An Giang: Đầu tư xứng tầm cho ngành cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản cũng như các tỉnh khu vực ĐBSCL trong đó An Giang là địa phương có rất nhiều lợi thế. Chính vì vậy, thời gian qua cùng với phát triển NTTS, tỉnh An Giang đặc biệt chú trọng phát triển các vùng nuôi tập trung, vùng chuyên canh sản xuất cá tra giống… để góp phần tái cơ cấu ngành hàng tiềm năng này.

Phát triển NTTS

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long có diện tích tự nhiên 3.536,7 km2, với 2 con sông lớn chảy qua là sông Tiền (87 km chiều dài) và sông Hậu (100 km chiều dài), hình thành nên nhiều hệ thống sông nhánh tự nhiên với chiều dài từ vài km đến 30 km, tạo điều kiện thuận lợi cho NTTS. Những năm qua, ngành thủy sản An Giang luôn có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao, khoảng 8 – 9%/năm và tỷ trọng giá trị tăng thêm của thủy sản trong khu vực I khoảng 12 – 15%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm đạt hơn 280 triệu USD, trong đó chủ yếu là xuất khẩu cá tra.

Năm 2023, diện tích cá tra thương phẩm của An Giang không tăng thêm nhiều, giữ ổn định đạt 1.235 ha. Ảnh: Gia Bảo 

Năm 2023, ngành NTTS An Giang đã đặt ra 6 mục tiêu phát triển. Cụ thể: (1) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt trên 5% năm. (2) Phát triển diện tích nuôi thủy sản 3.500 ha, trong đó diện tích nuôi cá tra xuất khẩu là 1.550 ha, diện tích nuôi tôm càng xanh là 1.500 ha, tổng thể tích nuôi cá lồng, bè là 1.057.000 m3, trong đó thể tích nuôi cá rô phi, điêu hồng là 350.000 m3. Tổng sản lượng thủy sản nuôi đạt 621.180 tấn/năm, trong đó sản lượng sản cá tra là 482.755 tấn/năm, sản lượng tôm càng xanh là 1.500 tấn/năm, cá rô phi, điêu hồng là 34.000 tấn/năm. (3) Các vùng nuôi đối tượng chủ lực đều được đăng ký mã số nuôi trồng và 80% được chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng (GAP, ASC, BAP…). (4) Phát triển vùng nuôi thủy sản sinh thái, nuôi hữu cơ, nuôi lồng bè, nuôi kết hợp. Phát triển NTTS mục đích làm cảnh, giải trí ở các thành phố, khu đô thị, khu du lịch. Khuyến khích phát triển NTTS gắn với các hoạt động giáo dục, du lịch, tham quan. (5) Phát triển NTTS thông qua hệ thống hồ trữ nước (hồ tự nhiên, hồ nhân tạo), ở vùng xâm nhập mặn mới hình thành do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích phát triển nuôi 1.000 ha. (6) Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống thủy lợi đáp ứng được trên 50% nhu cầu ở các vùng NTTS tập trung.

Tái cơ cấu ngành hàng cá tra

Được coi là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh An Giang đang tập trung cơ cấu lại ngành hàng cá tra nhằm trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL. 

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT An Giang, năm 2022, số lượng giống cá tra sản xuất của tỉnh đạt khoảng 2 tỷ con, bằng 110% so cùng kỳ năm 2021. Sản lượng cá tra đạt trên 443.000 tấn, tăng 33.000 tấn so năm 2021. Diện tích cá tra có liên kết và tiêu thụ với doanh nghiệp trên 1.068 ha; trong đó diện tích hộ nuôi liên kết với 9 doanh nghiệp là 210 ha, diện tích vùng nuôi của doanh nghiệp là 858 ha. Thời gian qua chương trình giống cá tra 3 cấp được tỉnh triển khai tích cực với các dự án kèm theo giúp phát triển ngành hàng cá tra của tỉnh. Đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 9 cơ sở sản xuất giống cá tra, với trên 41.220 con cá bố mẹ; trong đó 12.320 con cá tra bố mẹ hậu bị và sinh sản có chất lượng tốt từ Viện Nghiên cứu NTTS II để bổ sung thay thế cho đàn cá tra bố mẹ của các cơ sở sản xuất giống.

Toàn tỉnh An Giang hiện có diện tích mặt nước nuôi cá tra giống 910 ha, dự kiến năm 2023 toàn tỉnh sẽ tăng thêm 70 ha diện tích mặt nước nuôi cá tra giống. Diện tích tăng trưởng chủ yếu tại các vùng ương giống tập trung ở một số doanh nghiệp có sản xuất, ương dưỡng giống lớn đã đưa vào sản xuất, tăng vòng quay tại các doanh nghiệp như: Nam Việt Bình Phú 150 ha; Vĩnh Hoàn 48 ha; Việt Úc 10 ha… còn lại các diện tích giống tăng trưởng tự nhiên 10%. Trong năm 2023, Việt Úc đã có kế hoạch sản xuất khoảng 100 triệu con; Vĩnh Hoàn sản xuất 30 triệu con; Nam Việt và Nam Việt Bình Phú sản xuất 100 triệu con.

An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 tỉnh phát triển ổn định diện tích nuôi cá tra tập trung đạt 1.500 – 1.600 ha tại các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, TP Long Xuyên; phát triển các mô hình nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. An Giang đặt mục tiêu diện tích nuôi cá tra có áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70% và 90% diện tích nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi. Tỉnh cũng phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL trên cơ sở thực hiện “Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang”; trong đó, tập trung nghiên cứu củng cố, nâng cấp, mở rộng quy mô trung tâm giống thủy sản để đảm bảo năng lực cung ứng giống cá tra cấp vùng, đồng thời, chủ động nguồn giống bố mẹ, xử lý và quản lý tốt nguồn nước, điều kiện môi trường, tăng tỷ lệ sống của cá bột đảm bảo giá thành cạnh tranh…

Hồng Hạnh

>> Hiện, An Giang có 26 cơ sở, vùng nuôi cung cấp nguyên liệu cho 6 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ với diện tích 378,9 ha, chiếm 30% diện tích nuôi toàn tỉnh. Các vùng sản xuất cá tra tập trung, ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành và phát triển tại An Giang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vùng nuôi lớn như: Việt Úc, IDI, Trường Giang...

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!