(TSVN) – Quan trắc môi trường thường xuyên giúp người nuôi chủ động áp dụng các biện pháp quản lý môi trường ao nuôi, hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Bắc Ninh xác định nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 4.788 ha mặt nước nuôi cá trong ao đất, số lồng nuôi cá trên sông khoảng 2.500 lồng. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành 162 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, diện tích từ 10 ha trở lên, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất thủy sản theo hướng hàng hóa, vùng nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi theo hướng VietGAP, phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ của môi trường và dịch bệnh.
Người nuôi cần điều chỉnh thức ăn phù hợp với từng giai đoạn cá. Ảnh: Ngọc Huyền
Trước tình hình đó, những năm qua, ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm, chú trọng công tác quan trắc môi trường nuôi thủy sản, nhằm phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo sản xuất, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển bền vững… Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh phối hợp với các địa phương thực hiện quan trắc định kỳ 4 lần/năm và quan trắc đột xuất khi có diễn biến bất thường của thời tiết, khu vực nuôi có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh. Các thông số cơ bản khi quan trắc bao gồm nhiệt độ, độ pH, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước (DO)…
Mới đây, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh Thủy sản Miền Bắc lấy mẫu nước tại 5 điểm là khu vực nuôi cá lồng tập trung đoạn sông Cầu tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong; sông Thái Bình tại xã Minh Tân, huyện Lương Tài; sông Đuống thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình. Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao đất thuộc thôn An Động, xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du) và thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú (huyện Lương Tài). Các điểm quan trắc nuôi cá lồng sẽ tiến hành thu mẫu tại vị trí ngoài sông ở đầu nguồn nước và trong lồng nuôi, ao đất sẽ thu mẫu tại vị trí ngoài kênh, mương và ao nuôi đại diện tại các khu nuôi tập trung.
Kết quả cho thấy, một số chỉ tiêu môi trường nước cao hơn mức cho phép cần đưa ra cảnh báo. Cụ thể, thông số N-NO2 tại các điểm lấy mẫu nước khu vực nuôi cá lồng trên sông Cầu, sông Thái Bình dao động từ 0,021 – 0,144 mg/lít (cao gấp 2,62 – 2,88 lần giới hạn cho phép) theo QCVN 08-MT:2015/BTNM. Đối với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao đất, chỉ tiêu đo TSS (tổng chất rắn lơ lửng) dao động 31 – 114 mg/lít, cao gấp 1,55 – 5,7 lần; BOD (nhu cầu ôxy sinh hóa) cao lần lượt là 4,87 – 5,87 mg/lít, cao gấp 1,21 – 1,46 lần; N-NO3 dao động từ 2,78 – 8,07 mg/lít, cao gấp 1,35 – 4,03 lần ngưỡng cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
Dựa theo kết quả trên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh đã khuyến cáo người dân tại các địa phương thực hiện tốt một số biện pháp phòng, trị bệnh như: Thường xuyên vệ sinh môi trường khu vực ao, lồng nuôi, không bón phân hoặc chất thải sinh hoạt chưa qua xử lý; Định kỳ kiểm tra, theo dõi sức khỏe cá, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cá, tránh để thức ăn dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước; Tăng cường sục khí trước lúc cho cá ăn 1 – 2 giờ, thời điểm 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng để tránh cho cá bị chết do thiếu ôxy; Đối với lồng nuôi, để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, người nuôi cần treo túi vôi ở góc lồng phía đầu dòng chảy, 1 – 2 túi vôi/lồng, mỗi túi 2 – 3 kg; Đối với ao đất, định kỳ 15 – 20 ngày sử dụng vôi bột với lượng 2 – 3 kg/100 m2 hòa nước tạt đều khắp mặt ao lúc trời mát để khử trùng nước.
Nguyễn Hằng
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh cho biết: Từ kết quả quan trắc, cơ quan quản lý có căn cứ đánh giá tác động của hoạt động nuôi thủy sản đến môi trường xung quanh, định hướng quy hoạch, phát triển nghề nuôi thủy sản. Đồng thời, đưa ra cảnh báo để các cơ sở nuôi chủ động phòng ngừa dịch bệnh.