THỨ HAI, ngày 20/1/2025

An toàn thực phẩm: “Chìa khóa” mở rộng thị phần tại EU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Không chỉ là thị trường giàu tiềm năng mà EU còn rất khắt khe với chất lượng sản phẩm thủy sản nhập khẩu; chính vì vậy, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm chính là “chìa khóa” then chốt để thủy sản Việt giữ vững và phát triển tại thị trường quan trọng hàng đầu này.

Cảnh báo dư lượng thuốc kháng sinh 

Thống kê cho thấy, dư lượng kháng sinh sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào EU chiếm 28% và nhập khẩu vào Mỹ chiếm 20%, dẫn đến việc hai nước này từ chối nhập khẩu. Trong đó, hàng của Việt Nam bị từ chối nhiều nhất do dư lượng kháng sinh trong thủy sản. Đây cũng là thách thức lớn trong ngành thủy sản Việt Nam. 

Ngày 6/10/2023, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có Công văn số 993/ CCPT-ATTP về việc lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo kháng sinh. Cùng đó, hiện nay, Cơ quan thẩm quyền EU đã áp dụng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh và không có biện pháp khắc phục hiệu quả (áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường bao gồm lấy mẫu kiểm tra thực tế từng lô hàng); đồng thời đề nghị cơ quan thẩm quyền Việt Nam xóa tên cơ sở khỏi Danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào EU. 

Ưu tiên nguồn lực để cải thiện năng lực cho hệ thống kiểm soát chất lượng, ATTP của doanh nghiệp. Ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ tại Hội nghị với chủ đề “Vượt qua khủng hoảng, phát triển thịnh vượng” được tổ chức trong khuôn khổ của Triển lãm Vietstock 2023 mới đây; ông Arjen Roem, Giám đốc Marketing Nutreco châu Á (Tập đoàn mẹ của Skretting) nhận định, kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe, an ninh lương thực và phát triển của thế giới. Trên toàn cầu, 70% kháng sinh được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, 30% dùng trong sức khỏe con người. Đặc biệt, kháng kháng sinh là mối nguy hiểm cho sức khỏe của cá và tôm. Có tới 64% người nuôi cá và 24% người nuôi tôm sử dụng kháng sinh trong quá trình sản xuất. Kháng sinh chủ yếu được sử dụng để chữa bệnh, nhưng hầu hết nông dân không phải là chuyên gia nên việc sử dụng thuốc không theo chỉ định, sẽ dẫn đến tồn dư lượng kháng sinh trong quá trình thu hoạch thủy, hải sản xuất khẩu. 

Chất lượng là tiên quyết 

Ông Simon Sanguin, Trưởng nhóm R&D toàn cầu của De Heus – Aqua cho rằng, Việt Nam có lợi thế khi ký kết Hiệp định EVFTA, giúp cho nhiều dòng thuế đảm bảo thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp và NTTS được xóa bỏ. Tuy nhiên, châu Âu vẫn yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, ATTP, các quy định về vệ sinh ATTP (SPS). Do đó, cần phải tuân thủ các quy tắc này để có thể tiếp cận thị trường. “Truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một khía cạnh quan trọng. Vì vậy, cần có sự hợp tác giữa các chương trình chứng nhận tư nhân và các tổ chức phi chính phủ cũng như đối thoại chặt chẽ để đảm bảo với chính phủ và ngành. Đặc biệt cần đảm bảo tính bền vững, lượng khí thải COß. Việc sử dụng bột cá, bột đậu nành bền vững ngày càng trở nên quan trọng ở cả Việt Nam và các thị trường xuất khẩu chính”, ông Simon Sanguin nói. 

Cũng theo vị chuyên gia này, chi phí nguyên liệu thô khuyến khích các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tìm kiếm các giải pháp sản xuất bền vững bằng cách sử dụng các thành phần có chứa peptide nhỏ hoặc AA tự do, hương liệu, protein động vật khác, bột côn trùng, protein nấm men và dầu tảo… “Đây cũng là thời điểm tốt nhất để đưa sản xuất thức ăn chăn nuôi bền vững trở thành xu hướng chủ đạo. Các nhà máy thức ăn chăn nuôi nên “dũng cảm” để coi thức ăn chăn nuôi bền vững là một khoản đầu tư chứ không phải chi phí”, ông Simon Sanguin khẳng định. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường xây dựng trình Bộ ban hành Chương trình kiểm soát ATTP chuỗi thủy sản xuất khẩu vào EU, đảm bảo các cơ sở tham gia chuỗi phải đáp ứng đầy đủ quy định của EU, quy định của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam kiểm soát đảm bảo ATTP, cơ quan thẩm quyền EU công nhận vào Danh sách được phép xuất khẩu sang EU. Đồng thời, thực hiện thẩm định, đánh giá sự tuân thủ quy định, quy chuẩn của Việt Nam và EU về ATTP đối với các cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho cơ sở chế biến xuất khẩu, kho độc lập bảo quản thành phẩm thủy sản xuất khẩu đi thị trường EU; đăng ký đề nghị EU đưa tên các cơ sở sơ chế, kho độc lập bảo quản thành phẩm thủy sản vào Danh sách cơ sở được phép xuất khẩu vào EU trong trường hợp kết quả thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu. 

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 6433/CT-BNN-CCPT ngày 13/9/2023 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh ATTP trong sản xuất kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đảm bảo cam kết với Cơ quan thẩm quyền EU sau chuyến thanh tra tháng 6/2023, cũng như giữ vững thị trường xuất khẩu; Cục yêu cầu: Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, tổ chức thu thập các thông tin cảnh báo từ cơ quan thẩm quyền Việt Nam, nước nhập khẩu, dữ liệu tự kiểm soát trong quá trình chế biến, nguy cơ từ sản xuất trước chế biến; trên cơ sở đó, thực hiện rà soát, sửa đổi chương trình quản lý chất lượng theo HACCP, tập trung thiết lập có hệ thống các biện pháp kiểm soát đảm bảo ATTP đối với nguyên liệu từ quá trình sản xuất ban đầu (tổ chức kiểm tra, giám sát trong sản xuất, lấy mẫu để thẩm tra trước khi thu mua), tham khảo thông tin khuyến cáo mối nguy/sản phẩm bị cảnh báo trong thời gian vừa qua. 

Cùng đó, ưu tiên nguồn lực để cải thiện năng lực cho hệ thống kiểm soát chất lượng, ATTP của doanh nghiệp (tích cực cử cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn bên ngoài; kịp thời cập nhật quy định mới của Việt Nam, thị trường nhập khẩu cho đội ngũ nhân viên quản lý chất lượng, công nhân để áp dụng trong thực tế sản xuất; chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động tự kiểm soát; chuẩn hóa quy trình lấy mẫu, mã hóa mẫu, tự hoàn thiện năng lực kiểm nghiệm nội bộ; lựa chọn phòng kiểm nghiệm bên ngoài có đủ năng lực được công nhận để đảm bảo độ tin cậy về kết quả kiểm nghiệm…). Ngoài ra, định kỳ (quý hoặc 6 tháng/lần) hoặc đột xuất, bộ phận quản lý chất lượng của doanh nghiệp cần tổ chức tự đánh giá hiệu quả, hiệu lực của biện pháp kiểm soát đã thiết lập để sửa đổi, bổ sung (nếu cần), đặc biệt đối với đảm bảo ATTP tại các cơ sở cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến. 

>> Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương nhận định, để tận dụng lợi thế tại thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nâng cao trình độ quản trị và đặc biệt phải rất quan tâm đến phần truy xuất nguồn gốc, truy xuất xuất xứ, sở hữu trí tuệ; cũng như vấn đề lao động và môi trường, phát triển bền vững, đây là điều cực kỳ quan trọng... 

Hoài Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!