Phòng và trị bệnh tốt sẽ giảm thiểu được việc sử dụng thuốc và hóa chất, tạo ra sản phẩm cá tra, basa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bệnh đốm da, trắng da
Bệnh này dễ xuất hiện khi cá bị xây xát do đánh bắt, san ao, vận chuyển hoặc do nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột và quá cao. Cá bị nhiễm bệnh thường bỏ ăn, gốc vây lưng xuất hiện vết đốm trắng, sau đó lan dần đến cuống đuôi và toàn thân. Cá bị bệnh nặng thường bơi lờ đờ ngang mặt nước, rồi lộn đầu xuống và chết.
Bệnh này xảy ra rất nhanh nên phát hiện và phòng bệnh sớm là rất cần thiết. Để trị bệnh, cần dùng một số kháng sinh và thuốc điều trị (thế hệ mới) trộn vào thức ăn tự chế biến hoặc nghiền mịn và pha thành dung dịch ngâm thức ăn viên cho cá ăn: Sunfadimezin 5g + Oxytetracyclin 2g/100 kg cá kết hợp trộn vào thức ăn Superfact 250g/100 kg thức ăn. Từ ngày thứ ba, liều lượng giảm 1/2, cá có thể khỏi bệnh sau 5 ngày dùng thuốc.
Bệnh xuất huyết đường ruột
Bệnh xuất hiện chủ yếu vào các tháng mùa khô. Cá bị bệnh bụng chướng to, hậu môn lồi, sưng đỏ, vây bụng xung huyết. Cá bơi lờ đờ, tách đàn, biếng ăn. Để phòng bệnh, có thể dùng cỏ mực thái nhỏ và nấu chung với thức ăn tự chế biến cho cá ăn, liều lượng 1 kg cỏ mực + 70 kg thức ăn. Cứ cách 1 tuần cho ăn một lần, nhằm phòng bệnh đường ruột rất tốt. Trị bệnh cho cá nên dùng Sunfathiazon 6g + 0,5g Thiromin/100 kg cá, hoặc Sunfaguanidin 10g/70 kg thức ăn tự chế biến. Cho ăn liên tục 5 ngày liền, từ ngày thứ ba giảm 1/2 lượng thuốc.
Phòng và trị bệnh tốt sẽ giảm thiểu được việc sử dụng thuốc và hóa chất trong ương nuôi cá tra, basa – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Bệnh nấm thủy mi
Bệnh này gây hại cho cá từ giai đoạn trứng đến trưởng thành. Những ao bị nhiễm bẩn, nuôi quá dày đều có thể xuất hiện bệnh nấm. Tắm cho cá trong nước muối 2 – 3% hoặc dung dịch thuốc tím 20mg/lít trong 10 – 15 phút. Ao ương nên thay nước sạch thường xuyên để hạn chế sự phát triển của bệnh.
Bệnh trùng bánh xe
Đây là bệnh phổ biến ở giai đoạn cá giống. Khi mới nhiễm bệnh, thân cá có lớp nhớt hơi trắng đục, cá thường nổi và thích tập trung nơi nước chảy. Cá bệnh nặng lờ đờ rồi chìm xuống đáy ao và chết. Không nên nuôi ương cá với mật độ quá dày, giữ môi trường nuôi sạch. Trị bệnh dùng nước muối 2 – 3% tắm cho cá bệnh 5 – 15 phút. Dùng đồng sulfat nồng độ 2 – 5 mg/lít tắm cho cá 10 – 15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao nồng độ 0,5 – 0,7 g/m3 nước. Phối hợp sunphat đồng 0,5g/m3 phun hoặc rắc đều xuống ao, nhằm tiêu diệt trực tiếp trùng bánh xe và ký sinh trên cá.
Bệnh do sán lá
Sán thường ký sinh trên mang cá tra, basa cả giai đoạn cá giống và nuôi thịt, gây viêm loét, thối rữa. Có thể dùng lá cây giác đập dập (Cayratia trifolia) và bó thành bó nhỏ treo ở đầu bè để phòng ký sinh sán lá. Ngoài ra có thể dùng vôi bột 5 g/m3 để phòng bệnh. Trị bệnh dùng nước muối 3 – 4% hoặc đồng sulfat 5 – 7g/m3 tắm cho cá 5 – 10 phút. Dùng Formol nồng độ 15 – 20g/m3 (15 – 20 ppm), phun trực tiếp xuống ao.
Bệnh xuất hiện quanh năm, bệnh tới 100%. Giun, sán hút chất dinh dưỡng làm cá chậm lớn và tiêu tốn thức ăn. Phòng trị bệnh đối với cá nuôi bè nên định kỳ 3 tháng một đợt tẩy giun cho cá. Dùng thuốc có gốc piperazin (thế hệ mới) để tẩy giun cho cá, mỗi đợt 3 ngày liên tục.
Hạ Long
>> Kỹ thuật nuôi cá tra Cá tra là một trong những đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực của cả nước, có giá trị kinh tế và dễ nuôi. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, Tiến sĩ Đỗ Đoàn Hiệp và nhóm tác giả đã biên soạn “Kỹ thuật nuôi cá tra” nằm trong tập sách “Nuôi cá nước ngọt” (quyển số 7). Cuốn sách trình bày cụ thể những kiến thức cần thiết để bắt đầu nghề nuôi cá tra như: kỹ thuật ương nuôi trong ao đất, ương nuôi trong lồng bè, phòng trị bệnh… từ đó, giúp người nuôi chủ động trong việc phòng và chữa bệnh cho cá, đảm bảo cá phát triển tốt, đạt năng suất cao. Sách do Nhà xuất bản Lao động Xã hội phát hành! Tuấn Tú |