T2, 06/07/2020 09:47

Bạc liêu: Thực trạng và giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Với 56 km bờ biển và một ngư trường rộng lớn gần 5.000km2 nội thủy và vùng đặc quyền kinh tế, Bạc Liêu là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Hàng năm, đội tàu khai thác biển đã đóng góp cho ngành kinh tế trên 70 nghìn tấn thủy sản các loại và được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tiềm năng lớn

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1.052 tàu thuyền khai thác biển, trong đó: tàu có công suất nhỏ hơn 50CV chiếm 62,94% (cào tôm, te: chiếm 16,39%; lưới các loại: chiếm 46,64%), nhóm này đa số là khai thác vùng lộng và vùng bờ. Các tàu có công suất lớn hơn 50CV chiếm 34,93% (cào đơn chiếm 10,76%; cào đôi chiếm 9,82%; lưới các loại chiếm 14,35%), nhóm này khai thác từ vùng lộng ra vùng khơi. 

Việc phát triển đội tàu này đã góp phần tăng nhanh sản lượng khai thác và thu hút lao động trong ngành. Trong những năm qua, các loại nghề khai thác hải sản cũng có những thay đổi tích cực, từ việc cải tiến các loại hình khai thác như sử dụng lưới kéo khơi, rê, câu trong tỉnh đến du nhập một số cách khai thác thủy sản khác như lưới sù, câu mực vàng, lồng bẩy, lưới cá đù, lưới cá mè dầu… làm phong phú thêm loại hình khai thác thủy sản trong tỉnh.

Khai thác thủy sản đã đem lại những kết quả đáng kể, góp phần tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống ngư dân. Nhưng nhìn một cách tổng thể, cũng còn nhiều vấn đề đang đặt ra, lớn nhất là việc khai thác bừa bãi đang làm nguồn lợi thủy sản bị đe dọa nghiêm trọng và môi trường ô nhiễm nặng nề.

 

Hiện, toàn tỉnh Bạc Liêu có 1.052 tàu, thuyền khai thác biển

Thực trạng

Theo số liệu thống kê của ngành, trong vòng 10 năm gần đây, tổng sản lượng thủy sản khai thác hàng năm tăng không đáng kể (dưới 2%/năm), trong khi năng suất tính trên đơn vị thuyền nghề và công suất tàu (tấn/CV) giảm 30 – 50%. Nguồn lợi hải sản vùng ven bờ đã khai thác vượt giới hạn bền vững (10 – 12%) nhất là nhóm cá đáy, các loài tôm biển. Thực tế cho thấy, số lương tàu khai thác xa bờ chiếm số lượng rất ít, chủ yếu là các tàu thuyền đánh bắt gần bờ có quy mô tàu nhỏ, công nghệ và phương pháp khai thác lạc hậu. Không những thế, tàu nhỏ tỉnh ngoài và một số tàu cá lắp máy công suất lớn cũng quay về gần bờ khai thác. Ðó là chưa kể đến các hiện tượng sử dụng công cụ và phương pháp khai thác làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản như các loại lưới mắt nhỏ, khai thác vào các khu vực cấm, thời gian cấm, đánh bắt các loài thủy sản chưa trưởng thành…

Thực trạng trên một phần là do sự mất cân đối giữa ngư trường và số lượng tàu thuyền tham gia khai thác hải sản. Tàu thuyền tăng nhanh về số lượng và kích cỡ, nhưng ngư trường khai thác có hiệu quả thì có hạng, dẫn đến tình trạng mật độ tập trung tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển cao, có thời điểm có nơi lên đến 40 phương tiện/hải lý (vùng biển ven bờ). Mặt khác, những biến động về thị trường, giá cả nhiên liệu trong thời gian vừa qua cũng đã tác động không nhỏ đến đội tàu, chi phí đầu vào tăng cao, trong đó sản phẩm bán ra giá lại không tăng. Ðiều đó khiến các tàu đánh bắt xa bờ lại quanh quẩn khai thác gần bờ để tiết kiệm chi phí.

Thực tế khai thác thủy sản như trên đã và đang làm cho nguồn lợi thủy sản gần bờ bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đời sống những ngư dân nghèo và tác động tiêu cực quá trình phát triển bền vững của ngành.

Giải pháp

Nhằm khắc phục tình trạng trên, bảo đảm an toàn về tài nguyên, môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật, ngành thuỷ sản đã xây dựng Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2010 và những năm tiếp theo. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 10/10/2008, ban hành đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 đã nêu rõ phương hướng chung và những giải pháp cụ thể: “Tiếp tục khẳng định vùng biển và vùng ven biển là một địa bàn chiến lược, có nhiều tiềm năng kinh tế; phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về biển, góp phần bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tốt các vấn đề an ninh vùng biển, nâng cao mức sống cư dân ven biển. Phát triển toàn diện kinh tế biển, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa”; “… Tổ chức sắp xếp nghề khai thác biển theo hướng chuyển đổi nghề khai thác có hiệu quả kinh tế cao và đủ điều kiện khai thác vùng biển xa bờ ở độ sâu từ 50m nước trở lên, để có khả năng tăng sản lượng…”; “… Động viên và có giải pháp hợp lý để các ngân hàng mạnh dạn đầu tư trung và dài hạn cho phát triển kinh tế biển; cho vay cho khai thác đánh bắt như cho vay đối với các ngành sản xuất khác…”; “… sắp xếp hợp lý các phương tiện khai thác thủy sản, chuyển đổi các phương tiện đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ, chuyển đổi một số nghề khai thác cạn kiệt sang ngành nghề khác…”.

Do vậy, rất cần sự đồng tâm hiệp lực của cộng đồng ngư dân, nâng cao ý thức BVNLTS, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn vốn hiện có để nâng cấp tàu, chuyển đổi sang các nghề hiện tại khai thác hiệu quả xa bờ để góp phần giảm cường lực khai thác ven bờ. Ngành chủ quản cần kết hợp với địa phương, các ngành chức năng liên quan và bà con ngư dân mở thật nhiều hội nghị để ngư dân có điều kiện trình bày được những khó khăn thật sự của mình, tâm huyết của người trong cuộc, giúp cho chính quyền địa phương có những đề xuất thiết thực hỗ trợ ngư dân.

 

>> Theo Nghị định 33/NĐ-CP thì tàu có công suất < 20CV hoạt động vùng biển ven bờ; tàu có công suất từ 20CV- <90CV hoạt động vùng lộng và vùng khơi; tàu từ 90CV trở lên hoạt đông vùng khơi và vùng biển cả.

Trần Xí Khuôi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!