Nghịch lý giá xăng dầu tăng nhưng sản lượng khai thác giảm và giá hải sản tăng không đáng kể là thách thức lớn đối với hiệu quả khai thác của các tàu đánh bắt xa bờ. Việc hình thành những đội tàu tải và tàu thu mua hải sản trên biển được xem là giải pháp hợp lý chia sẻ gánh nặng phí tổn cho ngư dân.
Thu mua hải sản ngay trên biển Hoạt động thu mua hải sản, cung ứng nhiên liệu, thực phẩm cho tàu cá đã manh nha từ những năm 1999 – 2000. Lúc bấy giờ, một vài chủ vựa cá làm ăn khấm khá, bỏ vốn đóng tàu, chủ động ra tận ngoài khơi mua cá nhằm mục đích cạnh tranh với các chủ vựa khác. Dần dà, số tàu này phát triển nhiều thêm, nhất là vào những năm gần đây khi giá xăng dầu và các loại nhu yếu phẩm, thực phẩm đều tăng cao, chủ tàu phải oằn lưng gánh khoản phí tổn cao ngất ngưỡng. Lúc này, đội tàu thu mua không chỉ đóng vai trò giải quyết nhu cầu cạnh tranh, mà còn giúp chủ tàu cá nhẹ bớt tiền xăng dầu do phải nhiều lần ra, vào cảng. Anh Lâm Duy Pháp, chủ vựa cá Hạnh Lài ở phường 3, (TP. Vũng Tàu) là một trong những người đầu tiên có sáng kiến tổ chức tàu thu mua hải sản trên biển. 20 năm làm nghề thu mua hải sản anh hiểu rất rõ những khó khăn của ngư dân, nhất là khi giá dầu lên cao. Năm 1999, anh bỏ hơn 2 tỷ đồng đóng 1 tàu và tuyển người ra tận ngoài khơi mua cá của ngư dân. Chuyến tàu đầu tiên ra khơi được nhiều chủ tàu cá ủng hộ vì không những giúp họ tiết kiệm được thời gian, chi phí vào bờ, mà còn giúp tàu cá bám sát được ngư trường. Đơn cử như những lúc gặp luồng cá lớn mà tàu hết dầu, hết lương thực, nếu quay vào thì rất uổng phí.
Có đội tàu dịch vụ, các tàu cá ra khơi không cần chở theo nhiều nhiên liệu, thực phẩm vì nếu hết sẽ có tàu tiếp tế ngay trên biển. Trong ảnh: Tàu cá tiếp nhận nước ngọt chuẩn bị ra khơi tại cảng Bến Đình. Về giá cả, mua ở biển tất nhiên phải trừ chi phí xăng dầu. Cụ thể như, 1 kg cá ngừ thời điểm hiện tại chủ vựa mua 20.000 đồng/kg tại bờ, thì ngoài biển có giá 17.000 đồng/kg. “Tàu dịch vụ đi chỉ 4-5 ngày/chuyến, nên hải sản thu mua được cũng tươi ngon hơn, bán cho doanh nghiệp có giá hơn. Nhờ đó, mình cũng nâng giá cho ngư dân hưởng lợi, đó cũng là cách chia sẻ lợi nhuận cho nhau”, anh Lâm Duy Pháp giải thích. Làm ăn thuận lợi, mỗi năm anh tích lũy thêm vốn đóng thêm tàu. Đến nay, công ty TNHH Hạnh Lài của anh có 9 tàu dịch vụ thu mua hải sản trên biển, 30 tàu cá là bạn hàng thường xuyên được Công ty Hạnh Lài cung ứng nhiên liệu, thực phẩm và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, công ty còn thu mua cá của nhiều tàu vãng lai khác. Để giữ mối làm ăn, công ty thường xuyên cho các chủ tàu vay tiền làm phí tổn hoặc sửa chữa máy móc, thiết bị khi cần. Mỗi chuyến ra khơi, Công ty Hạnh Lài còn chở thêm thực phẩm ra làm quà cho thủy thủ các tàu cá. “Chi phí này không lớn, nhưng có ý nghĩa động viên tinh thần anh em làm việc trên biển và tăng mối đoàn kết gắn bó, chia sẻ với các chủ tàu”, anh Lâm Duy Pháp tâm sự. Tàu tải – Alo là có liền! Ngoài đội tàu chuyên thu mua hải sản, cung ứng nhiên liệu, còn có đội tàu tải chỉ chuyên làm dịch vụ chở thuê cho tàu cá. Phương thức dịch vụ này mới hình thành trong những năm gần đây. Theo thông tin từ các chủ tàu cá, riêng ở TP.Vũng Tàu đội tàu này hiện có khoảng trên dưới 10 chiếc. Đó là những chiếc tàu đánh bắt hải sản của các chủ ghe làm ăn thua lỗ, cụt vốn phải nằm bờ. Về sau thấy các tàu cá có nhu cầu thuê tàu tải, các chủ tàu này nảy ra sáng kiến sửa chữa, cải tiến tàu đánh bắt thành tàu chuyên đi chở thuê. Mỗi tàu tải có 3-4 lao động, ai có nhu cầu chỉ cần “alô” là có ngay.
Phân loại hải sản tại vựa cá của Công ty TNHH Hạnh Lài (phường 3, TP. Vũng Tàu). Mỗi tháng, các tàu tải thay phiên nhau vào ra khoảng 10-12 chuyến. Khi ra khơi, tàu vận chuyển nhiên liệu xăng dầu, thức ăn, nước uống, nước đá, ngư cụ cung ứng cho tàu đánh bắt cá dài ngày ở biển. Khi vào thì gom hải sản chở vào cho các nậu vựa. Việc phát triển đội tàu hậu cần cũng là hình thức cung ứng dịch vụ thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất. Ông Trương Văn Ri, chủ tàu cá ở phường 5 (TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Với giá xăng dầu như hiện nay, các tàu làm nghề lưới kéo cứ mỗi lần ra vào phải đi từng cặp, chi phí rất cao. Bây giờ, cứ độ hơn một tháng 3 –4 cặp tàu hùn nhau thuê một tàu tải chở lương thực, nhu yếu phẩm ra và chở hải sản vào. Nhờ vậy, chúng tôi tiết kiệm được 50-70 triệu đồng tiền phí tổn cho mỗi chuyến biển”. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh có khoảng 50 tàu chuyên thu mua hải sản, cung ứng dịch vụ trên biển và tàu chuyên làm dịch vụ vận tải phục vụ cho tàu đánh bắt xa bờ. |
>> Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Tổ chức lại hệ thống thu mua hải sản Lâu nay, khi nói đến hoạt động thu mua hải sản, nhiều người có tâm lý e ngại các chủ nậu vựa ép giá ngư dân. Chúng ta không phủ nhận thực trạng này, nhưng cũng cần nhìn nhận một cách khách quan về vai trò của các chủ nậu, vựa. Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát việc mua bán của họ, Nhà nước cũng cần khuyến khích họ phát triển các hình thức cung ứng dịch vụ theo hướng có lợi cho ngư dân. Về lâu dài, cần nghiên cứu mô hình tàu dịch vụ đảm nhận từ khâu cung ứng nhiên liệu – thu mua – chế biến hải sản ngay trên biển. Hiện nay, các chủ vựa cũng chỉ dừng lại ở khâu thu mua chứ chưa chế biến trên biển, như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề nâng cao chất lượng hải sản. |