(TSVN) – Thời điểm này đang bước vào vụ thu hoạch tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nhưng giá tôm nguyên liệu vẫn đang rớt giá khiến người nuôi lao đao.
So với thời điểm tháng 7 năm nay, hiện nay, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng nguyên liệu liên tục bị rớt giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg khiến người nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp ở các huyện Đông Hải, Hòa Bình, Giá Rai và TP Bạc Liêu lo lắng.
Trong khi vụ thu hoạch tôm đang đến gần nhưng giá tôm nguyên liệu vẫn giảm liên tiếp và không có dấu hiệu chững lại khiến nhiều hộ nuôi tôm theo mô hình thân canh – bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa
Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg có giá khoảng 100.000 đồng/kg, loại 30 con/kg dao động từ 170.000 – 180.000 đồng/kg; tôm sú loại 50 con/kg giá khoảng 100.000 đồng/kg. Với mức giá tôm thẻ chân trắng, tôm sú như thời gian qua người nuôi khó có lãi, nhất là người nuôi tôm cỡ nhỏ. Nghịch lý là giá tôm đang xuống thấp nhưng giá thức ăn, thuốc thủy sản luôn tăng rất cao.
Theo chia sẻ của người nuôi tôm tại TP Bạc Liêu, tất cả các loại giống, thức ăn, thuốc thủy sản, tiền dầu đều tăng chóng mặt trong khi giá tôm nguyên liệu sụt giảm đến hơn 30% khiến bao kỳ vọng của vụ nuôi bị thua lỗ.
Được biết, mặc dù thời gian qua các mô hình nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt khá về năng suất, điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Tuy nhiên, thành công ở vụ tôm năm nay chỉ mới đạt một nửa, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá tôm duy trì ở mức thấp khá lâu, đặc biệt là tôm cỡ nhỏ. Riêng tôm cỡ lớn thì giá khá hơn như: tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg giá khoảng 270.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá khoảng 260.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú thâm canh – bán thâm chủ yếu thu hoạch tôm ở cỡ nhỏ 50 – 100 con/kg, giá tôm loại này rất thấp. Hầu hết chỉ những hộ nuôi siêu thâm canh mới có thể nuôi tôm cỡ lớn 20 – 30 con/kg.
Không chỉ rớt giá, nông dân nuôi mô hình thâm canh – bán thâm canh nhỏ lẻ còn đối mặt với tình trạng ép giá của thương lái. Theo Phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho cho biết, toàn huyện Hòa Bình hiện nay có hơn 19.500 ha nuôi tôm, trong đó diện tích nuôi theo mô thâm canh – bán thâm canh trên 10.300 ha, mô hình quảng canh cải tiến trên 7.670 ha, còn lại là nuôi theo mô siêu thâm canh. Vụ mùa năm nay người nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn. Môi trường nước, độ mặn không đảm bảo cho diện tích nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh, trong khi đó mô hình nuôi tôm siêu thâm canh lại đối mặt với bệnh phân trắng. Hiện nay, giá tôm đang ở mức thấp nên đa số người nuôi tôm không có lãi.
Trước tình hình giá tôm sụt giảm, nhiều hộ nuôi tôm không còn mặn mà với việc cải tạo ao đầm để thả tôm nuôi, dù hiện tại đang vào vụ nuôi chính. Nhiều hộ chọn giải pháp “treo ao” để chờ giá tôm phục hồi mới tiếp tục đầu tư sản xuất. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, giá cả dần ổn định, bà con nuôi tôm trong tỉnh sẽ không có tôm để bán. Đồng thời các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng sẽ gặp khó khăn trong sản xuất khi không có nguồn tôm nguyên liệu ổn định.
Bình An