Ngày 20/6, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam, Công ty TNHH NHONHO, Công ty AQUAFISH tổ chức hội thảo “Giới thiệu định hướng phát triển và các bước đánh giá chứng nhận VietGAP thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi”.
Toàn cảnh hội thảo Giới thiệu định hướng phát triển và các bước đánh giá chứng nhận VietGAP thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi.
Hiện nay, người dân vùng ĐBSCL thường sản xuất theo tập quán, truyền thống cũ và khó khăn khi áp dụng theo phương pháp sản xuất mới do điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu, thiếu nhân lực, vốn đầu tư, kinh nghiệm và trình độ học vấn thấp… Đây cũng là nguyên nhân làm cho sản lượng tiêu thụ sản phẩm thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi khó khăn, manh mún.
Theo các đại biểu, khi áp dụng VietGAP, người dân sẽ quản lý theo hệ thống khoa học, tránh rủi ro, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất. Thương hiệu sản phẩm sẽ được nâng cao, có chương trình hỗ trợ của Chính phủ (nhân lực, tài chính, các dự án) và được quảng bá qua nhiều kênh thông tin. Theo đó, giá bán cũng được nâng cao, đầu ra ổn định và thu nhập của người dân tăng lên.
Nuôi cá tra ở ĐBSCL sẽ quản lý theo hệ thống khoa học, tránh rủi ro, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất.
Ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết: Về định hướng triển khai VietGAP, thời gian tới sẽ thúc đẩy áp dụng trước hết cho các đối tượng xuất khẩu chủ lực và có sản lượng lớn. Xây dựng mô hình theo vùng nuôi để tạo chuỗi kết nối với thị trường và bắt buộc áp dụng đối với cơ sở nuôi cá tra từ năm 2015. Riêng trong năm 2013, sẽ rà soát, sửa đổi Bộ tiêu chuẩn VietGAP, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức xây dựng các mô hình thí điểm.
Nhu cầu của thị trường ngày càng cao, đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Vì vậy, việc nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là một yêu cầu tất yếu, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.