(TSVN) – Theo Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, kết quả phân tích mẫu nước tại 7 điểm quan trắc vùng nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Hà Tĩnh đều trong giới hạn cho phép, tuy nhiên có một điểm phát hiện tảo độc.
Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết mật độ tảo tại các điểm quan trắc dao động từ 1.429 – 858.886 tế bào/lít. Trong đó nguồn cấp tại Cẩm Lộc có mật độ cao nhất (858.886 tế bào/lít), kế đến là Đan Trường (16.843 tế bào/lít), Thạch Châu (13.943 tế bào/lít), Kỳ Ninh (8.512 tế bào/lít). Riêng tại nguồn cấp Kỳ Ninh phát hiện tảo độc, mật độ 655 tế bào/lít.
Tảo mắt làm nước có màu nâu đen. Ảnh: ST.
Ngành thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo đối với nguồn cấp tại các điểm Kỳ Ninh, Kỳ Thư, Cẩm Lộc, Thạch Hạ và Đỉnh Bàn, các cơ sở nuôi không nên cấp trực tiếp nước vào ao nuôi trong thời gian này. Nếu người nuôi phải lấy nước để cấp cho các ao nuôi thì cần bơm nước vào ao lắng lọc qua túi lọc, khử trùng nước bằng các hóa chất được phép lưu hành, chạy quạt khí để loại bỏ tồn dư hóa chất khử trùng trước khi cấp vào ao nuôi. Đặc biệt, các chuyên gia cần tiếp tục theo dõi mật độ tảo độc tại điểm quan trắc Kỳ Ninh để có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.
Tảo độc trong ao nuôi thủy sản có nhiều loại như tảo lam, tảo giáp, tảo mắt…Đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến động vật thủy sản bởi chúng thường tiết ra độc tố gây hoại tử gan tôm, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng nước. Trong nuôi thâm canh, nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nước ngày càng xấu đi là do cho tôm ăn dư thừa thức ăn và lượng chất thải của tôm quá nhiều. Lượng phân rã còn lại được các loài vi khuẩn, nấm phân hủy và sử dụng. Dấu hiệu dễ nhận biết thức ăn dư thừa là môi trường nước trở nên xanh đột ngột, hàm lượng NH4+/NH3 tăng bất thường, tôm hoạt động yếu hơn,…Lúc này người nuôi cần khống chế lại lượng thức ăn bằng cách thay đổi vị trí đặt sàng ăn, ghi nhận thời gian hết thức ăn trong sàng, quan sát đường ruột tôm, chỉ nên cho ăn từ đủ đến thiếu hoặc thậm chí có thể cắt cữ ăn vào buổi sáng từ 1 đến 2 ngày để giảm thiểu lượng hữu cơ do thức ăn thừa gây ra. Để khắc phục tình trạng này thì trước khi cấp vào ao nuôi, nước phải được xử lý triệt để diệt hết tảo bằng hóa chất diệt khuẩn.
Thùy Khánh