Ước tính khu vực ASEAN đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu, trong đó 4/10 quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Thủy sản cũng là một trong 12 ngành/lĩnh vực ưu tiên hội nhập của khu vực với lộ trình tập trung 4 chủ đề chính là an toàn thực phẩm, nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực và chia sẻ thông tin.
ASEAN có điều kiện thuận lợi để phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản với tiềm năng mang lại giá trị lớn cả về phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội. Tuy nhiên, phần lớn nghề cá của các quốc gia thành viên vẫn đang trong quá trình phát triển từ thủ công, quy mô nhỏ sang nghề cá hiện đại, quy mô công nghiệp và bền vững.
Thời gian qua, các quốc gia ASEAN đã có nhiều sáng kiến để cùng chung tay xây dựng cơ chế hợp tác phát triển nghề cá khu vực hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và hiệu quả.
Cuộc họp Liên minh Tôm ASEAN lần thứ 9 diễn ra vào đầu tháng 7 vừa qua tại Đà Nẵng, đại diện các thành viên ASEAN đã trao đổi các vấn đề về chống hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) nhằm thực hiện Kế hoạch hành động khu vực về chống khai thác IUU và hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN…
Đoàn Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu, do ông Mato Gabriel, Nghị sỹ, Người phát ngôn Ủy ban Nghề cá dẫn đầu,
đi thị sát và làm việc tại thành phố Hải Phòng. Ảnh: An Đăng / TTXVN
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt mức kỷ lục khoảng 40 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 201. Ảnh: Vũ Sinh / TTXVN
Phát triển nghề nuôi hàu ở vùng biển Bắc bộ. Ảnh: VNP
Giàn đèn hiện đại trên tàu Bảo Ngọc hành nghề chụp mực đêm vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương / TTXVN
Tháng 5/2019, tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã đưa 52 thuyền viên và lai dắt tàu QNa 90129 TS
gặp nạn trên biển tại quần đảo Hoàng Sa về đến cầu cảng Trung tâm cứu nạn tại Đà Nẵng an toàn. Ảnh: Trần Lê Lâm / TTXVN
Ngư dân Indonesia đánh bắt cá tại vùng biển Surabaya, tỉnh Tây Java. Ảnh: AFP / TTXVN
Cuộc họp nhóm công tác Thủy sản ASEAN lần thứ 27 được tổ chức vào tháng 6 vừa qua tại Việt Nam đã thông qua các chủ trương quan trọng về phát triển ngành thủy sản của khu vực giai đoạn 2019-2020. Các quốc gia thành viên ASEAN đã thống nhất cao về chủ trương thành lập Mạng lưới chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của ASEAN (ASEAN Network for Combating IUU, AN-IUU) với mục tiêu chính là chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực quản lý, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho các nước thành viên.
Đồng thời, chính sách chung về thủy sản của ASEAN cũng được các đại biểu thống nhất nghiên cứu khả thi nhằm tăng cường các nỗ lực chung hướng đến nghề cá bền vững, có trách nhiệm và đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.
Cũng tại cuộc nhóm họp, các quốc gia thành viên ASEAN cùng với các đối tác khu vực và quốc tế như FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc), SEAFDEC (Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á), NACA (Ủy ban Quản lý Mạng lưới trung tâm nuôi trồng Thủy sản vùng châu Á – Thái Bình Dương), JICA Nhật Bản, EU, Australia… đã thẳng thắn trao đổi thông tin, thảo luận và thống nhất các vấn đề hợp tác và phát triển nghề cá khu vực Đông Nam Á góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực, cộng đồng kinh tế ASEAN.
Bài: VNP tổng hợp – Ảnh: VNP, TTXVN
Theo Vnanet