An Giang: Dồn lực phát triển ngành hàng cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thủy sản cùng với lúa gạo là hai ngành hàng nông nghiệp thế mạnh của tỉnh An Giang. Không chỉ duy trì sản xuất cá tra diện tích lớn, tỉnh còn dành nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển lĩnh vực sản xuất giống, với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất giống thủy sản của vùng ĐBSCL.

Tập trung sản xuất

Trong các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, An Giang được hưởng lợi lớn nhất từ dòng Mekong khi có 2 con sông lớn chảy qua là sông Tiền và sông Hậu, hình thành nhiều hệ thống sông nhánh tự nhiên, có nhiều vùng bãi bồi ven sông và khả năng trao đổi nước giữa 2 dòng sông, hệ thống giao thông thủy phát triển thuận lợi cho vận chuyển và giao thương hàng hóa. Từ đó, An Giang có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đặc biệt là con cá tra.

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 313 ha diện tích nuôi cá tra đạt các chứng nhận các tiêu chuẩn nhận quốc tế như: ASC, BAP, GlobalGAP và VietGAP, với sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm, chiếm 25,6% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Trong đó, diện tích nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn ASC, BAP và chứng nhận khác trên 252 ha; diện tích nuôi đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP với 61,1 ha. Các doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra đạt các chứng nhận quốc tế tiêu biểu như: Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Sao Mai, Lộc Kim Chi, Hưng Phúc Thịnh, An Mỹ…, với diện tích trên 253 ha, sản lượng đạt khoảng 87.000 tấn. 

Kế hoạch đến năm 2025, diện tích nuôi cá tra tập trung tại An Giang ổn định từ 1.500 – 1.600 ha. Ảnh: LHV

Định hướng đến năm 2025, An Giang phấn đấu trở thành Trung tâm giống thủy sản của vùng ĐBSCL. Tỉnh đã đề xuất Chính phủ phê duyệt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang giai đoạn 2018 – 2025. Đây là bước đột phá về tổ chức lại sản xuất lĩnh vực giống cá tra chất lượng cao. Mỗi năm, An Giang cung cấp 4,6 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống chất lượng cao cho nhu cầu nuôi cá tra thương phẩm của ĐBSCL. Hiện tỉnh cũng có nhiều cơ sở sản xuất giống cá tra đạt chứng nhận quốc tế BAP, GlobalGAP như: Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Nha Trang Seafood, với diện tích trên 60 ha, năng lực sản xuất khoảng 4.300 con giống/năm.

Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nguồn nước và hoạt động nuôi cá tra rất lớn. Hạn kiệt làm một số vùng nuôi bị thiếu nước bơm, nhiệt độ trong ngày dao động lớn, làm cá dưới ao chậm thích nghi, dễ dẫn đến bị bệnh. Chi cục đã tham mưu cho Sở NN&PTNT tăng cường cảnh báo, đẩy mạnh hướng dẫn cách thức xử lý để hạn chế thấp nhất rủi ro. Khuyến khích người nuôi đẩy mạnh tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất với phương châm sản xuất phải bắt đầu từ thị trường.

Trung tâm sản xuất giống vùng ĐBSCL

Ngày 10/6, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch “Phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng cá tra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; với mục tiêu xây dựng An Giang trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL; đưa ngành hàng cá tra An Giang chiếm đến 60% thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN và sản phẩm cá tra tiêu thụ nội địa chiếm 10% thị trường vào năm 2025.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, An Giang phát triển các mô hình nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tỉnh tăng diện tích sản xuất liên kết giữa các hộ nuôi với doanh nghiệp; giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi. Diện tích nuôi cá tra tập trung ổn định từ 1.500 – 1.600 ha, ở 4 địa phương như: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Long Xuyên; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70% và 90% diện tích nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi.

Thành lập ít nhất 1 hợp tác xã cá tra, xây dựng 1 chuỗi liên kết cá tra giống theo hướng chất lượng cao và 1 chuỗi liên kết cá tra thương phẩm theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm. Tập trung nghiên cứu, nâng cấp, mở rộng quy mô Trung tâm Giống thủy sản để đảm bảo năng lực cung ứng giống cá tra cấp vùng; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết cá tra giống giữa các hộ ương giống với Việt Úc, Vĩnh Hoàn…

Tỷ lệ giá trị sản phẩm cá tra được sản xuất dưới các hình thức chuỗi liên kết, hợp tác xã, tổ hợp tác từ 30% trở lên. Phát triển chuỗi liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã cá tra đảm bảo hoạt động có hiệu quả về tổ chức sản xuất, gắn kết toàn chuỗi sản xuất từ cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất giống, nuôi thương phẩm, phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Mục tiêu đến năm 2030, An Giang nâng diện tích nuôi thương phẩm cá tra đạt 1.600 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt 500.000 tấn, giá trị sản xuất cá tra thương phẩm đạt trên 10.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 5 – 8%, chiếm 80% giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra xuất khẩu đáp, với sản lượng tiêu thụ được liên kết là 500.000 tấn/năm.

Đồng thời, thành lập thêm ít nhất 1 hợp tác xã cá tra, thu hút, mời gọi ít nhất 2 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu tham gia đầu tư xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đảm bảo 90% diện tích nuôi cá tra được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP hoặc chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Để đạt mục tiêu trên, An Giang sẽ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, chế biến. Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trong canh tác, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao về các trình sản xuất theo chứng nhận. Chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trong quảng bá, thông tin, giới thiệu sản phẩm, cải tiến phương thức bán hàng qua các sàn thương mại điện tử.

Cùng đó, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia làm thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác để thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu (từ cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật) nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và có tính cạnh tranh cao.

Đồng thời thành lập các tổ hợp tác về liên kết phát triển sản xuất ngành hàng cá tra; hằng năm xây dựng kế hoạch sản xuất nhằm duy trì và phát triển mở rộng vùng nguyên liệu; là đầu mối ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp tiêu thụ. Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cá tra cho các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết, hợp tác xã, tổ hợp tác; ưu tiên đào tạo, tập huấn cho nông dân ở các vùng sản xuất tập trung tham gia liên kết sản xuất.

An Giang sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất cá tra an toàn cho nông dân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất. Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm: cấp mã số vùng nuôi cá tra, cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản…

Hồng Hạnh

Hiện, toàn tỉnh An Giang có trên 1.220 ha, với khoảng 399 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm, sản lượng ước khoảng 600.000 tấn/năm. Diện tích liên kết tiêu thụ cá tra thương phẩm khoảng 1.072 ha, chiếm 87,6% diện tích nuôi toàn tỉnh; trong đó, diện tích vùng nuôi doanh nghiệp trên 778 ha, có 9 chuỗi liên kết với 99 cơ sở nuôi liên kết, diện tích gần 294 ha. 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!