(TSVN) – Theo Cục Thống kê, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản quý I/2024 của Thanh Hóa ước đạt 51.049 tấn, đạt 24,0% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng 19.386 tấn, tăng 4,0%, sản lượng khai thác 31.663 tấn, giảm 2,0%.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, những năm qua, nhờ triển khai nhiều biện pháp chuẩn bị sản xuất nên hiệu quả từ nuôi trồng thủy sản (NTTS) được nâng lên. Trong đó, nguồn giống là một trong những yếu tố tiên quyết mang lại hiệu quả kinh tế cao cho lĩnh vực nuôi trồng. Hằng năm, các cơ sở, hộ NTTS trên địa bàn tỉnh có nhu cầu khoảng từ 5 – 6 tỷ con giống, với các loại giống chủ yếu, gồm: tôm, ngao, cua, cá nước ngọt, cá nước mặn. Do đó, tỉnh luôn đầu tư, khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, lai tạo và tiếp cận với nguồn giống thủy sản chất lượng.
Con giống là một trong những yếu tố tiên quyết mang lại hiệu quả vụ nuôi. Ảnh: ST
Điển hình tại HTX sản xuất, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ nông thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương có khu nuôi trồng và có đủ năng lực sản xuất hơn 200 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, 100 nghìn giống cua cung ứng cho các thành viên HTX và cơ sở nuôi trồng tại các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn. Ngoài ra, HTX còn cung ứng con giống đến thị trường tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh… Để bảo đảm được nguồn giống chất lượng, bên cạnh các biện pháp lai tạo, ương dưỡng, HTX còn chú trọng đến việc thuần giống bảo đảm nguồn giống cung ứng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, khí hậu của tỉnh.
Cùng với việc chuẩn bị tốt nguồn giống, vật tư sản xuất, ngay từ đầu năm 2024, nhiều cơ sở NTTS trên địa bàn tỉnh đã chú trọng cải tạo ao nuôi sẵn sàng cho vụ sản xuất mới – vụ xuân hè 2024. Điển hình như huyện Nga Sơn, với hơn 1.800 ha sản xuất, nơi đây được xem là một trong những địa phương có diện tích NTTS tương đối lớn với những đối tượng con nuôi giá trị kinh tế cao, như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song, cua… Với mục tiêu đưa giá trị sản xuất bình quân năm 2024 đạt 195 triệu đồng/ha, trong đó, xác định NTTS là một trong những lĩnh vực “động lực”, nên ngay từ những ngày đầu năm mới, ngành nông nghiệp và các địa phương đã hướng dẫn người dân triển khai các giải pháp chuẩn bị cho nuôi trồng vụ mới. Cùng với đó, các ao nuôi sau khi thu hoạch xong đều được người dân tháo cạn nước để thu gom rong rêu, rác thải, nạo vét và phơi khô đáy ao, dùng vôi bột vệ sinh xung quanh nhằm diệt khuẩn, diệt tạp, loại trừ mầm bệnh, làm sạch môi trường nước.
Được biết, trên địa bàn xã Nga Tân có 254 ha diện tích NTTS với khoảng 150 hộ tham gia sản xuất. Ngoài nuôi tôm các hộ còn nuôi cua, cá, ngao. Để tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản, năm 2024, việc cải tạo ao đầm được các cơ sở nuôi trồng đặc biệt quan tâm, chú trọng. Cùng với đó, các chủ đầm đã chủ động liên hệ với những cơ sở, địa chỉ cung cấp giống, vật tư thủy sản uy tín để nâng cao hiệu quả cho vụ sản xuất mới.
Theo lịch thời vụ, từ tháng 3/2024, người dân sẽ bắt đầu xuống giống NTTS vụ xuân hè. Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa có kế hoạch thả nuôi 19.200 ha thủy sản. Tuy nhiên, với nhiều dự báo không thuận lợi về thời tiết, khí hậu nên cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tuyên truyền, hỗ trợ người dân chủ động nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, các địa phương cần tiếp tục duy trì phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung theo quy hoạch; khuyến khích phát triển đa dạng các đối tượng nuôi phù hợp, chú trọng vào các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và theo xu hướng của thị trường. Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, ương dưỡng con giống thủy sản; cơ sở nhập khẩu, mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản.
Thái Dương