T2, 06/07/2020 10:28

Bình Định: Nhơn Châu, mùa biển đói

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) chủ yếu sống bằng nghề khai thác thủy sản. Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản quanh đảo cạn kiệt, biển mất mùa, cuộc sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Giờ đang là chính vụ bắt cá cơm, vậy mà hầu hết tàu thuyền của ngư dân Nhơn Châu đều đang nằm bờ, vì biển thất bát. Chẳng như mọi năm, thời điểm này, người dân phấn khởi bởi liên tiếp trúng đậm cá cơm.

 

Biển đói, nhiều tàu cá và thuyền thúng của ngư dân neo đậu trong bến không ra khơi.

Biển đói

Dạo quanh đảo, chỉ có vài hộ dân ngồi vá lưới chuẩn bị cho chuyến biển hôm sau. Đó là những người chuyên đánh bắt bằng thuyền thúng. Anh Lê Văn Sáo, cán bộ UBND xã Nhơn Châu, dẫn chúng tôi đến gặp một số ngư dân, vừa đi vừa thở dài: “Biển đói như thế này, dân lại bỏ đảo ra đi, làm sao giữ được…”. Đến nhà nào cũng nghe người dân bảo: “Chưa bao giờ thấy biển cạn kiệt như năm nay”.

Mấy chục năm làm nghề biển, cả gia đình sinh sống bằng nghề biển với chiếc ghe nhỏ công suất 20CV, giờ ghe liên tiếp nằm bờ, vợ chồng ông Phan Văn Quân (58 tuổi, ở thôn Đông) phải trông chờ vào sự chi viện của ba người con trai đang đi bạn cho các tàu cá ở Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) để lo cuộc sống hàng ngày. Ông Quân tâm sự: “Nhiều lúc cũng muốn giong ghe ra khơi, kiếm được gì thì kiếm, nhưng ngặt nỗi ba đứa con đi bạn cho người ta, một mình tôi không đi được, tìm người đi bạn trên đảo lại không có. Nhớ biển quá, sáng rồi chiều tôi ngồi nhìn ra ghe cho đỡ nhớ rồi lại về. Có hôm nhớ quá xin đi bạn cho người ta, về cũng chẳng được đồng nào, vì có đánh bắt được gì đâu”.

Sau một vòng dạo quanh hỏi thăm các ngư dân, anh Lê Văn Sáo thông báo, chiều nay chỉ có 3 tàu cá xuất bến ra khơi. 18 giờ, chúng tôi bơi thúng ra tàu cá của anh Phan Thành Nhơn (38 tuổi, ở thôn Đông) để cùng đi biển với anh. Tàu của anh Nhơn công suất chỉ 30CV nhưng được xem là một trong số ít tàu cá có công suất lớn nhất ở xã đảo này.

Sau gần 30 phút chạy ra khu vực Hòn Yến (dân đảo thường gọi là Hòn Ông Già), anh Nhơn bắt đầu cho tàu thả trôi để dò luồng cá. Máy dò phát hiện có cá, mắt anh Nhơn sáng lên, không còn trầm ngâm như lúc mới lên tàu. Anh cho bật 12 bóng đèn cao áp rọi xuống biển để dụ cá vào. Sau hơn 1 giờ chong đèn dụ cá, trên máy dò hiện lên hình ảnh đàn cá kéo đến quanh tàu ngày càng nhiều, nhưng sau đó thì bất ngờ tản đi mất. Anh Nhơn bảo đây là bầy cá nục gai, chúng rất tinh, chỉ cần bình yếu, đèn lu một chút là bỏ đi. Không đánh được đàn cá nục gai, anh Nhơn lại cho tàu tăng tốc chạy, vừa chạy vừa dò tìm luồng cá. Đến vùng biển giáp ranh với tỉnh Phú Yên, anh lại chong đèn dụ cá, nhưng thấy lượng cá ít, anh quyết định không bủa lưới.

Đêm khuya, nhìn về phía đảo, ngọn hải đăng vẫn liên tục chớp sáng. Biển đen mênh mông, sóng và gió đã làm rõ hơn trong tôi cái cảm giác đợi chờ, sốt ruột của một ngư dân khi chưa tìm ra luồng cá. Tàu của chúng tôi liên tục quần đảo trên biển cho đến 4 giờ sáng mới quay về. Những gì chúng tôi thu được sau một đêm đánh bắt, tốn gần 400 ngàn tiền dầu, là …7 con cá chuồn nhỏ xíu, do tôi dùng vợt vớt trên mặt nước. Đây là đêm thứ 3 liên tiếp tàu anh Nhơn về tay trắng. Anh ngao ngán: “Sau chuyến này chắc cho tàu nằm bờ thôi, chứ lỗ tổn liên tiếp thì lấy đâu ra tiền mà mua dầu đi đánh tiếp. Chấp nhận nằm bờ chờ đến tháng 8 âm lịch đi câu cá nhám, cá mú ở vùng biển Phù Cát, Hoài Nhơn hoặc vào Khánh Hòa vậy”.

Chúng tôi lên bờ là lúc trời bắt đầu sáng. Trên cầu tàu, hàng chục phụ nữ xách xô, rổ ra ngồi chờ những thuyền thúng trở về để lấy cá đem đi bán. Trời sáng hẳn, hàng chục thuyền thúng nối đuôi nhau về lại bến, nhưng ai nấy đều buồn hiu vì tiếp tục thất bại. Gần 50 thúng đi đánh bắt trong đêm trở về chỉ có thúng của anh Nguyễn Văn Trợ và Trần Văn Cường được xem là “bội thu”: mỗi người chỉ đánh được 3-4kg cá cơm, mỗi ký bán được 25.000 đồng, cũng đủ lo cuộc sống trong ngày. Những thúng khác lèo tèo vài con cá dính lưới, ngư dân chẳng buồn gỡ.

Theo ông Vũ Xuân Ơn (56 tuổi, ở thôn Tây), thời điểm này mọi năm, sau một đêm đánh bắt, mỗi thúng trúng 50-70kg cá cơm là thường, còn giờ đây kiếm một ký cũng rất khó. “Đỡ cái là dùng thúng chèo tay đi đánh cá, chứ dùng thúng máy hay tàu thì chắc không có tiền để mua dầu đi tiếp”, ông Ơn thở dài. Nói chuyện “biển giả”, ngư dân Nguyễn Văn Thả (50 tuổi, ở thôn Trung), hồi tưởng về một thời “xênh xang” của ngư dân trên đảo: “5-6 năm về trước, chỉ cần bơi thúng xa bờ chừng 200-300m là đã đánh bắt được nhiều cá thu, mực, tôm hùm, cá cơm… Thời đó, các tàu, thúng thường kiếm được từ vài trăm ngàn đến vài triệu sau một đêm ra khơi”.

 

Ngư dân Phan Thành Nhơn vừa lái tàu vừa theo dõi máy dò cá.

Loay hoay với nghề

Do nguồn lợi hải sản cạn kiệt dần nên người dân trên đảo bán tàu công suất lớn, sắm tàu nhỏ hoặc thuyền thúng để giảm bớt chi phí. Ông Đặng Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Nhơn Châu, cho biết: “Năm 2008, toàn xã có 131 tàu cá, tổng công suất 2.707CV; sau 5 năm giảm hơn một nửa, nay chỉ còn 67 tàu, tổng công suất 1.385CV, 83 thúng máy và 79 thúng không có động cơ”.

Phương tiện có công suất lớn giảm mạnh kéo theo đại bộ phận người dân trong độ tuổi lao động bỏ đảo vào đất liền tìm kế sinh nhai, chủ yếu là thanh niên. Từ năm 2000 đến nay, có 60 hộ (hơn 200 nhân khẩu) cắt hộ khẩu đi nơi khác làm ăn. Số ngư dân trẻ đã rời đảo thì có khoảng 200 người đi bạn cho các chủ tàu đánh bắt xa bờ ở Quy Nhơn, Phú Cát, Phù Mỹ.

Ông Lê Văn Thái (56 tuổi, ở thôn Đông), cho hay: “Những năm trước đây biển trù phú, đầy tôm cá nên gia đình cũng có chiếc ghe nhỏ, ba cha con cùng đi. Từ ngày đánh bắt liên tiếp thất bại, tui đành phải bán ghe để sắm thuyền thúng đi gần bờ, kiếm 100-150 ngàn đồng/ngày để lo cuộc sống qua ngày”.

Chính cách khai thác gần bờ của đa số ngư dân trên đảo, cộng với việc ngư dân nơi khác dùng thuốc nổ, thuốc gây mê, giã cào, chong đèn lặn… đã làm cho nguồn hải sản quanh đảo cạn kiệt. Trong khi đó, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản quanh đảo vẫn còn bất cập, do chưa có lực lượng chuyên trách, chưa có phương tiện để thường xuyên đi tuần tra.

 

Giũ lưới sau một đêm đánh bắt.

Mở hướng cho đảo xa

Nguồn hải sản quanh đảo cạn kiệt, nhiều ngư dân trên đảo cũng có ý định đóng tàu lớn vươn khơi xa nhưng nguồn lực không có, nơi neo đậu thuyền chưa xây. Ngư dân Phan Thành Nhơn cho biết: “Đóng tàu lớn tốn tiền tỉ, trong khi người dân trên đảo muốn vay vốn thì không có gì thế chấp, do vậy mà người dân trên đảo chỉ khai thác quanh quẩn gần bờ”. Còn ngư dân Lê Tấn Tân (35 tuổi, ở thôn Trung), đi bạn cho một tàu cá ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn), tâm sự: “Nếu ở đảo có đội tàu đánh bắt xa bờ thì chúng tôi đâu phải rời đảo, rời nhà đi làm bạn cho các tàu khác cả năm mới về nhà”.

Nói về định hướng phát triển của xã đảo trong thời gian tới, ông Phan Văn Binh, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Châu, cho biết, trong đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020 thì Nhơn Châu sẽ được đầu tư rất lớn để phát triển kinh tế – xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo. Theo đề án, Nhơn Châu sẽ được đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt; âu thuyền; kéo điện lưới quốc gia ra đảo bằng cáp ngầm; phát triển ngành nuôi trồng thủy sản như nuôi trai lấy ngọc, nuôi ương tôm hùm giống, tôm hùm thương phẩm, nuôi cá bóp, cá mú, nhím biển…; thành lập đội tàu đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, xã cũng định hướng phát triển ngành chăn nuôi, phát triển lâm nghiệp, xây dựng xã đảo trở thành điểm du lịch biển hấp dẫn để thu hút du khách…

Rời đảo về lại đất liền, tôi nhớ mãi lời của ông Bí thư Đảng ủy xã về những dự án tương lai với niềm hy vọng điều đó sẽ sớm trở thành hiện thực. Lúc đó, câu chuyện người dân bỏ đảo ra đi không còn nữa, cuộc sống trên đảo sẽ khác hẳn.  

>> Đảo Nhơn Châu cách đất liền 12 hải lý (tương đương 23 km), có 495 hộ (2.160 nhân khẩu) sinh sống ở 3 thôn: Tây, Trung, Đông. Người dân làm nghề đánh bắt hải sản chiếm 80-90% dân số, bằng các phương tiện đánh bắt ven bờ như: lưới vây rút chì, mành tôm, mành mực và các loại lưới cước…

Bài: Nguyễn Phúc, ảnh: Văn Lưu

Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!