Chưa lúc nào người nuôi cá tra thương phẩm lẫn cá tra giống ĐBSCL như ngồi trên đống lửa bởi giá bán xuống dốc thảm hại và chưa có tín hiệu dừng lại. Điều này đồng nghĩa với việc người nuôi sẽ còn lỗ nặng.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ tháng 12/2019 đến nay, giá cá tra nguyên liệu và cá tra giống ở ĐBSCL giảm 30- 50% do thị trường xuất khẩu gặp khó. Những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất là: huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, TX Tân Châu (An Giang); huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp); TP Ngã Bảy, huyện Châu Thành, Châu Thành A (Hậu Giang); huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai (TP Cần Thơ); huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa (Long An)…
Thu hoạch cá tra ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ)
Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, TP Ngã Bảy cho biết: “Thị trường cá tra năm nay biến động quá lớn khiến người nuôi trở tay không kịp. Trước đây, giá cá từ 28.000 – 29.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn từ 16.000 – 17.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành đầu tư từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. “Dù giá cá rơi tận đáy nhưng doanh nghiệp không mua bởi đầu ra do thị trường chủ yếu là Trung Quốc đã ngừng thu mua. Vì vậy, tất cả đành “bó tay” đợi COVID-19 đi qua. Hiện nay, nhiều hộ không bán được đành cho cá ăn cầm chừng, cá càng lớn lại càng mất giá”, ông Phong cho biết thêm.
Thu hoạch cá tra ở TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang
Không chỉ cá tra thương phẩm rớt giá thảm hại mà thị trường cá tra giống cũng ảm đạm không kém. Theo các chuyên gia, tuy số lượng sản xuất cá giống ĐBSCL rất lớn nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế như: người sản xuất thiếu kinh nghiệm, thường chỉ học tập kinh nghiệm lẫn nhau, không thực hiện đúng khuyến cáo của các ngành chuyên môn, chưa trang bị đầy đủ và chất lượng các thiết bị cần thiết… nên chất lượng con giống đạt thấp.