(TSVN) – Nhu cầu đối với thủy sản sạch và an toàn ngày càng tăng trên toàn cầu, thúc đẩy nông dân Ấn Độ mở rộng sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.
Cơ quan Nuôi trồng Thủy sản ven biển (CAA) đã phê duyệt 525 cơ sở sản xuất ấu trùng tôm, bao gồm trại giống và trại ương (NRHs), chuyên sản xuất TTCT và tôm sú. Hiện, công suất đạt 98,39 tỷ ấu trùng/năm, với các cơ sở phân bố tại bảy bang ven biển: Andhra Pradesh, Tamil Nadu, Odisha, Gujarat, Karnataka, Kerala và Tây Bengal.
Nông dân chỉ đạt năng suất cao khi có ấu trùng tôm khỏe mạnh và hiệu suất tốt. Vì vậy, CAA cấp phép và quản lý các trại giống theo hướng dẫn quy định. Ủy ban chuyên gia của cơ quan này lập danh sách các nhà cung cấp tôm bố mẹ nước ngoài. Tất cả tôm bố mẹ nhập khẩu phải qua kiểm dịch tại Cơ sở Kiểm dịch Thủy sản Karaimedu, Tamil Nadu, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Rajiv Gandhi (RGCA), cơ quan R&D của MPEDA.
Ngành tôm Ấn Độ chú trọng phương thức nuôi trồng bền vững. Ảnh: Asia Pacific Aquaculture
Nuôi tôm thành công tại các bang Andhra Pradesh, Gujarat và Tây Bengal đã giúp Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn sang EU và Trung Đông. Chính phủ Ấn Độ cũng đã thúc đẩy xuất khẩu tôm thông qua Chương trình Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, bao gồm sản phẩm tôm giá trị gia tăng.
Andhra Pradesh và Tây Bengal chiếm khoảng 78% diện tích nuôi tôm của cả nước. Vùng Sundarbans ở Tây Bengal và Kutch ở Gujarat là những khu vực nuôi tôm quan trọng. Tây Bengal, nằm dọc vịnh Bengal, có nguồn nước lợ thuận lợi, trong khi Gujarat với hạ tầng tốt và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. TTCT chiếm 95% tổng sản lượng tôm của Ấn Độ, trong khi tỷ lệ tôm sú giảm dần.
Đáng chú ý, sự tăng trưởng của ngành xuất khẩu tôm đông lạnh cho thấy khả năng cạnh tranh của Ấn Độ trên thị trường quốc tế.
Ngành tôm Ấn Độ đang gia tăng cải tiến công nghệ nuôi, lai tạo giống, quản lý dịch bệnh, kiểm soát chất lượng nước, an toàn sinh học và công thức thức ăn. Ngành cũng chú trọng phương thức nuôi trồng bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản thông qua các chương trình ưu đãi, trợ cấp và hỗ trợ công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững, bao gồm việc đăng ký trang trại với CAA. Trong khi đó, ngành tôm đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế thương mại quốc tế, biện pháp bảo vệ thị trường của các quốc gia lớn, thị trường Mỹ suy yếu, cạnh tranh gia tăng và sự tập trung địa lý.
Giá tôm thấp và biến động tạo bất ổn tài chính cho người nuôi, hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Căng thẳng địa chính trị có thể làm gián đoạn tuyến xuất khẩu, tăng rào cản thương mại, nhu cầu biến động, quy định nhập khẩu chặt chẽ hơn và chi phí vận chuyển cao, gây khó khăn cho tăng trưởng thị trường và biến cố khó lường cho các nhà sản xuất tôm ở Ấn Độ.
Vũ Đức
(Theo Asia Pacific Aquaculture)