Được xây dựng từ năm 1871, Phú Nông là một trong những ngôi đình cổ ở huyện Tây Hòa (Phú Yên). Ngôi đình ghi dấu quá trình mở đất lập làng và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương.
Đình Phú Nông tọa lạc tại thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Thôn Phú Nông vào cuối thế kỷ XIX có tên gọi là Phú Nông Tân Hội thôn, bao gồm thôn Phú Nông và Phước Nông ngày nay. Năm 1926, chính quyền thực dân tách ra làm 2 thôn Phú Nông và Phước Nông. Trong quá trình tạo dựng làng xóm, cộng đồng cư dân xây dựng đình làng để thờ Thành hoàng và tiền hiền, hậu hiền – những người có công xây dựng làng trong buổi đầu. Tiền hiền của thôn Phú Nông gồm 3 họ Nguyễn, Lương và Cao. Các vị tiền hiền đã khai khẩn đất hoang thành đất ruộng và đất soi bãi dọc bờ sông. Ngay cạnh bờ sông, ngôi miếu nhỏ thờ thần Thiên Y A Na được cư dân tạo lập gọi là miếu Sông Thờ.
Đình Phú Nông. Ảnh: Nhật Kim
Cũng như nhiều ngôi đình khác ở Phú Yên, đình Phú Nông lúc mới lập chỉ là ngôi nhà tranh vách đất, nhưng có hệ thống các hàng cột gỗ lớn và chắc chắn. Trước năm 1945, đình xây dựng ở vị trí gò chợ giữa làng, đến năm 1970 chuyển về địa điểm ngày nay. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đình có kiến trúc theo kiểu nhà cấp 4 ở nông thôn, chiều dài 8m, rộng 7m được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống. Nét nổi bật của ngôi đình là trước cửa chánh điện có khắc dòng chữ Hán: Đình Phú Nông và nhiều câu đối Hán Nôm, trên mái ngói có đắp đôi rồng theo thế lưỡng long chầu nhật làm gia tăng nét cổ kính của ngôi đình. Trước sân đình có 2 trụ biểu đắp đôi nghê bằng xi măng và bức bình phong có đắp nổi hình kỳ lân ở mặt ngoài. Trong gian chánh điện của đình Phú Nông có 3 ban thờ chính: Ban giữa thờ thần Thành hoàng và các vị thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Thủy Long Thánh Nữ Nương Nương, Thủy Tinh Điện Bích Công Chủ; hai bên thờ tả ban, hữu ban là những vị tiền – hậu hiền của làng.
Hàng năm, Ban Quản lý đình Phú Nông cùng người dân địa phương thực hiện nghi lễ cúng tế 2 lần vào mùa xuân và thu gọi là xuân kỳ, thu tế. Mùa xuân cúng vào tháng 2, mùa thu cúng vào tháng 8 (âm lịch). Lễ cúng cầu an trong tháng 2 vào ngày 14 có nghi thức rước sắc thần từ lẫm về đình kèm theo nhã nhạc, cờ trống diễu hành. Trước năm 1945, việc tế thần diễn ra quy mô lớn với sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong thôn. Vật phẩm dâng cúng có đến 3 – 4 con heo. Trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đình bị hư hại nên việc cúng tế và rước sắc thần bị gián đoạn. Ngày nay, sau khi đình được trùng tu thì việc cúng tế và cầu an được duy trì. Đây là dịp cộng đồng cư dân cầu mong mọi nhà, mọi người trong thôn mạnh khỏe, an vui, cầu cho mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, mùa màng, soi bãi tốt tươi. Ngày lễ cầu an cũng là dịp bà con trong thôn gặp gỡ trao đổi công việc làm ăn, kinh nghiệm trong đời sống, sản xuất và gia tăng tình đoàn kết trong cộng đồng.
Sắc phong cho thần Thủy Tinh Điện Bích Công Chủ năm Khải Định thứ 9 (1924). Ảnh: Nhật Kim
Làng Phú Nông nằm ven sông Ba, người dân ở đây trồng trọt trên soi bãi, đánh cá trên sông, nên việc tín ngưỡng, thờ các vị thần liên quan sông nước như: Thủy Long Thánh Nữ Nương Nương, Thủy Tinh Điện Bích Công Chủ chiếm vị trí quan trọng. Những vị thần trên đều được triều Nguyễn sắc phong, gia tặng nhiều danh hiệu, mỹ tự. Hiện nay đình Phú Nông còn lưu giữ 6 sắc phong bằng giấy long đằng được ban tặng vào các triều vua Tự Đức thứ 5 (1852), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924). Những đạo sắc phong Hán Nôm cổ phần lớn được bảo quản khá tốt, còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, một số sắc phong bị mục nát ở viền và trên mặt, một số đạo sắc bị mất chữ nên ban quản lý đình đã cho ép nhựa để hạn chế hư hỏng. Cách bảo quản này tăng nguy cơ sắc phong bị hư hỏng do hơi nước tích tụ làm gia tăng độ ẩm trên các tờ sắc.
Đạo sắc phong có niên đại sớm nhất được ban phong năm Tự Đức thứ 5 vào ngày 29/11/1852 phong cho thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi tôn thần, có nội dung: “Sắc cho Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi tôn thần vốn được phong tặng Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Thượng đẳng thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm. Nay trẫm cả vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn đức của thần, tặng thêm mỹ tự là Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Trang huy Thượng đẳng thần. Vẫn chuẩn cho thôn Phú Nông, huyện Tuy Hòa được thờ phụng như cũ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta”.
Đạo sắc phong ngày 11/8/1909 (năm Duy Tân thứ 3) là đạo sắc phong cho thần Thành hoàng với danh hiệu là Quảng hậu Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng chi thần: “Sắc chỉ cho thôn Phú Nông, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên trước đây phụng thờ Quảng hậu Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Thành Hoàng chi thần, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Năm Duy Tân thứ nhất, đại lễ đăng quang, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự”.
Hai đạo sắc phong có niên đại muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 vào ngày 25/7/1924 là sắc phong thần Thủy Tinh Điện Bích Công Chủ và Thủy Long Thánh Nữ Nương Nương vì có công bảo vệ cho nước che chở cho dân. Nội dung 2 sắc phong: “Sắc cho thôn Phú Nông, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phụng thờ Thủy Tinh Điện Bích Công Chủ tôn thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm. Nay nhân dịp tứ tuần đại khánh (40 tuổi) của trẫm, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc, phong tặng mỹ từ là Trang huy Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Chuẩn cho phụng thờ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta” và “Sắc cho thôn Phú Nông, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phụng thờ Thủy Long Thánh Nữ Nương Nương tôn thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm. Nay nhân dịp tứ tuần đại khánh (40 tuổi) của trẫm, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc, phong tặng mỹ từ là Trang huy Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Chuẩn cho phụng thờ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta”.
Sự hình thành và tồn tại của đình Phú Nông không chỉ phản ánh bề dày lịch sử – văn hóa của làng Phú Nông qua hơn 150 năm, mà còn khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc duy trì tín ngưỡng, phong tục của làng Phú Nông Tân Hội thôn xưa và làng Phú Nông ngày nay. Đình Phú Nông là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu kiến trúc của ngôi đình cổ cùng các đạo sắc phong Hán Nôm quý hiếm và tín ngưỡng về các vị thần miền sông nước ở địa phương.
TS Đào Nhật Kim
Nguồn: Báo Phú Yên