Trong nuôi tôm hiện nay, nhiều người dân đã lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình sản xuất đã dẫn tới hệ lụy là khả năng tồn lưu các chất độc hại trong môi trường nước, đất ngày càng nhiều và nguy cơ sản phẩm thủy sản khó đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường là khó tránh khỏi.
Thực trạng
Hiện, trong nuôi tôm đa số người dân thường áp dụng phương pháp nuôi là sử dụng hóa chất kết hợp với vi sinh để quản lý các yếu tố môi trường, xử lý các triệu chứng, dấu hiệu bệnh tôm nuôi. Thông thường khi tôm nuôi gặp sự cố mắc phải một số bệnh liên quan đến đóng rong, đen mang, phân trắng, mềm vỏ… người dân sẽ sử dụng hóa chất, kháng sinh kết hợp với vi sinh để điều trị.
Trong khâu chuẩn bị ao nuôi, người dân thường sử dụng hóa chất để diệt tạp (cua, còng, cá tạp…), diệt khuẩn, mầm bệnh của vụ nuôi trước. Người dân sử dụng hóa chất để diệt tạp là Chlorine (chiếm 30%), Saponine (chiếm 20%), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 15%) và các sản phẩm có thành phần Cypermethrim (chiếm 5%) và Iodine (chiếm 5%), BKC (chiếm 5%) và các sản phẩm khác (chiếm 20%). Nguyên nhân của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là do các sản phẩm này có hóa tính độc cao hơn và giá bán rẻ hơn một số loại thuốc diệt tạp dùng trong thủy sản.
Qua thống kê sơ bộ, khoảng 78% số hộ có sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Các sản phẩm kháng sinh này thường có thành phần cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi thủy sản như: Chloramphenicol 500 mg, Cyprofloxacine 500 mg, Amoxicillin 500 mg, Doxycyline 100 mg, Erythromycine 500 mg, Tetracyline 500 mg…
Kết quả khảo sát một số vùng nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh (TC – BTC) trên địa bàn tỉnh, tình trạng sử dụng thuốc thú y để điều trị bệnh cho tôm nuôi còn khá phổ biến. Một số sản phẩm thường sử dụng như Baytril 10% (chứa thành phần Enrofloxacin 10%); Coli – 200 (chứa thành phần Trimethoprim), Anti E.coli (thành phần Ampicillin 500mg). Theo người nuôi tôm thì các sản phẩm này có hoạt chất mạnh hơn thuốc thủy sản và điều trị các bệnh về đường ruột, bệnh phân trắng hiệu quả hơn.
Kiểm tra hóa chất, kháng sinh dùng trong nuôi tôm – Ảnh: TT
Trong quá trình xử lý các bệnh thường gặp cho tôm, trường hợp người dân sử dụng thuốc thủy sản có chứa thành phần cấm sử dụng như ASI-ENROFLOXACIN 10% (chứa thành phần Enrofloxacin 100 mg), Enro 20% (chứa thành phần Enrofloxacin 100 mg). Trường hợp sử dụng các sản phẩm thủy sản chứa thành phần hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản cũng khá phổ biến, các sản phẩm thường sử dụng như OSULTRIM-T (chứa thành phần Trimethoprim 1.000 g, Oxytetracyline 750 g), TS 2000 (chứa thành phần Trimethoprim 60 g), ROKBY (chứa thành phần Trimethoprim 30.000 mg, Oxytetracyline 20.000 mg, Ciprofloxacine 3.000 mg), DOXY CHLO (chứa thành phần Neomycine 7%)… Nguyên nhân của việc sử dụng các sản phẩm này là do kinh nghiệm được chia sẻ với nhau giữa những người nuôi tôm, trong khi bản thân người dân chưa biết các sản phẩm này có thành phần cấm sử dụng theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Ngoài các sản phẩm trên, người nuôi tôm còn sử dụng sản phẩm thuốc thủy sản có chứa thành phần Sorbitol, Methionnine, Beta glucal, Glycine để phòng và trị bênh về gan cho tôm nuôi.
Giải pháp quản lý
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nếu sử dụng các hóa chất, kháng sinh nằm trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT một cách hợp lý, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn thì sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng, hiện tượng nhờn thuốc, khó điều trị khi tôm có dịch bệnh và làm tăng chi phí sản xuất là khó tránh khỏi. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc các sản phẩm có nguồn gốc bảo vệ thực vật sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên trong thủy vực, nghèo nàn chất dinh dưỡng, chất đất ao nuôi và giảm hiệu quả sản xuất.
Để đẩy mạnh quản lý việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản như hiện nay góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm thủy sản, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian tới, cần khẩn trương triển khai các giải pháp như sau:
– Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định về việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm nằm trong danh mục cấm, hạn chế sử dụng của Bộ NN&PTNT.
– Phổ biến cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và người nuôi tôm thông tin về danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản (Thông tư số 08/VBHN-BNNPTNT năm 2014 của Bộ NN&PTNT và các văn bản khác có liên quan).
– Hướng dẫn người dân chỉ mua sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu và tại các cửa hàng, đại lý có uy tín. Khi mua hàng yêu cầu cửa hàng cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận lưu hành của sản phẩm, không mua sản phẩm không có nhãn bằng tiếng Việt hoặc có nhãn tiếng Việt nhưng thông tin không chính xác (tên sản phẩm, thành phần, công dụng, tên và địa chỉ, điện thoại nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối). Khi sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm cần đọc kỹ các thành phần của sản phẩm hoặc tham khảo ý kiến của cán bộ kỹ thuật để chắc chắn không có thành phần cấm sử dụng.
– Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc quản lý các sản phẩm hóa chất, kháng sinh phục vụ đầu vào cho nuôi tôm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trái quy định.
– Thường xuyên rà soát, bổ sung các văn bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hóa chất, kháng sinh, trong đó bao gồm những sản cấm, hạn chế sử dụng trong nuôi tôm.
>> Mới đây, thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết, thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm – Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận thông tin về các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm với sản phẩm cá tra đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá cờ kiếm. |