Theo phản ánh của nhiều người dân xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, do ô nhiễm môi trường nước, nhiều hộ nuôi thủy sản trên sông Chà Và đã phải treo bè hoặc nuôi cầm chừng vì hết vốn do trước đó cá bị chết hàng loạt.
Anh Lê Văn Thuận, thôn 7 chia sẻ, anh bắt đầu nuôi cá lồng bè với các loại cá bớp, chẽm, chim và hàu từ năm 2010, diện tích khoảng 5.000 m2 mặt nước. Những năm đầu làm ăn thuận lợi, thu nhập cao nên anh dồn vốn đầu tư lớn. Thế nhưng liên tiếp 3 năm gần đây, cá chết hàng loạt, thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Đến nay, anh cũng chỉ dám nuôi cầm chừng vì không còn vốn để đầu tư như trước nữa.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước các sông, rạch trên địa bàn xã Long Sơn được xác định là do các cơ sở chế biến thủy sản tập trung tại xã Tân Hải đã diễn ra nhiều năm trở lại đây. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có chủ trương xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở này vào khu chế biến hải sản tập trung. Tuy nhiên, việc di dời chưa thể thực hiện một sớm, một chiều. Trong khi từ năm 2008 đến nay, hầu như lần nào cá chết các ngành chức năng cũng vào cuộc, nhưng phía Sở NN&PTNT cũng chỉ dừng lại ở mức xác định ô nhiễm nguồn nước và khuyến cáo người dân tăng cường phối hợp cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh. Còn đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, sau nhiều lần thanh kiểm tra vẫn chưa thể xác định được thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường, vì thế vẫn chưa có hướng xử lý thích đáng.
Do vậy, nếu các cấp chính quyền không nỗ lực giám sát việc xả thải của các cơ sở chế biến hải sản này thì người dân nuôi cá lồng bè sông Chà Và – Long Sơn nói riêng và người nuôi cá lồng bè trên các tuyến sông, rạch trong vùng nói chung vẫn tiếp tục gánh chịu thiệt hại.