(TSVN) – Rác thải Cồn Chim, đầm Thị Nại, Bình Định, từng là vấn đề khiến chính quyền địa phương và các ngành chức năng trăn trở. Tuy nhiên đến năm 2024 điều này đã được giải quyết khi Hợp tác xã TM & DV Cồn Chim Xanh được thành lập và nhận hợp đồng thu gom rác thải tại khu vực này.
Xóm Cồn Chim thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là “ốc đảo” nằm lọt thỏm giữa đầm Thị Nại được bao quanh bởi các tán rừng ngập mặn. Xóm là nơi sinh sống của 230 hộ dân với 1.130 ngư dân có sinh kế hoàn toàn phụ thuộc vào đầm Thị Nại với các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên trước đây rác thải sinh hoạt của bà con trên Cồn chưa thu gom, xử lý được và thường bị vứt xuống đầm.
HTX thu gom rác thải trôi nổi trên đầm Thị Nại. Ảnh: ĐP
Ngoài việc thu gom rác thải sinh hoạt. Các xã viên HTX còn chủ động ra quân tình nguyện dọn dẹp rác thải trôi nổi trên Đầm Thị Nại và khu vực rừng ngập mặn Cồn Chim.
Thu gom rác thải sinh hoạt trên xóm Cồn Chim. Ảnh: ĐP
Việc thu gom và xử lý rác thải tại xóm Cồn Chim bước đầu giải quyết nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải từ hoạt động du lịch, cũng như rác thải trôi nổi trên đầm Thị Nại.
Ông Hồ Văn Nhân, Xóm trưởng xóm Cồn Chim cho biết, từ khi có HTX phụ trách thu gom rác sinh hoạt ở Cồn Chim, bà con ở địa phương rất hưởng ứng. Hoạt động này đã góp phần đem lại môi trường xanh, sạch cho khu sinh thái Cồn Chim đồng thời qua đó nâng cao ý thức chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn của cộng đồng và du khách.
Rác thải sinh hoạt ở Cồn Chim được vận chuyển bằng ghe về đất liền để xử lý. Ảnh: ĐP
Ngoài ra vừa qua, UBND xã Phước Sơn cũng đã phát động chương trình phân loại rác tại nguồn, tặng 30 thùng chứa rác cho 30 hộ ở Cồn Chim. Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã Phước Sơn đã tuyên truyền bà con phân loại rác tại nguồn đồng thời hướng dẫn ủ thức ăn thừa thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng.
Ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết, thời gian tới xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cùng với việc ban hành những quy định tại địa phương để tiết giảm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa và tiến tới nói không với việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; Nâng cao ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường, từ đó thúc đẩy ngành kinh tế du lịch cộng đồng, lưu trú xanh, tour tham quan, học tập xem chim, đánh bắt gần bờ, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, nuôi trồng thủy sản tổng hợp thân thiện với môi trường, để tăng thu nhập cho người dân bản địa, dần loại bỏ các loại hình đánh bắt xâm hại hệ sinh thái đầm, phát triển sinh kế bền vững.
Ái Trinh