Tỉnh Bạc Liêu trong những năm gần đây cá lau kiếng xuất hiện qua nhiều đường khác nhau như: theo các tuyến kênh liên tỉnh xâm nhập vào địa bàn các huyện; do người dân chơi cá cảnh thả vào môi trường tự nhiên. Cá lau kiếng không có giá trị kinh tế nên khi người dân bắt được, thả lại môi trường nước làm cho loài này ngày càng phát triển nhanh.
Cá lau kiếng (Hypostomus punctatus). Ảnh: Thanh Trước
Tác hại của cá lau kiếng
Qua phản ánh của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Hồng Dân và Giá Rai (Bạc Liêu), hiện nay người dân đánh bắt trên sông hay trong mương, rạch, ao đìa phát hiện được khá nhiều cá lau kiếng, chủ yếu chúng sinh sống tập trung ở các xã vùng ngọt ổn định và sinh sống rải rác một số nơi có độ mặn thấp hay các con kênh lớn ở vùng chuyển đổi.
Cá lau kiếng dễ thích nghi với môi trường tự nhiên, chúng cạnh tranh thức ăn, lấn át các loài cá bản địa và sinh sản rất nhanh làm mất cân bằng sinh thái, giảm đa dạng sinh học thủy vực.
Khi cá lau kiếng xuất hiện làm mất dần thức ăn tự nhiên trong ao (tảo, thực vật phù du và chất lơ lửng trong nước) kể cả trứng của những loài cá bản địa khiến một số loài cá có khả năng bị tuyệt chủng (nhất là các loài cá có khả năng sinh sản thấp, vòng đời ngắn) ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản của địa phương.
Nguy hiểm hơn, cá lau kiếng có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm giảm khả năng phát triển, làm cá bị chết. Ngoài ra cá lau kiếng còn làm hư hỏng ngư lưới cụ của người dân đánh bắt thủy sản ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân.
Chưa có nghiên cứu cụ thể
Cá lau kiếng phân bố khá rộng và trong nhiều loại hình thủy vực khác nhau ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tuy nhiên phạm vi phân bố và mức độ phong phú của chúng như thế nào vẫn chưa có báo cáo khoa học chính thức. Ngoài ra, tác động của cá lau kiếng như thế nào đối với các loài cá bản địa vẫn còn là một câu hỏi chưa có giải đáp cụ thể không những cho các nhà khoa học nghề cá, mà còn cả cho những người làm công tác quản lý thủy sản địa phương, cũng như người dân sống dựa vào nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL.
Cá lau kiếng phát triển trong kênh thuỷ lợi. Ảnh: Thanh Trước
Quản lý thế nào?
Trước tình hình trên, thiết nghĩ cần có những giải pháp để ngăn chặn sự phát tán cá lau kíếng như: tuyên truyền sâu rộng đến người dân về tác hại của cá lau kiếng; người dân ở các nơi phát hiện thấy cá lau kiếng thì loại chúng ra khỏi các vực nước càng nhiều càng tốt; các cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí đánh bắt cá lau kiếng cho người dân hoặc liên kết với nhà máy chế biến thức ăn thu mua cá để làm bột cá.
Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu xác định vùng phân bố chính và mức độ phong phú của cá lau kiếng; nghiên cứu tác động của cá lau kiếng đến đa dạng sinh học đối với các loài cá bản địa kinh tế; xây dựng kịch bản về tác động của cá lau kiếng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu; thí nghiệm kiểm chứng tác động của cá lau kiếng đối với một vài loài cá bản địa là đối tượng nuôi cơ bản trong vùng nghiên cứu.
Từ đó có những giải pháp quản lý phù hợp, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
>> Cá lau kiếng hay cá lau kính, cá dọn bể, cá tỳ bà, có tên khoa học Hypostomus punctatus (Linnaeus, 1758). Loài cá này đã được xếp vào danh mục loài ngoại lai xâm hại. Nguồn gốc phân bố ở Trung và Nam Mỹ, được nhập nội vào nước ta từ Nam Mỹ, sống chủ yếu sống ở đáy các thủy vực nước ngọt, nước lợ. Có các đặc điểm: có các vảy sừng trên thân; nhiều loài có vây mỡ, miệng dưới, môi có gai thịt, vây lưng có 12-14 tia, có nhiều sọc hoa văn ở mặt bụng. Dài thân đến 33 cm. Thức ăn chính là các loài rong, tảo bám trên bề mặt thực vật hoặc nền đáy, đây là loài ăn tạp, cạnh tranh thức ăn với các loài khác, sinh sản nhanh khi phát tán ra ngoài thủy vực tự nhiên. |