(TSVN) – Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 – 1/4/2024), những ngày gần đây nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước đã tiến hành hoạt động thả con giống góp phần tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ngày 16/3, UBND huyện Mèo Vạc phối hợp Công ty Thủy điện Nho Quế 1 tổ chức lễ thả cá giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 năm 2024. Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị – xã hội sâu sắc, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân làm nghề khai thác thủy sản trên địa bàn.
Tại buổi lễ, các đại biểu và đông đảo đoàn viên, thanh niên, nhân dân đã thả khoảng hơn 70.000 con cá giống gồm 4 loại cá: Trắm đen, trôi, chép, trắm cỏ thả vào lòng hồ thủy điện Nho Quế 1.
Chiều 26/3, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổ chức thả cá giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Mã. Cụ thể, các đại biểu và đông đảo người dân địa phương đã thả 2 tấn cá giống nước ngọt truyền thống, có khả năng sinh trưởng mạnh trong tự nhiên như: cá trắm, trôi, chép… xuống lưu vực sông Mã.
Lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Mã là hoạt động ý nghĩa hướng đến “Ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4)” và “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ tỉnh Thanh Hóa năm 2024” do Sở NN&PTNT phát động. Hoạt động này nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hướng dẫn nhân dân thả các loài thủy sản có lợi cho môi trường sinh thái, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhất là những loài thủy sản nước ngọt, nhằm phát triển kinh tế bền vững, có trách nhiệm với môi trường. Bên cạnh đó, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cán bộ các cấp và cộng đồng ngư dân, chủ tàu khai thác thủy sản cam kết tuân thủ, không vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tàu cá phải có giấy phép khai thác thủy sản theo quy định khi hoạt động.
Ngày 3/3 tại đập Phà Lài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cùng đoàn công tác của tỉnh và lãnh đạo huyện Con Cuông đã tiến hành thả cá xuống lưu vực sông Giăng xã Môn Sơn, Con Cuông. Theo đó, đã có khoảng 2 tấn cá giống được thả xuống lưu vực Sông Giăng xã Môn Sơn, Con Cuông và lưu vực sông Lam thuộc địa phận huyện Đô Lương và huyện Tương Dương. Số lượng cá giống được thả lần này tại 3 huyện là 2 tấn, tương đương với hơn 8.000 con, đều là giống cá truyền thống: Trắm, trôi, mè, chép…
Sáng 2/3, tại xã Mà Cooih, Công ty CP Thủy điện A Vương (AVC) – Tổng Công ty Phát điện 2 phối hợp với huyện Đông Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tổ chức trao nhà Đại đoàn kết và thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ thủy điện A Vương.
Hồ thủy điện A Vương có diện tích mặt nước trên 900 ha với nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Để tăng cường nguồn lợi thủy sản và cải tạo môi trường lòng hồ, cải thiện điều kiện sống người dân quanh khu vực lòng hồ, nhiều năm qua, Công ty CP Thủy điện A Vương thực hiện các chương trình thả cá giống. Trong đợt này, Công ty thả trên 15.000 con giống chủng loại lớn, có giá trị cao gồm cá lăng, các trám đen, cá trôi, cá mè. Ông Ngô Việt Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 đánh giá các hoạt động thả cá giống và trao hỗ trợ các nhà đại đoàn kết cho địa phương lần này là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực để phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong hồ chứa Thủy điện A Vương, góp phần ổn định và nâng cao đời sống người dân sống trong vùng Dự án, đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị xã hội và tính nhân văn, nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, làm sạch nguồn nước, làm sạch môi trường, cân bằng hệ sinh thái. Ông Hưng cũng đề nghị Công ty CP Thuỷ điện A Vương nên duy trì thực hiện các hoạt động này, đồng thời kêu gọi, tuyên truyền cho người dân không sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, xung điện, hóa chất độc hại…; để đánh bắt thủy sản, qua đó cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân sống xung quanh khu vực hồ thủy điện.
Tiếp đó, sáng 21/3, tại Nhà máy thủy điện Sông Bung 4, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công ty Thủy điện Sông Bung cùng các đơn vị tiến hành thả 30.000 con cá giống loại lớn, gồm các loại cá mè, lăng, trắm cỏ… được các đại biểu thả xuống lòng hồ thủy điện sông Bung 4.
Nhân kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành thủy sản (1/4), ngày 27/3, UBND quận Bình Thủy, TP Cần Thơ tổ chức lễ phát động thả cá giống và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Điểm thả cá được tổ chức trên sông Hậu, tại bè cá Bảy Bon (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy). Tại đây, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, cùng các đại biểu đã vận động xã hội hóa, thả gần 1 tấn cá giống gồm cá chạch, cá lóc, cá tra… Đồng thời, trồng hơn 1.000 cây bần tại bãi bồi gần bè cá.
Ngày 26/3, tại cửa biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Sở NN&PTNN Bạc Liêu đã tổ chức thả tôm giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, đã có trên 6 triệu con tôm giống được thả vào môi trường thiên nhiên, số lượng con giống được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tài trợ. Cùng với hoạt động thả tôm giống về môi trường thiên nhiên, Sở NN&PTNN Bạc Liêu cũng tổ chức tuyên truyền, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.
Theo thống kê, trong 5 năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã thả gần 40 triệu tôm sú giống, 500.000 cá giống và gần 5 tấn cá thương phẩm về môi trường tự nhiên. Riêng năm 2023, các ngành chức năng thả về biển trên 10 triệu tôm sú giống; cùng với đó, thả ra các thủy vực tự nhiên ở vùng nội đồng 2 tấn cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Được biết, nhận thức của người dân Bạc Liêu, nhất là ngư dân ven biển về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái ngày càng được nâng lên. Có được kết quả như vậy là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững. Tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản đang từng bước được kiểm soát hiệu quả.
Hải Lý (Tổng hợp)