Đến Trường Sa, biết thêm bao điều về con người và cuộc sống. Ấn tượng lớn nhất của tôi qua ba lần đến Trường Sa: Người chiến sĩ nơi đây ngày càng rắn rỏi hơn.
Đĩa rau luộc trên đảo Len Đao
Một ngày đầu năm 1998, giáp Tết Mậu Dần, theo đoàn công tác, chúng tôi lên đảo chìm Len Đao. Len Đao “nghèo” nhất trong quần đảo Trường Sa, thềm đảo ít, sóng chồm qua nhà là chuyện thường, ở biển mà cá ít, cây rau trồng vô cùng khó. Năm 1998 đại hạn, nước trên đảo quý như vàng. Đảo có 3 luống rau. Hỏi anh em có đủ rau ăn không thì được trả lời “bữa nào cũng có rau”. Tìm hiểu kỹ hơn, được biết mỗi bữa một người được 3 ngọn rau. Rau muống để già, thái nhỏ nấu canh ăn cho thêm chất xơ. Bữa cơm đãi đoàn hôm ấy có đến mấy đĩa rau muống luộc. Sau bữa cơm nhìn lại 3 luống rau đã thấy… trụi thùi lụi. Ít nhất nửa tháng nữa, cái xuất rau bữa 3 ngọn cho anh em mới khôi phục được. Gặp một chiến sĩ để hỏi chuyện luống rau, cậu ấy bảo “thực tình ở đây có rau là quí nhất, mời các anh đĩa rau mới cảm thấy vui được”.
Đúng 12 năm sau, tôi lại được ra Len Đao, dịp giáp Tết Canh Dần. Len Đao đã hơn trước nhiều nhưng vẫn giữ vị trí khó khăn bậc nhất quần đảo. Đất mang ra nhiều hơn, nước trữ được nhiều hơn, anh em sáng tạo nhiều kiểu vườn mới, rau nhiều hơn. Khái niệm vườn ở đây đã thay đổi – “vườn có thể chỉ là một vốc đất, đủ trồng một cây rau”. Rau quanh nhà theo những ống bơ, lọ, anh em bảo đấy là những vườn rau di động. Chăm rau ở đây như mẹ chăm con thơ. Dù nhiều hơn, rau vẫn là món quý nhất ở Len Đao. Biết trước chuyện rau, chúng tôi kiến nghị không ăn rau nữa – “chán rau rồi, xin ăn món khác”. Anh em trên đảo lăn ra cười: “Đi biển mà nói chuyện chán rau thì cánh nhà báo khôi hài hơn lính”. Đến bữa, vẫn những đĩa rau luộc thật đầy, những vườn rau không trụi thùi lụi như lần trước nhưng vẫn vơi đi đáng kể. Áy náy thật, nhưng cũng đành mà vui. Đĩa rau luộc ở Len Đao như con gà nhảy ổ bà mẹ nghèo làm đãi khách, nghe xót xa nhưng không từ chối được.
Miếng bánh chưng bàng vuông
Nghe chuyện bộ đội Trường Sa trước đây gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, háo hức lắm, hỏi vị nó thế nào thì từ cán bộ đến chiến sĩ bây giờ đều… chịu. Thời ấy dễ đến hơn 20 năm qua. Bây giờ, đón Tết đều có đủ lá dong gói bánh chưng; bánh chưng gói bằng lá bàng vuông chỉ còn là hoài niệm. Đại thể, chọn lá to hơi non, chưa đủ đến bánh tẻ để gói bánh. Sắp cuối chuyến đi, cái sự thèm được ăn miếng bánh chưng bàng vuông của mấy anh em báo chí chúng tôi trỗi dậy mãnh liệt và quyết định tự gói. Thật may, đảo Nam Yết cuối của chặng đường có khá nhiều bàng vuông, kiếm được mớ lá đẹp mang lên tàu không khó. Xuống nhà bếp xin gạo nếp, thịt, đỗ. Tôi và anh bạn trong đoàn hí hoáy gói mấy cái bánh chưng, rồi lại nhờ nhà bếp luộc hộ.
Bóc chiếc bánh màu xanh hơi ánh vàng của lá non, không xanh thẫm như bánh gói bằng lá dong nhưng cũng thật đẹp. Háo hức cầm miếng bánh đưa lên miệng – Vị của gạo, đậu, thịt; thiếu vị mát lành của lá dong; thêm vị ngang ngang chát, ngăm ngăm đắng. Một cảm giác nghèn nghẹn đưa lên cổ. Miếng bánh này có thêm vị chát đắng của sóng gió đại dương hay vị mặn chát của mồ hôi và cả máu người lính đảo.
Con yêu, ba đi giữ cho biển lặng trời yên
Những người lái đò trên biển
Những con tàu ấy như những con đò nối đất liền và Trường Sa. Rời con “đò mẹ” vào đảo trên “đò con” bao giờ cũng là chặng đường ớn nhất, đảo san hô, bờ đảo dựng đứng, sóng dội ngược ra như muốn hất tung chiếc xuồng. Ngày biển động từ xuồng kéo đến xuồng chở cách nhau sợi dây chừng chục mét mà nhiều khi cách cả núi sóng. Lái xuồng trên tàu Trường Sa 14 chuyến chúng tôi đi là Thiếu úy Phạm Văn Thanh. Thanh cao to, trông thô thô, hay nhất là khuôn mặt lúc nào cũng như sắp cười. Cậu có kiểu điều khiển xuồng rất vững, đặc biệt là cái cách vui vẻ, bình thản đến lạ trước sóng gió, ngồi xuồng của cậu yên tâm lắm. Chuyến đi sóng gió tơi bời, hôm đổ bộ lên đảo Sinh Tồn Đông giữa cơn áp thấp nhiệt đới, mưa gió kín trời, anh em tôi cứ nhìn thấy cái lưng của Thanh trên xuồng kéo phía trước mà thấy vững lòng. Ai cũng nghĩ Thanh là lính cựu, chí ít cũng đôi ba năm lái xuồng; nhưng trò chuyện mới biết Thanh là lính mới nhất tàu, 6 tháng tuổi quân. Hôm trên tàu có ca cấp cứu, lại thấy Thanh với ống nghe, dây chuyền thoăn thoắt khám, truyền dịch “như người lớn”, vỡ lẽ thêm chàng trai trông thô thô ấy là y sĩ của tàu.
Cao tuổi nhất trên tàu là “bác cả” Thượng úy chuyên nghiệp Phan Văn Quang, sinh 1963, nhân viên hàng hải số 1. Bác cả Quang có 26 năm trong lính Hải quân, mỗi ngày sau giờ trực lại vào bếp, thích được nấu cho mọi người ăn. Bác cả Quang có tham gia trận chiến Trường Sa năm 1988 trên tàu HQ 671. Năm ấy tàu bác đang giữ đảo Đá Lớn, nghe tin sự cố Gạc Ma, nhận lệnh đi ứng cứu, cả tàu sôi lên. Chiều đến Gạc Ma, mặc cho các họng súng chĩa vào, tàu của bác cắt mũi tàu đối phương lao vào cứu bộ đội ta. Hỏi bác, lúc ấy có sợ không, bác bảo “không hề sợ, chỉ nghĩ đến anh em, đồng đội”. Sau trận chiến ấy anh chiến sĩ trẻ Phan Văn Quang viết đơn xin chuyển sang lính Hải quân chuyên nghiệp. Lý do xin chuyển đơn giản: “thấy làm lính Hải quân vinh quang, cao cả thực sự”. Bác cả Quang có con trai năm nay mới 11 tuổi, chỉ mong ngày con trai trưởng thành, ngày ấy chắc bác đã nghỉ hưu, được thấy con trai khoác áo lính Hải quân.
Thuyền trưởng Nguyễn Minh Lành cũng 19 năm quân ngũ, 3 năm đón Tết ở nhà. Dáng anh thư sinh, giọng hiền như con gái. Chúng tôi đùa anh: “Chắc mẹ mong đẻ con gái nhưng bà mụ nặn nhầm”. Chuyến đi của chúng tôi gặp dịp biển động liên miên, mấy tàu nhỡ không vào được đảo đến cả tuần. Tàu tôi may nhất, đều lách qua được những trận sóng gió mà vào đảo được. Những dịp lách qua gió giông tơi bời ấy, Thuyền trưởng Lành vẫn chỉ huy anh em bằng giọng rất “dịu dàng”. Hôm qua Gạc Ma, dừng lại làm lễ viếng anh em trong trận chiến năm ấy, anh Lành nghẹn giọng bảo: “đời chỉ có một cái sợ, là sợ dừng tàu ở đây, nhỡ hạ neo đụng phải chỗ anh em mình an nghỉ”.
Tháng 6/2011 tôi lại được đi Trường Sa, cùng ngư dân trong chuyến câu cá ngừ đại dương, chỉ vào được 1 điểm đảo Thuyền Chài C. Cũng vì giông gió quá nhiều, mệt lử người, thuốc cảm hết, nước ngọt cũng báo động, trên tàu một thuyền viên đau răng, sưng lệch cả má. Thuyền trưởng của chúng tôi, anh Phan Văn Giành (tàu PY90429 TS) quyết định nghỉ, vào cầu cứu bộ đội. Bộ đội đãi cho bữa tắm nước ngọt, mát đến từng chân tơ kẽ tóc, thêm 10 can nước cho kho nước ngọt gần cạn trên tàu, 25 liều thuốc cảm. Anh Sáu Chung thuyền viên bị đau răng được y sỹ Nguyễn Đình Thư nhổ miễn phí 3 chiếc răng sâu, “khuyến mại” thêm bọc thuốc riêng.
>> Câu chuyện của lính đảo và ngư dân theo hương trà mạn… vui như Tết. Người nọ thương người kia, bộ đội thương ngư dân lênh đênh trên sóng, ngư dân thương mấy anh cả năm không được về… |