Ấn tượng với thủy sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ, ông Lee Cocker – cố vấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) có những chia sẻ khá thú vị về ngành thủy sản cũng như về cá tra Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về ngành thủy sản Việt Nam và ngành công nghiệp cá tra nói riêng?

Tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam trong năm 2012 ước đạt 5,74 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm ngoái. Con số này tạo ra sự tăng trưởng quan trọng đối với các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp cá tra Việt Nam. Với niềm tin, sức mạnh và sự quyết tâm, cá tra Việt Nam đã vượt qua nhiều “sóng gió” trong quá khứ khi phải đối mặt với những lời chỉ trích gần như không có cơ sở.

Tốc độ tăng trưởng trong thập kỷ qua của ngành cá tra Việt Nam thực sự đáng ngạc nhiên, không chỉ do thực tế đã có hơn 6.000 ha diện tích nuôi, với sản lượng ước tính đạt 1,1 triệu tấn (tăng 1,8% so với năm 2011) trong năm 2012, mà sản xuất cá tra đang được khẳng định là ngành sản xuất có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Mới đây nhất là việc 10% sản lượng cá tra được sản xuất từ các vùng nuôi ở Việt Nam đạt chứng nhận ASC vào cuối năm 2012.

 

Những thuận lợi và thách thức của ngành cá tra Việt Nam trong năm 2013 là gì, thưa ông?

Sự tiến bộ vượt bậc của ngành cá tra Việt Nam thông qua các chương trình chứng nhận như ASC phản ánh hướng đi tích cực và điều này sẽ giúp ngành cá tra Việt Nam củng cố vị trí tại thị trường EU cũng như trên toàn cầu.

Đạt chứng nhận ASC giúp cá tra Việt Nam củng cố vị trí tại thị trường EU cũng như trên toàn cầu – Ảnh: Duy Khương

Tuy nhiên, ASC không thể đảm bảo được về giá cả đối với sản phẩm. Người mua có thể không chấp thuận mức giá cao hơn của các sản phẩm đạt chứng nhận khi những khó khăn kinh tế vẫn còn tiếp diễn và khách hàng cá nhân yêu cầu giá thị trường. Trong thuật ngữ thị trường, chứng nhận ASC nên được xem là cho phép tiếp cận thị trường. Cá tra là một loài thực phẩm phổ biến. Khảo sát của Cục Nghề cá Biển Quốc gia Mỹ (NMFS) cho thấy, cá tra Việt Nam là loài thủy sản được ưa chuộng ở vị trí thứ 6 trong top 10 loài thủy sản ở Mỹ (nhà nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam, theo sau là Nga, Brazil, Singapore) và nhu cầu về loại cá này ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ngành cá tra Việt Nam trong năm 2013 vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức như: Giá xuất khẩu giảm do sự cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu; yêu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng nhiều; chi phí thức ăn, đầu vào ngày càng tăng cao; và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

 

Năm 2012, tiêu thụ mặt hàng này tại EU liên tục giảm mạnh. Vậy theo ông, trong năm 2013, tình hình có được cải thiện hơn không?

Theo tôi, xu hướng tiêu thụ cá tra Việt Nam trên thị trường EU sẽ không mấy sáng sủa trong những tháng đầu năm 2013, các vấn đề kinh tế tiếp tục là những trở ngại khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Bên cạnh tình hình kinh tế không mấy khả quan, nguồn cung các loại cá biển như cá tuyết, cá minh thái có sự gia tăng mạnh mẽ trong năm 2012, điều này có nghĩa là, trong năm 2013, cá tra Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các loại cá khác như cá thịt trắng truyền thống.

Năm 2012, Hiệp hội Chế biến và Thương mại Thủy sản châu Âu (AIPCE) tuyên bố rằng, kể từ khi EU 27 được hình thành, tỷ lệ sản phẩm nhập khẩu như là một phần của tổng cung cho tiêu dùng vẫn duy trì ở mức 63%. Điều này cho thấy, thị trường EU vẫn còn đầy tiềm năng. Nhu cầu về protein thủy sản ở châu Âu nhìn chung vẫn sẽ có khuynh hướng tích cực trong năm 2013 và có chiều hướng gia tăng của cá tra đạt chứng nhận ASC ở thị trường EU – nhu cầu từ người mua các sản phẩm cá tra có chứng nhận ASC đang tăng lên và sự phổ biến của các sản phẩm ASC được dự kiến tăng lên đáng kể. Ví dụ như tại Anh, doanh thu bán hàng từ các loài cá thay thế và các loài thủy sản bền vững như cá tra đã tăng mạnh so với năm 2012 tại một số siêu thị lớn.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ năm 1993 – 2011 – Nguồn: sgtt.vn


Ông có thể chia sẻ một vài giải pháp để giúp ngành thủy sản Việt Nam, ngành cá tra nói riêng phát triển bền vững trong thời gian tới?

Đối với cá tra Việt Nam, việc tiếp tục tăng sản lượng đạt chứng nhận ASC là rất quan trọng, không những để đảm bảo các mối quan tâm về kinh tế – xã hội, giải quyết vấn đề môi trường tại Việt Nam, mà còn để tái cam kết và tăng tiêu thụ quốc tế.

Đầu tư là vấn đề sống còn, dù là hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hay cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi và tiếp cận các nguồn tín dụng đều là việc cần thiết. Chất lượng con giống, sự lây lan của dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái môi trường sống và các tác động xã hội đối với cộng đồng xung quanh là những thách thức trong tương lai của ngành thủy sản. Ngoài ra, các vấn đề như sử dụng các sản phẩm thải từ trang trại cá tra (chẳng hạn như nước thải, bùn đáy), tiếp tục phát triển thức ăn thủy sản giảm hàm lượng thịt cá và dầu cá, cũng như việc giảm nguyên liệu nhập khẩu như đậu nành bằng các sản phẩm thay thế nội địa là rất quan trọng.

Ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản Việt Nam không những phải nhận ra nhu cầu của người tiêu dùng, chẳng hạn như đối với các sản phẩm được chứng nhận theo các chương trình như ASC và MSC (Chứng nhận của Hội đồng Biển quốc tế cho sản xuất và quản lý khai thác nghêu Bến Tre), mà còn phải sẵn sàng và có thể thích ứng với các thay đổi trong tương lai, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và việc xây dựng đập trên sông Mekong, đồng thời nỗ lực giảm nhẹ những ảnh hưởng đối với môi trường rộng lớn hơn.

>> Lee Cocker

Năm 1989 – 1993: Cử nhân sinh học – Khoa Sinh học ứng dụng, Đại học Hull, Anh Quốc.

Năm 1993 – 1994: Thạc sỹ Quản lý tài nguyên biển – Đại học Heriot-Watt, Viện Offshore.

Năm 1996 – 1997: Khóa Thạc sỹ về nghiên cứu Phân tích sinh học – Phòng Khoa học sinh học, Đại học Warwick.

Năm 2008 – 2009: Thạc sỹ Nuôi trồng thủy sản bền vững, Đại học Stirling.

Hồng Thắm (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!