TP Đà Nẵng: Mưa lớn ảnh hưởng đến thủy sản nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tháng 11/2023, tình hình nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt trên địa bàn TP Đà Nẵng đối mặt với nhiều rủi ro do thiên tai gây ra. Thời tiết mưa lớn, nước dâng gây ngập lụt, một số ao nuôi bị nước tràn bờ làm trôi tôm, cá gây thiệt hại cho người dân.

Sản lượng giảm so cùng kỳ

Thông tin từ Cục Thống kê TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm ngày 15/11/2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn thành phố ước đạt 216,4 ha, trong đó: diện tích nuôi cá ước đạt 175,2 ha; diện tích nuôi tôm (chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng) ước đạt 36 ha; diện tích thủy sản khác ước đạt 5,2 ha. 

Người nuôi tích cực chăm sóc thủy sản nuôi đảm bảo nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Ảnh: ST

Tính đến nay, chưa có dịch bệnh xảy ra trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trong tháng 11/2023, tình hình nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt đối mặt với nhiều rủi ro do thiên tai gây ra. Thời tiết mưa lớn, nước dâng gây ngập lụt, một số ao nuôi thủy sản bị nước tràn bờ làm trôi tôm, cá gây thiệt hại cho người dân. Tháng 11/2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 130 tấn tăng 3,2% so tháng trước và giảm 14,5% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, sản lượng nuôi trồng đạt 1.310,0 tấn, giảm 4,3% so cùng kỳ năm trước.

Chủ động bảo vệ

Thời gian tới, khu vực nuôi trồng thủy sản tiếp tục thu hoạch sản phẩm đạt kích cỡ thương phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Cùng đó, đang trong thời điểm mưa bão nên nguy cơ tràn bờ, thất thoát thủy sản là mối lo ngại hàng đầu của nhiều hộ dân. 

Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho thủy sản, người nuôi cần chủ động kiểm tra bờ bao và gia cố chắc chắn, bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 0,5 m. Kiểm tra hệ thống xả tràn cho ao nuôi. Chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc tre để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ tránh thất thoát cá nuôi. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ đê, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi và đề phòng khi có gió lớn cây đổ có thể làm vỡ đê bao sẽ làm thất thoát cá. Đặt những ống xả tràn để xả nước khi nước trong ao quá lớn, hoặc chủ động tháo nước trong ao, nhằm đề phòng nước tràn bờ cá sẽ đi theo ra hết. Khơi thông dòng chảy ở các sông, mương xung quanh ao để việc thoát nước được dễ dàng. Rải vôi bột xung quanh bờ ao với lượng khoảng 10 kg/100 m2 để ổn định pH cho ao nuôi có mưa lũ. Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi sẽ bị đục và pH bị giảm đột ngột nên bón vôi cho ao nuôi với liều lượng 0,7 – 1,0 kg/100 m3 nước để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao. Bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng. Hạn chế cho ăn khi có mưa bão để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và lãng phí thức ăn.

Đối với ao nuôi tôm, cần vệ sinh ao nuôi, kiểm tra lại cống xả tràn và chuẩn bị nguồn nước sạch để thay nước cho ao nuôi khi cần thiết. Rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Duy trì các dàn quạt nước hoạt động thường xuyên để tạo dòng chảy, tránh phân tầng nước đồng thời cung cấp oxy hòa tan đảm bảo cho tôm nuôi phát triển tốt. Các hộ nuôi tôm cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất. Kiểm tra và sửa chữa lại hệ thống điện cẩn thận để đảm bảo an toàn khi có gió bão. Các chòi canh, ao nuôi cần được trang bị đèn pin, phao cứu sinh. Người nuôi tôm tuyệt đối không được ở lại trên các chòi canh, ao nuôi khi có bão đổ bộ vào. 

Người nuôi cần theo dõi cập nhật diễn biến tình hình thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, cần chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tích cực chăm sóc thủy sản nuôi thương phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán.

Nguyễn Hằng

>> Diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn TP Đà Nẵng chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tập trung phần lớn tại các huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn. Đối tượng nuôi cá nước ngọt phần lớn là cá truyền thống như cá rô phi trắm cỏ... Bên cạnh đó, cá leo được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao.

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!