Cuộc sống tuy còn nghèo khổ nhưng cư dân ven hồ được bù lại những khoang thuyền nặng cá tôm sau mỗi ngày bươn chải. Nguồn lợi thủy sản ở đây luôn được chính quyền địa phương tái tạo và gìn giữ, trong khi nhiều nơi bị hạn hán bủa vây.
Tiếng cười sông nước
Ven hồ Dầu Tiếng, một buổi trưa khá nắng nóng, ngay tại nơi giáp ranh tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, ở xã Minh Hòa (tỉnh Bình Dương), chúng tôi thấy hơn chục chiếc ghe mới cập bờ bán cá. Trong khi nhiều sông lớn (Vàm Cỏ Đông, Đồng Nai, Sài Gòn…) đang cạn nước, ngư dân đánh cá ven bờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thì ở đây người ta vẫn sống khỏe với nguồn lợi cá tôm dồi dào.
Anh Phan Văn Thế (41 tuổi, ở xã Phú Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) kể: “Vợ chồng tôi làm nghề cá ở đây đã 16 năm, từ khi con gái lớn mới một tuổi. Cứ khoảng 5 giờ sáng là vợ chồng tôi lên ghe, giăng lưới một vòng, đến lúc mặt trời lưng lửng thì chạy về bán cá rồi về nhà. Mỗi ngày trung bình được 8 – 10kg cá. Với giá bán 18.000 – 20.000 đồng/kg, trừ tiền dầu còn dư hơn 100.000 đồng, là khoản thu nhập khá lớn với người nghèo không biết làm gì ra tiền”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây chỉ là một trong số hơn 200 hộ dân, nếu không có hồ này họ sẽ không biết cách nào mưu sinh.
Gia đình ông Năm Tuy, 61 tuổi, là một ví dụ nữa. Trong chiếc chòi mỏng manh tạm bợ ven hồ, lão ngư suốt đời theo nghề cá này kể: “Tôi quê An Phú (An Giang) nhưng từ bé cha mẹ đã giong ghe ngược sông Hậu sang Biển Hồ Tonle-Shap (Campuchia) đánh bắt cá, sống đời thương hồ lênh đênh. Khi Khmer đỏ nổi lên, người Việt ở Biển Hồ không được sống yên ổn nữa, gia đình tôi xuôi về Đồng Tháp Mười một thời gian trước khi ngược dòng Vàm Cỏ Đông lên định cư ở lòng hồ Dầu Tiếng. Đến nay đã 17 năm; nếu không có hồ này thì bốn cha con tôi (nay đã thêm 2 con dâu và 3 cháu) sẽ không biết sống ra sao, bởi mùa khô sông hồ nào (kể cả miền Tây) cũng cạn kiệt khiến tôm cá ít đi rõ rệt”.
Ông Năm Tuy đã nhiều năm gắn bó với hồ Dầu Tiếng
Ông Lê Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh cho biết, mỗi năm ngân sách tỉnh thường dành hơn một tỷ đồng mua cá giống thả xuống hồ 2 đợt, nhằm cân bằng hệ sinh thái thủy hải sản lòng hồ, đồng thời đảm bảo nghề đánh bắt cho ngư dân quanh hồ… Đồng thời, khuyến cáo ngư dân không dùng phương thức đánh bắt hủy diệt (xung điện, lưới rê, thuốc nổ, thuốc trừ sâu…), nhằm giữ nguồn lợi thủy sản không cạn kiệt.
Khoảng lặng trẻ thơ
Nhưng cuộc sống lòng hồ cũng không ít phiền muộn, gia đình ông Năm là một ví dụ. Trong 3 cháu của ông, hai đứa đã đến tuổi đi học nhưng không có giấy khai sinh, bởi lúc ông về đây mấy người con ông đều mang danh “Việt kiều” (sinh ra, lớn lên ở Campuchia). Đời thương hồ lênh đênh, giấy tờ tùy thân mất hết; các cháu của ông sinh ra, lớn lên ở Việt Nam vẫn chưa được công nhận (bằng văn bản) là người Việt Nam, do bố chúng chưa có giấy chứng minh quốc tịch Việt Nam. Và, mỗi lần nhắc chuyện tương lai các cháu, đôi mắt người ngư phủ già lại ngân ngấn nước, dù biết cá hồ này vẫn còn cho các cháu mưu sinh nhiều năm nữa.
Những mảnh “đời cá” nhỏ bé
Hay như gia đình chị Hồng anh Toản làm nghề giăng lưới. Anh Toản bảo, nhà anh ở xã Tân Thành (huyện Tân Châu, Tây Ninh) nhưng vợ chồng thường xuyên đánh bắt cá trong hồ và nghỉ lại một căn nhà tạm bên đảo Suối Nhím nên phải đưa con nhỏ đi theo. Nhìn bé Nhím 5 – 6 tuổi đang ngồi đầu mũi ghe mà chúng tôi không khỏi nao lòng. Sóng vỗ mạn ghe khiến người bé lắc lư chực rớt khỏi mạn. Ngày ngày phải theo cha mẹ trên từng con sóng, chưa biết năm tới, khi các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, Nhím có được đi học không.
Một ngày rong ruổi trên đường đất ven hồ Dầu Tiếng, chúng tôi thấy nhiều chợ nhỏ tấp nập bán mua cá như thế. Ngoài những ngư dân mang cá đến bán, các thương lái cũng chính là “đời cá” khác mà cuộc sống của họ cũng gắn liền với hồ này. Tất cả họ đang gắng sức, với hy vọng mỗi ngày bớt gian khó hơn.
>> Hồ Dầu Tiếng (thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước) rộng gần 300 km2, là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có ý nghĩa đặc biệt trong điều phối nước sạch sinh hoạt cho hàng chục triệu dân Đông Nam bộ, đồng thời mang lại nguồn lợi cá tôm dồi dào cho hàng trăm hộ ven bờ. |