Phòng bệnh nấm thủy mi ở cá chim trắng vào mùa đông

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Cá chim trắng thường bị nấm thủy mi trong mùa đông, hỏi làm thế nào để phòng bệnh hiệu quả?

(Trần Tuấn Anh, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ)

Trả lời:

Bệnh nấm thủy mi ở cá thường gặp trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh sẽ phát triển nhanh trong các ao nuôi có hàm lượng chất bẩn, chất hữu cơ cao. Cá bị bệnh nấm thủy mi bơi lội bất thường hơn mọi khi, thích cọ xát vào các vật thể trong nước làm tróc vẩy trầy da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Để lâu nấm sẽ lan ra khắp cơ thể, làm cho cá dễ nhiễm bệnh hơn. Cá chim trắng nuôi qua Đông rất dễ bị mắc bệnh nấm thủy mi ở nhiệt độ nước dưới 200C.

Để phòng bệnh, cần cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi bằng cách vét bùn, tạt vôi diệt tạp từ 7 – 10 kg/100 m2 diện tích ao nuôi.

Tạo điều kiện sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh.

Cho cá ăn đầy đủ không để cá bị suy dinh dưỡng (thiếu ăn). Cho ăn đảm bảo 4 định: Định lượng, định chất, định thời gian, định địa điểm.

Không nuôi mật độ quá cao. 

Cá giống trước khi thả cần được tắm qua nước muối với liều lượng 2 – 4 g muối/lít nước.

Tránh làm xây sát cá do đánh bắt, vận chuyển.

Rắc vôi định kỳ xuống ao nuôi 2 lần/tháng và trước khi trời mưa từ 1,5 – 2 kg/100 m3 nước ao.

Tăng cường cho cá ăn Vitamin C liều lượng 200 – 300 g/100 kg thức ăn.

Nên treo túi vôi 2 – 4 kg/túi quanh chỗ cho cá ăn 1 tuần/lần ở cá nuôi lồng và xử lý vôi nguồn nước ở cá nuôi ao vào mùa mưa.

Thường xuyên theo dõi màu nước ao nuôi và kiểm tra khả năng phản xạ cũng như bắt mồi của cá. Nếu nguồn nước thuận lợi nên thay và cấp nước mới thường xuyên cho ao nuôi.

Vớt cá bệnh ra khỏi lồng bè, ao nuôi càng sớm càng tốt để tránh lây lan bệnh sang cá khỏe.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!