(Tạp chí Thủy sản VN) – Quảng Nam có chiều dài bờ biển trên 125km và cùng 2 cửa biển lớn là Kỳ Hà, ở huyện Núi Thành, Cửa Đại và quần đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An là những yếu tố tự nhiên thuận lợi để phát triển khai thác thuỷ sản. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Nam” đến năm 2015.
Tàu nhiều nhưng… lạc hậu
Trong những năm gần đây với xu hướng vươn khơi, nhiều phương tiện tàu cá ở Quảng Nam chuyển sang các nghề có hiệu quả như câu mực khơi, vây ngày, câu cá ngừ đại dương… trong khi đó đầu tư trang bị kỹ thuật chưa tương xứng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt khi thời tiết phức tạp, có gió bão. Tình trạng kỹ thuật chung của các đội tàu ở mức trung bình, máy móc trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Theo ông Võ Văn Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, số lượng tàu cá không nhiều, chất lượng tàu cá ở Quảng Nam thấp so với các địa phương trong khu vực miền Trung nên nghề khai thác hải sản vẫn còn hạn chế. Trong nhiều năm qua, cả Trung ương và địa phương đều có những chính sách hỗ trợ cho phát triển đánh bắt hải sản nói chung và đánh bắt xa bờ nói riêng.Hàng năm, số lượng tàu cá trên 90CV do ngư dân tự đầu tư đóng mới, cải hoán có tăng lên song không nhiều, trình độ công nghệ khai thác, sơ chế bảo quản sau khai thác còn nặng thủ công, lạc hậu vì thế chất lượng, giá trị sản phẩm thấp. Nguyên nhân chủ yếu nhất của tình trạng này là ngư dân không có khả năng về nguồn vốn để đầu tư phương tiện khai thác hiệu quả, cũng như khả năng đáp ứng các điều kiện để tiếp cận và hưởng được sự hỗ trợ của nhà nước từ các chính sách đã triển khai.
Được khuyến khích, hỗ trợ của địa phương, tàu câu mực ở Quảng Nam sẽ tự tin vươn khơi
Khuyến khích ngư dân vươn khơi
Đề án “Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Nam” được UBND tỉnh thông qua sẽ cụ thể hóa việc ban hành và tổ chức thực hiện những cơ chế, chính sách thiết thực nhằm trực tiếp khuyến khích và hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản tại các vùng biển xa bờ; bảo vệ và khôi phục nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng như phát triển bền vững nghề khai thác hải sản theo các chủ trương, định hướng của Trung ương và địa phương. Theo đề án này, từ năm 2010-2015, các chủ tàu cá là ngư dân, tổ hợp tác, HTX của tỉnh thực hiện đóng mới tàu cá có công suất từ 90CV trở lên hoặc thay máy, cải hoán nâng cấp tàu cá đang sử dụng có công suất dưới 90CV thành tàu cá có công suất từ 90CV trở lên để tham gia đánh bắt hải sản xa bờ là những đối tượng được hỗ trợ. Đối với tàu đóng mới sử dụng máy thủy mới 100%, có công suất từ 90 đến dưới 250CV sẽ được hỗ trợ 80 triệu đồng/tàu/năm, từ 250CV đến dưới 400CV được hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu/năm, từ 400CV trở lên hỗ trợ 120 triệu đồng/tàu/năm. Nếu là tàu đóng mới dùng máy thủy đã qua sử dụng thì các mức hỗ trợ tương ứng là 40, 50 và 60 triệu đồng mỗi tàu/năm;hỗ trợ tối đa 3 lần trong 3 năm liên tiếp/tàu.
Đề án cũng hướng dẫn cụ thể: tàu đóng mới phải có văn bản chấp thuận đóng mới của Sở NN&PTNT. Máy thủy mới 100% là máy thủy chuyên dùng (không phải là máy được thủy hóa) có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có hồ sơ kỹ thuật kèm theo, có chứng từ mua bán hợp lệ (hợp đồng mua bán, hóa đơn bán hàng) và cam kết bảo hành của chính hãng (theo điều khoản ghi trong hợp đồng hoặc giấy bảo hành kèm theo máy). Đối với máy mới nhập khẩu thì phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như hồ sơ kỹ thuật kèm theo. Các chủ phương tiệnsẽ nhận được mức lãi suất hỗ trợ là 5%/năm (tính trên số tiền vay thực tế), hạn mức số tiền vay được tính hỗ trợ tối đa là 500 triệu đồng cho trường hợp đóng mới tàu cá và 200 triệu đồng cho trường hợp thay máy, cải hoán, nâng cấp tàu cá.
Cùng với việc hỗ trợ các chủ tàu cá đóng mới hoặc thay máy, cải hoán nâng cấp tàu cá để đánh bắt xa bờ, đề án còn tạo điều kiện cho các thuyền viên làm việc trên tàu theo học các lớp thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá. Khi các thuyền viên tham gia học được cấp bằng, cấp chứng chỉ chuyên môn của các cơ quan đào tạo sẽ nhận được sự hỗ trợ. Cụ thể, mỗi suất đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 hoặc hạng 5 được hỗ trợ 1 triệu đồng/suất (mỗi tàu được đăng ký một lần 2 suất). Mỗi suất đào tạo thuyền viên tàu cá được hỗ trợ 200.000 đồng/suất (mỗi tàu được đăng ký một lần 10 suất).
THẠCH HÀ