(TSVN) – Ngành thủy sản Việt Nam là cánh chim đầu đàn trong việc phát triển công nghệ chế biến sâu của nông nghiệp Việt Nam, với hàng ngàn doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm. Xu hướng này đang được mở rộng và là hướng đi đầy tiềm năng.
Xu hướng chung của ngành tôm thế giới hiện vẫn là cạnh tranh về sản lượng. Các quốc gia nỗ lực đẩy cao sản lượng tôm nuôi và xuất khẩu, hướng vào con số đạt và vượt 1 triệu tấn/năm.
Năm 2023, sản lượng tôm Ecuador – một cường quốc xuất khẩu tôm, ước đạt 1,4 triệu tấn. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, cái kết mà quốc gia này thu được lại không như mong muốn, khi sản lượng tăng mà kim ngạch xuất khẩu lại giảm.
Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA) cho biết: Năm 2023, ngành tôm của Ecuador thiệt hại gần 1,5 tỷ USD do giá tôm quốc tế giảm, đạt giá trị thậm chí còn thấp hơn giá trị được ghi nhận trong đại dịch COVID-19. Tôm của Ecuador nằm xếp hàng để chờ xuất khẩu.
Năm 2023, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Trung Quốc tăng khoảng 10% đạt 1,050 triệu tấn; tôm sú đạt khoảng 150.000 – 160.000 tấn. Năm 2024, Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt Ecuador, trở thành nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới, với sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt khoảng 1,2 triệu tấn và tôm sú trên 200.000 tấn (tổng 1,4 triệu tấn). Việc Trung Quốc chủ động được nuôi trồng chế biến tôm, đã khiến khối lượng nhập khẩu mặt hàng này của họ giảm mạnh.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2023 của Việt Nam là 682 triệu USD, giảm 15% so với năm 2022. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng giảm mạnh. Việt Nam từ chỗ là nhà xuất khẩu tôm đứng thứ 4, thì năm 2023 đã lui xuống vị trí thứ 5 tại thị trường 1,4 tỷ dân. So với năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc giảm 27% và xuất khẩu sang Nhật Bản giảm giảm 13,2%.
Dân gian ta có câu “thuyền to, sóng lớn”, sản lượng lớn – cũng đồng nghĩa với nhiều cơ hội và thách thức song hành.
Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, đã đặt mục tiêu sản lượng tôm nuôi đạt trên 1 triệu tấn và cán mốc xuất khẩu các sản phẩm tôm, ước đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
Một bài toán đơn giản, với kim ngạch 3 – 4 tỷ USD/năm như hiện nay, nếu giá bán tôm không tăng, thì để đạt con số dự kiến kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD năm 2025, ngành tôm phải đạt sản lượng tăng gấp khoảng 3 lần, tức phải đạt sản lượng xấp xỉ 3 triệu tấn/năm. Đây là một bài toán nan giải và khó thành hiện thực.
Các chuyên gia và các doanh nghiệp đều cho rằng: Để tăng giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp và người nuôi tôm, nên tập trung vào công nghệ chế biến sâu. Như vậy mới tăng giá trị cho các sản phẩm tôm nói riêng và các sản phẩm thủy sản nói chung.
Đại diện VASEP cho biết, hiện sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng của Việt Nam, chiếm 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm, đây là một thành công rất đáng ghi nhận.
Theo Bộ NN&PTNT, tháng 1/2024 xuất khẩu tôm đạt 0,22 tỷ USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ 2023. Dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 đạt 4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2023.
Bất chấp những khó khăn và sự cạnh tranh quyết liệt, ngành tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng, một phần quan trọng là nhờ các địa phương, doanh nghiệp hoạt động có chiều sâu, với hệ thống nhà máy chế biến hiện đại, sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng đa dạng.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, năm 2023, nhờ tập trung các đơn hàng chế biến sâu như: Tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên…, nên Sao Ta giảm thiểu được khó khăn trong kinh doanh, dù giá tôm trên thị trường giảm mạnh. Ngoài ra, việc doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, cũng giúp giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Các chuyên gia thế giới nhận định, ngành thủy sản Ấn Độ, Ecuador… cần mất từ 5 – 10 năm, mới có thể đạt được đến trình độ chế biến tôm tiên tiến như hiện nay.
Theo đề phát triển ngành chế biến thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng của ngành tôm sẽ đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%.
Nguyên Anh