Bà Rịa – Vũng Tàu: Đẩy mạnh nuôi tôm công nghệ cao ven sông Cửa Lấp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhiều năm qua, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã tập trung nguồn lực phát triển nuôi trồng thủy sản trên diện tích 400 ha của vùng nước lợ ven sông Cửa Lấp. Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong nuôi tôm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp.

Nếu như năm 2003, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng tại Cửa Lấp chỉ đạt 225 tấn thì đến nay ước tính đạt 550 tấn. Để có được kết quả đáng ghi nhận như vậy là nhờ các hộ nuôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao giúp cho giá trị sản phẩm thủy sản thu hoạch tăng qua từng năm.

Khu vực nuôi tôm công nghệ cao ven sông Cửa Lấp. Ảnh: ST.

Mỗi năm người nuôi có thể luân phiên sản xuất 3 vụ tôm, trung bình mỗi ao nuôi thu hoạch từ 3-5 tấn tôm thương phẩm. Việc triển khai nuôi thủy sản công nghệ cao cùng hệ thống ao lắng xử lý nước thải giúp kiểm soát tốt nguồn nước, ngăn ngừa bệnh gây hại cho tôm và thời gian nuôi ngắn, góp phần tăng lợi nhuận. Điển hình như 30 ha nuôi tôm công nghệ 3 sạch tại cơ sở Farm Liên Giang, Công ty Thủy sản Mạnh Cường và HTX Chợ Bến. Công nghệ này đã giúp doanh nghiệp sử dụng nước tuần hoàn, kiểm soát được chất lượng nước và dịch bệnh. Riêng sản phẩm tôm giòn của Công ty Thủy sản Mạnh Cường đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. 

Để đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân diễn ra thuận lợi, huyện Long Điền đã cải tạo mở rộng gần 5k m đường ven biển, mở rộng Tỉnh lộ 44A kết nối Vũng Tàu – Long Hải – Hồ Tràm – Hồ Cốc – Bình Châu, tạo hành lang phát triển kinh tế biển và dịch vụ, du lịch; kiên cố hóa hệ thống kênh mương, đường nội đồng…Ông Lương Tuấn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã An Ngãi, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: Việc xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, trong đó có mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã tận dụng được tiềm năng, lợi thế của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành chức năng khảo sát thực tế, xác định vùng nuôi, lựa chọn đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao để xây dựng mô hình hiệu quả, sau đó đầu tư nhân rộng, tránh đầu tư tràn lan. 

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!