Giá tôm thương phẩm đang trên đà giảm mạnh khiến cả người nuôi lẫn doanh nghiệp tại Hà Tĩnh đều không khỏi lo lắng trước vụ thu hoạch tôm xuân hè.
Sau gần 3 tháng thả nuôi, hộ nuôi Lê Thành Hướng (xã Kỳ Hải, Kỳ Anh) đành chấp nhận xuất bán sớm 2 hồ tôm cho thương lái với tổng diện tích 5.400 m2.
Anh Hướng chia sẻ: “Trước tình hình thời tiết diễn biến khắc nghiệt, tôm nuôi bị chậm lớn nên tuần vừa rồi gia đình phải “bán chạy”, kích cỡ tôm từ 90 – 95 con/kg, mức giá dao động từ 90 – 100.000 đồng/kg. Tôm chậm lớn nên năng suất và sản lượng thấp, không đạt như kỳ vọng trong khi chi phí đầu tư cao nên vụ nuôi này hi vọng hòa vốn”.
“Đứng ngồi không yên” khi nhận được thông tin tại vùng nuôi có thêm 2 hộ nuôi có tôm bị chết nhiều, anh T.V.N (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) đã quyết định liên hệ với thương lái để bán “non” số tôm trong ao nuôi của gia đình.
Anh N. cho hay: “Tôm nuôi của gia đình mới chỉ đạt kích cỡ từ 70 – 75 con/kg, chưa đạt mục tiêu (50 – 60 con/kg) nhưng lo lắng dịch bệnh ảnh hưởng nên tôi đành xuất bán sớm hơn dự tính. Tôi đang theo dõi thêm để cân nhắc có thả nuôi vụ nuôi tiếp trong tháng tới hay không”.
Nhiều hộ nuôi tôm lựa chọn xuất bán sớm để tránh ảnh hưởng từ thời tiết và dịch bệnh.
Theo chia sẻ của nhiều người nuôi tôm, thời tiết năm nay diễn biến cực đoan, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tôm nuôi. Đặc biệt, vào giai đoạn sinh trưởng mạnh và quan trọng của tôm từ tháng 4 đến tháng 6, hình thái thời tiết nắng gắt xen kẽ mưa dông liên tục xuất hiện khiến rủi ro càng cao.
Hệ quả của việc xuất hiện mưa bất chợt trong hình thái thời tiết đang nắng nóng làm cho oxy hòa tan trong nước giảm thấp, các khí độc trong ao tăng cao khiến độ pH giảm mạnh, xuất hiện hiện tượng ao nuôi bị sụp tảo đột ngột, sản sinh ra lượng khí độclớn… Điều này làm môi trường ao nuôi bị xáo động, tôm giảm sức đề kháng, dễ bị vi khuẩn, vi-rút tấn công. Để hạn chế thiệt hại, thu hồi nhanh số vốn bỏ ra, nhiều hộ nuôi đã cân nhắc lựa chọn phương án xuất bán sớm hơn kế hoạch ban đầu.
Ngoài nỗi lo dịch bệnh bủa vây, thời tiết diễn biến thất thường, người nuôi tôm tại Hà Tĩnh cũng đang lo lắng vì giá tôm thương phẩm đầu vụ thu hoạch đang ở mức thấp.
Trên diện tích nuôi hơn 2 ha, anh Tấn Đạt (thị trấn Lộc Hà) vừa bán tỉa gần 3 tấn tôm thương phẩm có kích thước từ 60 – 65 con/kg cho thương lái tại Nghệ An với giá 120 – 125.000 đồng/kg. Anh Đạt cho biết: “Năm nay, nuôi được con tôm đạt được rất khó khăn vì thời tiết thất thường, nhiều loại dịch bệnh như: bệnh phân trắng, vi bào tử trùng tấn công. Khi tôm bắt đầu vào đợt thu hoạch thì từ tháng 5 đến nay, giá bán “tuột dốc không phanh” ở hầu hết các kích cỡ, giảm 20 – 25% so với thời điểm đầu năm”.
Giá tôm thương phẩm tại Hà Tĩnh đang ở mức thấp.
Vừa xuất bán hơn 1,5 tấn tôm thẻ chân trắng, anh Lê Quang Anh (xã Kỳ Hà, Kỳ Anh) chia sẻ: “Hiện nay, giá tôm thương phẩm đang xuống thấp trên quy mô cả nước chứ không riêng gì ở Hà Tĩnh. Loại 50 con/kg tôi vừa bán chỉ ở mức 140.000 đồng/kg. Với tình hình này, tôi đang dự định sẽ thực hiện bán tỉa bớt các hồ còn lại theo từng đợt, kéo dài thời gian nuôi lâu hơn, tăng kích cỡ tôm nhằm bán tôm cỡ lớn”.
Qua khảo sát thị trường, các địa phương có diện tích thả nuôi lớn như: Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, TX Kỳ Anh…, đã bắt đầu bước vào kỳ thu hoạch vụ tôm xuân hè. Tôm thẻ chân trắng còn sống loại 80 – 100 con/kg chỉ ở mức 90 – 110.000 đồng/kg; 60 – 80 con/kg có giá 120 – 125.000 đồng/kg; loại 40 – 50 con/kg có giá 140 – 160.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá 180 – 200.000 đồng/kg;… Giá bán tôm đá cấp đông thường thấp hơn tôm sống khoảng 10.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Hoàng Nam – thương lái chuyên thu mua tôm tại Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay, tôm từ Ấn Độ, Indonesia, Ecuador đang chào giá thấp, kéo giá tôm trong nước giảm mạnh. Cùng với đó, chúng tôi đang hạn chế thu mua tôm cỡ nhỏ và trung bình vì nhu cầu thị trường bán lẻ đang ở mức thấp”.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Quản lý, nuôi trồng thủy sản (Chi cục thủy sản Hà Tĩnh), 6 tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng được thả nuôi đạt trên toàn tỉnh đạt hơn 1.500 ha. Mặc dù mới đầu vụ thu hoạch tôm xuân hè, song, so với đầu năm 2024, giá tôm thời điểm này đã giảm hơn khoảng từ 20 – 25%.
Nguyên nhân khiến giá tôm giảm là do đây là chính vụ thu hoạch trên cả nước nên nguồn cung đang rất lớn. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm cũng giảm mạnh sản lượng thu mua khiến giá bán giảm theo. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh vùng lân cận như: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… không cao, nhất là đối với các loại tôm cỡ nhỏ và trung bình.
Trước thực tế này, người nuôi tôm tại Hà Tĩnh cần tiếp tục theo dõi thị trường, tránh thu hoạch ồ ạt. Có thể xem xét nếu đảm bảo các yếu tố về môi trường, dịch bệnh, thực hiện thu tỉa dần từng đợt một, số lượng tôm còn lại trong ao sẽ có môi trường thuận lợi tăng trưởng nhanh hơn, góp phần tăng kích cỡ khi thu hoạch, tăng giá bán.
Hiện nay, tôm nguyên liệu từ các nguồn cung lớn trên thế giới đều giảm. Trong đó, vừa qua, giá tôm nguyên liệu tại Trung Quốc trong tuần 25 (17 – 23/6) giảm có lúc xuống gần mức thấp nhất trong 1 thập kỷ do sản lượng đạt đỉnh theo mùa. Tôm cỡ 60 con/kg giảm 22% và tôm cỡ 80 con giảm 25% so với tuần trước đó. Giá hiện đang ở gần mức thấp nhất trong thập kỷ được ghi nhận lần cuối vào mùa hè năm 2020 trong đại dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm thẻ chân trắng đang ở mức thấp, giảm mạnh từ 20 – 30.000 đồng/kg tùy kích cỡ so với đầu năm 2024.
Theo dự báo, giá tôm nguyên liệu có khả năng sẽ tăng trở lại muộn nhất vào tháng 8 khi qua vụ thu hoạch chính ở các nguồn cung trên thế giới, nhu cầu từ các thị trường sẽ tích cực hơn ở giai đoạn cuối năm.
Minh Ngọc
Nguồn: Báo Hà Tĩnh