Là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển thủy sản, nhất là với lĩnh vực con tôm; những năm qua, Bạc Liêu đã có nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển thủy sản. Cùng Thủy sản Việt Nam lắng nghe chia sẻ của ông Phạm Hoàng Giang (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu để hiểu hơn về điều này.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, thế mạnh ngành thủy sản tại Bạc Liêu; nhất là với con tôm?
Những năm gần đây, diện tích nuôi thâm canh – bán thâm canh ở tỉnh Bạc Liêu liên tục được đầu tư mở rộng, từ 10.732 ha (năm 2010) tăng lên 19.153 (năm 2015); trong đó, tôm sú từ 10.592 ha (năm 2010) lên 13.604 ha (năm 2015) và tôm thẻ chân trắng từ 140 ha (năm 2010) lên 5.549 ha (năm 2015). Tổng số trại sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 175 trại (tôm sú 146 cơ sở, TTCT 29 cơ sở) với năng lực sản xuất khoảng 13 – 15 tỷ post/năm, đáp ứng 70 – 80% nhu cầu giống trong tỉnh vừa cung ứng cho các tỉnh lân cận và tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm cải tạo môi trường là 175.
Đến nay, tỉnh đã hình thành 2 vùng liên kết sản xuất – tiêu thụ tôm nuôi đối với hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với diện tích 285 ha/169 hộ.
Theo ông, trong thời gian tới, để phát triển ngành thủy sản, địa phương cần định hướng và có những chính sách gì?
Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu ưu tiên ngân sách đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản, nhất là các vùng nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh tập trung, đảm bảo các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh với quy mô 15.000 – 20.000 ha. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, hình thành các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung chuẩn hóa cơ sở vật chất và quy trình sản xuất giống…
Cùng đó, Bạc Liêu cũng đã có nhiều chính sách thu hút, tạo các điều kiện nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, nuôi thủy sản. Tăng cường hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học – công nghệ trong quá trình sản xuất của nông dân, đặc biệt đối với hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng…; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư gây nuôi các đối tượng thủy sản có tiềm năng thay thế tôm sú để thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và phòng chống dịch bệnh do nuôi tôm sú độc canh kéo dài.
Vừa qua, Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2016) được tổ chức tại Bạc Liêu, chia sẻ của ông về sự kiện này?
Bạc Liêu rất vinh dự khi được chọn là nơi tổ chức VietShrimp 2016; trong thời gian diễn ra Hội chợ với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp giới thiệu nhiều công nghệ, sản phẩm phục vụ cho quá trình nuôi tôm nước lợ đã tạo điều kiện, cơ hội cho người nuôi tôm Bạc Liêu nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung có dịp gặp gỡ, trao đổi và tiếp cận với những công nghệ nuôi tôm tiên tiến, hiệu quả và bền vững. Thông qua các phiên hội thảo, nông dân nuôi tôm Bạc Liêu được các chuyên gia, nhà khoa học tư vấn, phổ biến các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến cùng những sản phẩm mới phục vụ cho nuôi tôm; từ đó giúp cho nông dân “nâng cấp” quy trình nuôi tôm nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.