(TSVN) – Azerbaijan Fish Farm (AFF), một trang trại cá tầm ở Azerbaijan là đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP). Hiện, trang trại này đang chú trọng sản phẩm chủ lực là trứng cá muối.
Chứng nhận BAP, do Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GSA) cung cấp, không chỉ là cam kết sản xuất bền vững của trang trại AFF mà còn củng cố vị thế của AFF khi trở thành trại cá tầm đầu tiên trên thế giới được trao chứng nhận BAP.
Theo GSA, kể từ khi thành lập năm 2017, trang trại cá tầm AFF luôn đi đầu trong việc đổi mới công nghệ nuôi và sản xuất trứng cá tầm theo hướng bền vững, trách nhiệm ở Azerbaijan. Mike Berthet, Giám đốc phát triển thị trường của GSA tại Anh cho biết, chứng nhận BPA khẳng định cam kết của trang trại AFF về sản xuất có trách nhiệm với môi trường, xã hội, an toàn thực phẩm và phúc lợi động vật.
Cá tầm biển Caspian. Ảnh: WWF
Tiền thân của AFF là trại nuôi cá tầm thử nghiệm đầu tiên trên thế giới, thành lập tại quận Neftchala vào năm 1954. Từ năm 2017, trang trại này được cổ phần hóa. GSA đánh giá trang trại AFF có phương pháp nuôi trồng thủy sản bền vững nhờ kết hợp linh hoạt các kỹ thuật truyền thống và hiện đại. Trang trại này đang sử dụng hệ thống lồng nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS) với môi trường nuôi tăng trưởng “không stress”. Đặc biệt, hệ thống bể nuôi ven biển cải tiến giúp đảm bảo chất lượng nước và dinh dưỡng tối ưu trong quá trình ấp trứng cá.
Ngoài ra, trang trại AFF sử dụng kết hợp nước ngọt từ sông Kura và nước mặn ở biển Caspia để phục vụ sản xuất. Đại diện trang trại cho biết, mô phỏng và tái tạo môi trường sống tự nhiên cho cá tầm là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng trứng cá muối sau này. AFF cũng nỗ lực bảo vệ môi trường và bảo tồn nguồn lợi thông qua các sự kiện thả cá. Trang trại cam kết, mỗi lọ trứng muối bán ra, sẽ thả 10 con cá tầm về tự nhiên, góp phần bảo tồn quần thể đặc hữu của biển Caspian đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Tuấn Minh
(Theo Fishfarmingexpert)