển cũng đang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển.
Nuôi hàu bằng vật liệu HDPE tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: STP
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy mô nghề nuôi biển ở nước ta phần lớn là manh mún nhỏ lẻ, rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển quy mô lớn; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu con giống, thức ăn và công nghệ lồng nuôi lạc hậu. Trong khi đó, hải sản xuất khẩu của Việt Nam lại đang bị EC áp “thẻ vàng” IUU về các vấn đề liên quan đến đánh bắt, khai thác bất hợp pháp. Việc gỡ “thẻ vàng” IUU đến nay đã gần 6 năm nhưng chưa thành công. Do vậy, câu chuyện nuôi thủy sản biển đặt ra ở thời điểm này rất thời sự, đòi hỏi Việt Nam phải giảm khai thác hải sản từ tự nhiên, tăng nuôi trồng và đây cũng là hướng đi chiến lược, được Bộ NN&PTNT coi là một chính sách giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển và đảm bảo phát triển bền vững.
Bàn về các giải pháp thúc đẩy nuôi biển bền vững, ông Trần Công Khôi nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước thời gian qua rất quan tâm đến vấn đề nuôi biển, chủ trương là giảm khai thác tăng nuôi, nuôi biển chứ nuôi nội địa đã ở mức trần. Về chế tài, nuôi biển đã được đưa vào Luật Thủy sản năm 2017, ở luật này nghề nuôi biển được thể hiện rất rõ với hành lang pháp lý đã rất rõ ràng, cơ quan chuyên môn vẫn đang tiếp tục sửa Nghị định 26 về cấp phép nuôi trồng trên biển để có các chính sách đồng bộ cho người dân. Về chuyển đổi nghề, Chính phủ cũng đã có Quyết định 339 về chiến lược thủy sản từ 2030 – 2045. Thủ tướng cũng phê duyệt Quyết định 1664 về đề án phát triển thủy sản trên biển, Quyết định 208 về chuyển đổi nghề xâm hại môi trường biển sang nghề khác. Chính sách cơ bản đã có rồi, thực tế là chúng ta đang tiến hành cùng các tổ chức đơn vị cá nhân chuyển đổi nghề cho bà con khai thác ven bờ.
Hiện nay, Việt Nam đang có những mô hình NTTS mang tính cộng đồng rất hiệu quả như trồng rong, rong câu, rong sụn tại Phú Yên, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang. Những mô hình này phát triển theo phương thức đồng quản lý, vừa quản lý khai thác ven bờ, vừa chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, giúp các hoạt động khai thác tận diệt ven bờ được giảm thiểu.
Đặc biệt, các mô hình phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với nuôi biển đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, khuyến khích phát triển nuôi biển. Ông Trần Công Khôi mong muốn Việt Nam sẽ có các “thành phố nuôi trên biển” là điểm du lịch hấp dẫn, ở đó các lồng bè xếp đều nhau như một thành phố trên biển. Để làm được điều này, các tỉnh cần sớm có giải pháp phát triển hài hòa du lịch và nuôi thủy sản biển.
Theo ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để phát huy hơn nữa nghề nuôi biển thời gian tới, chúng ta phải phối hợp các Viện để có con giống, hợp tác với doanh nghiệp để có thức ăn cùng đồng hành với khuyến nông và chuyển giao cho bà con. Các mô hình khuyến nông sẽ hướng tới liên kết với các hợp tác xã để hình thành các chuỗi liên kết, kỹ thuật đã có khuyến nông nhưng đầu ra rất quan trọng, đưa các mô hình gắn du lịch như ở Vân Phong ở Khánh Hòa, Phất Cờ ở Quảng Ninh gắn tiêu thụ sản phẩm để có hiệu quả nhất.
Ngoài ra, một vấn đề cần chú trọng nữa đó là thị trường cho các sản phẩm nuôi biển và đặc biệt nhấn mạnh tới bảo vệ môi trường ở các vùng nuôi biển, người nuôi phải thực hiện đồng thời có chế tài xử phạt rõ ràng. Đáng chú ý, các đơn vị muốn được cấp phép nuôi biển thì hồ sơ phải có đánh giá tác động môi trường.
>> Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tập trung ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất; tìm ra các giải pháp về vốn, cụ thể như: ngoài ngân sách nhà nước hàng năm, Trung tâm sẽ dành nguồn vốn để phát triển nuôi biển cho tất cả các tỉnh có tiềm năng. Đồng thời, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở sẽ cùng hỗ trợ, đồng hành, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho các HTX, bà con ngư dân…
Ngọc Diệp