Đề án 52 tại Bạc Liêu: Đẩy mạnh tư vấn nhóm nhỏ

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, Chi cục DS – KHHGĐ Bạc Liêu không ngừng đẩy mạnh thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ sinh, ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số; trong đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức về hoạt động dân số, thay đổi hành vi người dân… luôn được chú trọng.

Quan tâm hàng đầu

Với nhận thức, công tác DS – KHHGĐ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, ban hành các chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện một cách có hiệu quả và thống nhất. Theo đó, ngành dân số đã thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi để cán bộ các địa phương, ngành chức năng và cộng tác viên dân số có điều kiện trao đổi nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ cả những khó khăn trong nghề.

Hoạt động tuyên truyền cho công tác dân số luôn được chú trọng

Hoạt động truyền thông cũng được đẩy mạnh trên hệ thống thông tin đại chúng như Báo Bạc Liêu, Đài PT – TH tỉnh, đài truyền thanh các huyện, thành phố; qua tài liệu, tờ rơi, tạp chí, sách báo… và trực tiếp đến từng hộ gia đình. Công tác tuyên truyền nhằm chuyển đổi hành vi về KHHGĐ được chú trọng và là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao nhận thức của người dân. Việc đẩy mạnh chiến dịch nhằm kiềm chế mức tăng sinh; đồng thời, là một biện pháp tích cực để cải thiện SKSS, sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Chiến dịch này được ưu tiên triển khai ở vùng biển đảo, vùng có mức sinh cao.

 

Hiệu quả từ tư vấn nhóm nhỏ

Hàng năm, ngành dân số tỉnh đã triển khai thực hiện tư vấn nhóm chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại 64/64 xã, phường, thị trấn cho 789 nhóm với hơn 19.980 người tham dự là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh 2 con và sinh con một bề là gái. Ngoài ra, ngành còn tư vấn trực tiếp cho 2.219 hộ gia đình, nói chuyện chuyên đề về DS – KHHGĐ, chăm sóc SKSS (có sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, mặt trận khóm, ấp…). Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân xây dựng các CLB về DS – KHHGĐ; Tỉnh đoàn và Sở GD&ĐT phát động phong trào “Thanh niên dân số, sức khỏe, môi trường” tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, phòng chống HIV/AIDS… Từ cấp huyện, thành phố đến xã, phường, khóm, ấp, thông qua đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên (CTV) DS – KHHGĐ, đã thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông tại địa bàn dân cư như: thăm hỏi, tư vấn trực tiếp, tư vấn nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề, cấp phát các sản phẩm truyền thông, chiếu video có nội dung về DS – KHHGĐ.

Đời sống ngư dân ngày được cải thiện nhờ các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ

Đến thời điểm này, hệ thống dân số đã gần như đầy đủ các trang thiết bị, sản phẩm truyền thông (gồm 92 bộ tivi, đầu đĩa, âm ly, máy FM, loa phát thanh). Từ đó, mỗi năm, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đã tổ chức xem đĩa DVD tuyên truyền về cách làm mẹ an toàn, KHHGĐ, phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục… Nhiều mô hình truyền thông dân số, gia đình và trẻ em được triển khai đến từng nhóm đối tượng như: xã, phường, đường phố không có người sinh con thứ 3; phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau làm kinh tế; nam nông dân thực hiện KHHGĐ; CLB sinh con 1 bề; CLB gia đình trẻ, CLB tiền hôn nhân… đã phát huy hiệu quả nhất định.

 

Còn đó những hạn chế

Theo Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh, một thực tế đáng báo động hiện nay tại địa phương là tình trạng gia tăng dân số không đồng đều giữa các vùng miền. Ông Nguyễn Lê Dũng, Phó Giám đốc Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Bạc Liêu cho biết, ở khu vực thành thị, trung tâm các xã, thị trấn tỷ lệ sinh con thứ 3 ít, thì ngược lại ở các xã, khu vực dân cư ven biển hoặc vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ sinh con thứ 3 liên tục gia tăng; tập trung tại các gia đình trẻ, thuộc diện nghèo, không đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định…  Điển hình như ở xã Vĩnh Trạch Đông (một xã vùng ven biển của thành phố Bạc Liêu), tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, đa phần không có hoặc thiếu đất sản xuất, đời sống chủ yếu dựa vào nghề đi biển, nhưng rất nhiều gia đình trẻ sinh từ 3 con trở lên…

Hệ quả này một phần là do người dân hầu như chưa có ý thức trong việc thực hiện các biện pháp KHHGĐ… Ngoài ra, còn một yếu tố nữa là mặc dù địa bàn rộng nhưng lực lượng CTV dân số lại rất ít, hoặc không thiết tha với công việc. Bởi theo nhiều CTV, mức phụ cấp 80.000 đồng/tháng/người như hiện nay là quá thấp. Trong khi đó, CTV vùng ven biển khi thực hiện một đợt vận động phải mấy ngày mới đến được một ấp, vì vậy chỉ có những người thật nhiệt tình mới gắn bó được lâu dài.

>> Năm 2013, Bạc Liêu triển khai thực hiện tư vấn nhóm tại 64/64 xã, phường, thị trấn cho những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh 2 con một bề là gái; Tổ chức tư vấn cho hộ gia đình, nói chuyện chuyên đề DS – KHHGĐ, chăm sóc SKSS thông qua sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể…

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!