(TSVN) – Danh hiệu Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (năm 2019) đã là động lực thôi thúc chính quyền và người dân địa phương nỗ lực hết mình để bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật cả trên rừng, dưới biển. Cù Lao Chàm ngày nay đã mang trong mình nét rất riêng, rất đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được.
Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) có tổng diện tích 33.475 ha, được phân thành 3 phân vùng chức năng: Vùng lõi – Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: Có diện tích 11.560 ha là nơi thực hiện chủ yếu chức bảo tồn thông qua hoạt động của Khu bảo tồn biển và lực lượng bảo tồn rừng đặc dụng Cù Lao Chàm. Tiếp đến là Vùng đệm – Vùng cửa sông Thu Bồn, đây là vùng đi từ biển vào đất liền với diện tích trải dài lên đến 20,350 ha. Vùng thứ 3 là vùng chuyển tiếp, đây là phần diện tích tự nhiên còn lại, trong đó nổi bật là khu phố cổ Hội An quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp trộn lẫn giữa không gian truyền thống và hơi thở của thời đại mới.
Dấu ấn 15 năm Khu dự trữ sinh quyển Thế giới – Cù Lao Chàm; ảnh: CTV
Qua khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có hơn 311 ha rạn san hô, với khoảng 300 loài, san hô mềm chiếm ưu thế, độ phủ trung bình rạn san hô 41%; có 50 ha thảm cỏ biển, với 5 loài đặc trưng, độ phủ trung bình 15 – 25%; 76 loài rong biển, hơn 270 loài cá, 97 loài thân mềm, 11 loài động vật da gai…
Công tác bảo tồn san hô tại Cù Lao Chàm trở thành điểm sáng với sự tham gia của cộng đồng, đã bảo vệ tối đa hệ sinh thái rạn san hô tự nhiên. Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã đưa rùa biển về, đồng thời xây dựng được lực lượng tình nguyện viên bảo vệ rùa biển tại đây.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới của UNESCO công nhận vào ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju (Hàn Quốc); bởi những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.
Các giá trị đặc trưng, nổi trội đó là: Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; Phố cổ Hội An – Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; Rừng ngập mặn với đặc trưng là Hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; Rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; Hệ thống rừng phòng hộ ven biển; Các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An ra đời năm 2009 đã đóng vai trò sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trong mối liên kết giữa rừng và biển, giữa đảo với đất liền, giữa lục địa với đại dương, đặc biệt giữa con người với thiên nhiên.
Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển đã giúp cuộc sống của người dân trên đảo không ngừng được cải thiện. Người dân nhận thức được rằng “tài nguyên chính là nguồn sống của họ”. Đơn cử, từ các hộ khai thác thủy sản bằng thuốc nổ, nhiều ngư dân khai thác cả san hô, cây rừng bất hợp pháp, sau khi tham gia các hoạt động của bảo tồn biển và khu sinh quyển, họ thay đổi nhận thức, hành vi và trở thành những cộng tác viên tích cực trong truyền thông, phối hợp tuần tra, kiểm soát khai thác thủy sản, lâm sản, tham gia.
Bà Trần Thị Hồng Thúy, Phó ban Thường trực BQL Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông tin, năm 2009, Cù Lao Chàm trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phát động chiến dịch “Nói không với túi nilon”. Đến năm 2018, nơi đây tiếp tục là địa phương đi đầu trong việc triển khai cam kết cộng đồng “Nói không với ống hút nhựa”. Hàng loạt các chương trình truyền thông, giáo dục kết hợp với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự đồng thuận của người dân nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đã luôn được triển khai đều đặn trong suốt 15 năm qua.
Có thể thấy, những kết quả đáng ghi nhận về công tác bảo vệ môi trường trong 15 năm qua của Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã tạo nên thương hiệu riêng có, là nền tảng để hướng tới một hòn đảo không rác thải, một Khu sinh quyển không rác thải nhựa… Đặc biệt, từ thành công của mô hình phục hồi san hô cứng với hàng chục nghìn tập đoàn san hô được phục hồi, năm 2018 mô hình rạn nhân tạo được thiết lập tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Qua 5 năm triển khai, có 600 cấu trúc rạn nhân tạo đã được thiết lập tại 5 khu vực, trong đó 4 khu vực bao xung quanh Rạn Mành và 1 khu vực tại Bãi Xếp. Mô hình này giúp tạo tính kết nối sinh thái giữa sinh cảnh tự nhiên là các rạn san hô và thảm rong biển với khu vực rạn nhân tạo, góp phần tạo thêm môi trường sống, các bãi đẻ và ương giống các loài sinh vật biển, thúc đẩy quá trình phục hồi nguồn lợi tự nhiên tại vùng.
Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/1/2024; Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An được xác định là trung tâm của mạng lưới các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển liên kết với các khu bảo tồn phía Tây của tỉnh thông qua tiếp cận lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
Theo đó tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung tổ chức hoạt động phục hồi đa dạng sinh học tầm quốc gia, quốc tế đến các hoạt động cụ thể, thiết thực của cộng đồng cư dân, mỗi gia đình, người dân nhằm cụ thể hóa việc phát triển bền vững, phát triển xanh, hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường theo Quy hoạch của tỉnh, gắn với Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 – 2030 của Liên hợp quốc, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học.
Quyết định của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để tỉnh Quảng Nam nói chung và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An nói riêng phát triển lên tầm cao mới.
Hải Lý
2024 là năm đánh dấu cột mốc 15 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Có thể nói, danh hiệu này là sự ghi nhận của cộng đồng thế giới về những nỗ lực vượt bậc của TP Hội An nói chung và người dân xã đảo Cù Lao Chàm nói riêng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, hướng tới sự phát triển bền vững.