Bạc Liêu: Giá nông sản đang dần tăng trở lại

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, các hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp cũng dần hồi phục với những tín hiệu vui. Các chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm tiếp tục kết nối, giá cả các mặt hàng nông sản cũng đã dần tăng trở lại sau một thời gian dài mất giá, không tìm được đầu ra.

Giá nông sản tăng dần

Từ khi dịch đợt bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, việc vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến các mặt hàng nông sản bị rớt giá. Đến nay, tình hình dịch bệnh ở hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực đang dần được kiểm soát đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, giao thương hàng hóa giữa các địa phương. Đặc biệt là khi TP. Hồ Chí Minh cho mở cửa trở lại các khu chợ đầu mối đã giúp cho nhiều mặt hàng nông sản tăng giá.

Vui mừng và phấn khởi nhất có lẽ chính là những hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bởi gần 3 tháng nay, giá tôm nguyên liệu gần như rơi tự do, trong khi đó, giá cả các khoản chi phí đầu vào thì liên tục tăng. Khoảng một tuần nay, giá tôm nguyên liệu đã tăng giá trở lại. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 20 con có giá 225.000 đồng/kg, loại 50 con giá 105.000 đồng/kg; loại 100 con giá 87.000 đồng/kg… Anh Trần Văn Yên (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Nuôi tôm trong hoàn cảnh dịch bệnh này khó khăn chồng chất khó khăn, đã vậy, tôm tới kỳ thu hoạch cũng không có đầu ra. Mấy ngày nay, qua theo dõi tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng được biết giá tôm nguyên liệu đã dần tăng trở lại nên người nuôi tôm mừng lắm. Hy vọng, tình hình dịch bệnh này sẽ nhanh chóng qua đi, mọi hoạt động thường nhật sớm trở lại, giá tôm nguyên liệu bình ổn để người nuôi tôm hưởng được niềm vui trọn vẹn”.

Không riêng gì tôm nguyên liệu mà giá cả các mặt hàng nông sản khác như: cua, lúa, rau màu và các loại thủy, hải sản… cũng đang được thương lái thu mua với giá cao hơn. Đơn cử như, giá cua thịt tăng 30.000 đồng/kg, giá cua gạch cũng tăng đến 80.000 đồng/kg. Một thương lái chuyên thu mua cua chia sẻ: “Giá cua tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát, việc đi thu mua, vận chuyển đến nơi tiêu thụ ở các tỉnh, thành lân cận và cả TP. Hồ Chí Minh cũng thuận lợi hơn trước, nhu cầu thị trường cũng tăng”.

nông sản bạc liêu

Nông dân huyện Phước Long, huyện Hòa Bình thu hoạch lúa và tôm thẻ chân trắng (ảnh phải). Ảnh: C.L

Mở rộng kênh phân phối

Khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 xảy ra trên địa bàn tỉnh cũng đúng vào lúc người dân ở khu vực xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) bước vào vụ thu hoạch rau cần nước và rau má. Do không tìm được đầu ra, nhiều hộ đành phát bỏ hoặc cắt gửi cho các bếp ăn từ thiện. Trước khó khăn về đầu ra cho nông sản, UBND xã Vĩnh Thanh đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn huyện liên kết hình thành kênh phân phối và tiêu thụ rau giúp bà con. Những chuyến xe chở rau theo “combo – rau cần, rau má” xuất thẳng lên TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ hay phân phối ra các huyện, thị xã trong tỉnh đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện tránh được cảnh mất trắng sau mấy tháng ròng bỏ công chăm bón.

Rõ ràng, việc mở rộng kênh phân phối với sự tiếp sức của ngành quản lý thì bài toán đầu ra cho nông sản sẽ có lời giải hiệu quả hơn rất nhiều. Phát biểu tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16 ở khu vực Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Trần Thanh Nam, cho biết: Để khôi phục sản xuất hậu COVID-19, các địa phương cần thống nhất các phương án hướng dẫn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cần được khẩn trương phục hồi kết nối trở lại, nhất là việc lưu thông vận tải, khôi phục và mở cửa trở lại hoạt động buôn bán hàng hóa một cách có tổ chức, khoa học và chặt chẽ”.

Chí Linh

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!