Huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) tiên phong trong nghề ương nuôi, với 75 cơ sở sản xuất, cung cấp 60 – 70% cá tra giống cho ĐBSCL. Nay diện tích này đang ngày càng thu hẹp, giá cá tra giống liên tục giảm mạnh và kéo dài…
Cá tra “lỡ”!
Hồng Ngự hiện có 310 ha ương nuôi cá tra giống. Đến xã Phú Thuận B, nơi có 220 ha ương nuôi cá tra giống (chiếm 70% của huyện), chúng tôi thấy hầu hết các hộ nuôi chưa tìm được đầu ra. Hộ ông Đặng Thanh Phong (ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B) có 1,2 ha ương nuôi cá tra giống. Hơn một năm nay, 40 tấn cá tra giống vẫn nguyên trong ao, chưa bán được. Mười lăm năm ương nuôi cá tra giống, chưa năm nào giá cá tra giống giảm mạnh và kéo dài như năm nay.
Ảnh: Duy Khương
Ông Đặng Thanh Phong (ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) cho biết: Nếu đầu tư vốn khoảng 1 tỷ đồng mà giá bán như bây giờ thì lỗ khoảng 300 triệu đồng. Những năm trước cũng có rớt giá nhưng mức vừa phải, có thể phá hòa, sau 2 – 3 tháng thì giá tăng lại. Năm nay giá giảm liên tục mười mấy tháng rồi, nếu kéo dài có thể một số hộ không đủ sức theo nữa.
Nhiều hộ nuôi thâm niên cho biết, giá cá tra giống giảm mạnh và không bán được do cá tra thịt đang giảm giá và gặp khó trong xuất khẩu. Hiện, cá tra giống cỡ 40 – 50 con/kg giá khoảng 22.000 đồng/kg, giảm gần 50% so năm trước.
Hơn 15 ha cá tra giống của chị Phạm Thị Thủy (ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B), hơn một năm nay, trên 70 tấn cá tra giống ương nuôi trở thành cá tra “lỡ” (khoảng 8 con/kg). Chị Thủy nói: “Trước đây cá giống này tôi bán 32.000 đồng/kg, nay mười mấy ngàn đồng cũng không người mua. Từ Tết đến giờ, không có tiền cho ăn, tôi toàn đổ rau muống, cách một ngày 1 lần. Nuôi thịt thì mình không đủ nước, vốn, thức ăn”. Nuôi không được, bán không xong, đang là tình trạng chung.
Tìm đầu ra ở đâu?
Ngành chức năng cho biết, gần 50 triệu con cá tra giống tại Hồng Ngự chưa tìm được đầu ra; cá tra giống trong hơn 10% diện tích nuôi, do không bán được, đã trở thành cá tra “lỡ”. Giá thức ăn, thuốc thủy sản đều tăng nhưng giá cá, từ cá tra bột đến cá tra giống giảm mạnh, trong khi vốn của người nuôi đã cạn, cá giống không có người mua; người nuôi chỉ còn biết cho cá ăn cầm chừng, chờ giá cá tăng lại.
Ông Đoàn Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận B, cho biết, chính quyền địa phương đã kiến nghị: Các ngành chức năng có định hướng đầu ra cho sản phẩm cá tra giống; Ngân hàng cho các hộ nuôi được vay vốn mua thức ăn cho cá; Phát triển mạnh hiệp hội thủy sản để hệ thống nuôi được đảm bảo, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ đầu mối thủy sản địa phương cho hoạt động để mua bán dễ dàng hơn. Về phần doanh nghiệp cần phải có liên kết, ký giá để người nuôi yên tâm đầu ra”.
Chính từ những khó khăn trên, hơn 30% diện tích ương nuôi cá tra giống tại Hồng Ngự đã chuyển sang sản xuất, ương nuôi loài khác. Thiết nghĩ, phải có chính sách căn cơ giải quyết khó khăn đầu ra, từ cá tra thịt đến cá tra giống. Có thế mới duy trì và phát triển được vùng nuôi truyền thống này.
>> Với chi phí mỗi kg cá tra giống khoảng 27.000 đồng, nếu giá bán như hiện nay, lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Chấp nhận lỗ nặng nhưng người nuôi chờ mãi vẫn chưa thấy thương lái, doanh nghiệp nào mua. |