Sử dụng thức ăn trong nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong nuôi tôm cá, nếu sử dụng thức ăn không đúng cách thì vừa làm tăng chi phí vừa khiến tôm cá chậm lớn. Để sử dụng thức ăn hiệu quả, người nuôi cần dựa vào một số tiêu chí quan trọng.

Địa điểm nuôi

Đối với tôm cá nuôi trong ao với diện tích rộng, khi cho ăn cần phân tán thức ăn đều ra các vị trí, đảm bảo trên 90% tôm cá được ăn; tránh hiện tượng tôm cá ăn không đồng đều dẫn đến còi cọc.

Đối với các lồng nuôi, khi cho cá ăn cần chú ý dòng chảy, đảm bảo lượng thức ăn không bị thất thoát ra ngoài. 

 

Đối tượng nuôi

Loài nuôi

Mỗi loài nuôi đều có nhu cầu chất lượng và số lượng thức ăn khác nhau; ngoài ra mỗi loài còn có hình thức bắt mồi khác nhau

Lượng thức ăn hằng ngày của cá là tỷ lệ giữa lượng thức ăn cung cấp trên toàn bộ trọng lượng cá thả, liều thượng thức ăn phụ thuộc từng loài cá, từng giai đoạn phát triển của cá và nhiệt độ môi trường vùng nước nuôi

Đối với loài ăn khoẻ có tốc độ sinh trưởng nhanh (như cá vược, tráp, hồng) thì lượng thức ăn hằng ngày cần nhiều hơn cá song, cá mú

Đảm bảo lượng thức ăn cho cá nuôi, tránh thất thoát – Ảnh: Ngọc Trinh

Giai đoạn nuôi

Khi cá còn nhỏ, nhu cầu thức ăn cần nhiều, 6 – 8%. Khi cá lớn thì lượng thức ăn giảm còn  2 – 3%.

Khi nhiệt độ tăng (trong ngưỡng thích hợp) thì nhu cầu ăn của cá tăng, dẫn đến  lượng thức ăn cũng tăng. Do vậy, điều chỉnh lượng thức ăn dao động từ 3 đến 8%, trong quần đàn có 80% số lượng cá ăn no là được.

Nhu cầu dinh dưỡng

Mỗi loài nuôi có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Đối với những loại cá dữ (như vược, giò, song, mú) thì cần hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Do vậy, để cá phát triển tốt thì thức ăn đối với những loài nuôi này cần hàm lượng đạm trong thức ăn từ 30% trở lên. Ngược lại, đối với những loài cá ăn tạp hoặc thực vật (như cá dìa, đối, rô phi) thì hàm lượng đạm trong thức ăn (20 – 28%), không cần cao.

Hầu hết các đối tượng nuôi biển đều cần thức ăn có hàm lượng đạm cao hơn so với đối tượng nuôi nước ngọt.

 

Tập tính ăn của từng đối tượng

Đối với các loại cá hồng, chim, tráp, rô phi thường ăn mồi mạnh ở tầng giữa và tầng mặt. Do vậy, cần chọn loại thức ăn nổi hoặc lơ lửng. Đối với cá song, mú, tầm (nhút nhát, ăn mồi ở tầng đáy, cường độ ăn mồi chậm), cần chọn loại thức ăn viên chìm và lâu ngấm nước.

Tần suất: Ở giai đoạn cá giống, cần tăng tần suất cho ăn, 4 – 6 lần/ngày. Ở giai đoạn nuôi thương phẩm, tần suất cho cá ăn duy trì 2 lần/ngày; đối với nuôi tôm thâm canh, có thể cho ăn 4 lần/ngày

 

Lưu ý:

– Trong quá trình chăm sóc, cần quan sát hoạt động hằng ngày của tôm cá nuôi, để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Khi tôm, cá khỏe mạnh nhu cầu ăn nhiều, cần tăng lượng thức ăn. Ngược lại, cần giảm lượng thức ăn và có thể tạm ngưng cho ăn khi tôm, cá có dấu hiệu bệnh lý.

– Khi thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường, các yếu tố môi trường bất lợi gia tăng (H2S, NH3, NO2…) gây stress cho tôm cá nuôi, cần giảm lượng thức ăn hằng ngày và trộn thêm các loại vitamin, chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng và giúp tôm, cá tiêu hóa tốt hơn.

>> Đối với vùng nuôi có nguồn nguyên liệu rẻ tiền từ tự nhiên (như cá tạp, phế phụ phẩm nông nghiệp), có thể chế biến làm thức ăn cho cá, vừa đảm bảo thành phần dinh dưỡng vừa giảm chi phí. Tuy nhiên, không dùng thức ăn tự chế đối với nuôi tôm thâm canh.

Hải An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!