(TSVN) – Nhờ điều kiện khí hậu đặc trưng nên khu vực ĐBSCL không những là vùng sản xuất thủy sản lớn của cả nước mà còn là nơi có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh những nhà máy điện mặt trời với công suất lớn, nhiều hộ dân đã đầu tư và phát triển điện mặt trời ở chính trang trại tôm, vừa đảm bảo được nguồn điện ổn định, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bạc Liêu là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, chi phí đầu tư điện cho nuôi tôm rất tốn kém, do vậy, thời gian gần đây, nhiều mô hình ao nuôi tôm tại Bạc Liêu đã và đang lắp đặt hệ thống điện mặt trời để đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ cho quá trình nuôi. Điển hình như mô hình điện mặt trời áp mái kết hợp với nuôi tôm của hộ ông Trịnh Văn Hoặt (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) là một minh chứng.
Sử dụng điện mặt trời trong nuôi tôm mang lại hiệu quả tích cực. Ảnh: ST
Năm 2021, ông Hoặt bắt đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đến nay, sau hơn 2 năm sử dụng, bước đầu đã cho thấy hiệu quả không nhỏ trong việc tận dụng điện năng lượng mặt trời cho sản xuất, nhất là giúp giảm chi phí sản xuất.
Theo chia sẻ của ông Hoặt, những năm trước, chi phí điện để sinh hoạt gia đình và vận hành ao nuôi rất cao, trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng, thậm chí những lúc cao điểm có thể hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, chi phí tiền điện giảm đáng kể. Theo đó, vào những mùa sản xuất cao điểm ông chỉ phải đóng khoảng 7 triệu đồng, tháng nào thấp thì chỉ khoảng 3 triệu đồng.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10 (ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên) cũng áp dụng mô hình điện mặt trời áp mái để phục vụ cho nuôi tôm. Theo ông Luận, từ khi lắp điện mặt trời mái nhà công suất 25 KWp, mỗi tháng ông tiết kiệm đến 6 triệu đồng tiền điện. “Thấy vậy, tôi lắp thêm hệ thống 27,5 KWp nữa. Vài năm sẽ hoàn vốn, rồi sẽ có thêm lãi từ việc bán điện thừa. Tiết kiệm điện, sạch toàn diện, năng suất cao, tôm chất lượng”, ông Luận hào hứng chia sẻ.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, Đông Hải là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở đất ở cửa sông, cửa biển có nhiều diễn biến nghiêm trọng. Trong năm 2023, huyện đã xảy ra 5 đợt sạt lở, gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Thời tiết diễn biến phức tạp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi trồng thủy sản. Trước tình hình trên, địa phương đã khuyến khích triển khai nhiều mô hình sử dụng điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi tôm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Việc sử dụng điện mặt trời đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, bên cạnh lợi ích thiết thực trước mắt cho người nông dân là giảm chi phí sản xuất, mô hình giúp giảm đi lượng lớn điện tiêu thụ từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch, qua đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thế nhưng, mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển cũng như đã khẳng định được hiệu quả kinh tế – môi trường song mô hình kết hợp nuôi tôm với điện mặt trời áp mái tại các tỉnh ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, trở ngại.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu Nguyễn Trung Hiếu, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích kết hợp giữa nuôi tôm và lắp đặt điện mặt trời; khả năng truyền tải của hệ thống điện lưới quốc gia hiện tại cũng không đủ truyền tải dẫn đến việc hệ thống điện mặt trời của các tổ chức, cá nhân đầu tư chưa phát huy được hết công suất, hiệu quả.
Ngoài ra, một số dự án lắp đặt điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm chưa làm tốt công tác quy hoạch, thiết kế ban đầu dẫn đến việc giai đoạn đầu chỉ tập trung thi công phần năng lượng điện mặt trời. Điều này dẫn đến việc triển khai các hoạt động nuôi tôm chưa phát huy hết hiệu quả.
Đặc biệt, hạn chế lớn nhất của mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư.
Do đó, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu mong muốn Nhà nước xem xét việc đề ra các chính sách khuyến khích mô hình trên; đồng thời, có hướng dẫn về thủ tục cụ thể hơn để tất cả người dân nuôi tôm có thể tiếp cận và đầu tư; đặc biệt, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm cần phải có quy hoạch khu vực nuôi, thiết kế và thi công đồng bộ để tránh tình trạng khó triển khai thực hiện.
>> Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay có khoảng 44 tổ chức và cá nhân có đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm trên diện tích khoảng 70 ha. Việc sử dụng điện mặt trời trong nuôi tôm được ghi nhận đem lại những lợi ích như chủ động nguồn điện trong sản xuất, giảm chi phí tiền điện; giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong cắt giảm phát thải CO2 đến năm 2030.
Thái Thuận