Mô hình lưới rê và mô hình câu được đánh giá là hai mô hình mang lại nhiều lợi nhuận trong khai thác thủy sản ở huyện Đông Hải.
Ngư dân huyện Đông Hải thu hoạch cá thu từ mô hình lưới rê. Ảnh: L.D
Huyện Đông Hải có 167 chiếc tàu khai thác thủy sản áp dụng mô hình lưới rê với tổng công suất 8.835CV (mã lực). Trong đó, tàu có công suất trên 80CV là 19 chiếc, chủ yếu đánh bắt các loại cá có giá trị như: cá chim, cá lạt, cá thu…
Theo đánh giá, với thời gian cho một chuyến đi biển từ 60 – 65 ngày, sau khi trừ chi phí khoảng 500 triệu đồng (gồm dầu, nước đá, các nhu yếu phẩm, khấu hao máy móc, chi phí cho ngư phủ), chủ phương tiện lãi 150 – 200 triệu đồng. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Long, Lê Văn Bàng (thị trấn Gành Hào).
Toàn huyện có 25 phương tiện khai thác thủy sản bằng nghề câu (câu mực, cá thu…) với tổng công suất 5.886CV, trong đó có 23 chiếc tàu trên 90CV. Các phương tiện hoạt động quanh năm tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày.
Theo đánh giá, trung bình một chuyến đi biển với thời gian từ 20 – 30 ngày, sau khi trừ chi phí khoảng 70 – 80 triệu đồng, chủ tàu lãi 100 – 250 triệu đồng. Điển hình là hộ Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Gành Hào.
Từ khi có chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 và Quyết định 48 của Chính phủ, nhiều chính sách ưu đãi từ việc đóng mới, sửa chữa, nâng cấp tàu, bảo hiểm và vay vốn lưu động trên từng chuyến biển đã tạo điều kiện cho hai mô hình trên phát triển. Đồng thời khuyến khích ngư dân đóng mới, sửa chữa, nâng cấp tàu, hình thành nhiều tàu đánh bắt có công suất lớn, có khả năng bám biển dài ngày. Từ đó giá trị sản phẩm khai thác được nâng cao, hiệu quả khai thác nâng lên đáng kể.