T3, 29/06/2021 11:12

Bạch tuộc đốm xanh – Đẹp mà độc

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vẻ ngoài đẹp mắt với những đốm xanh trên cơ thể, tuy nhiên, bạch tuộc đốm xanh được biết đến là loài động vật biển có chất độc rất nguy hiểm. Chất độc của chúng cao gấp 50 lần rắn hổ mang. Cùng Tạp chí Thủy sản Việt Nam tìm hiểu về loài động vật này nhé!

Bạch tuộc đốm xanh còn được biết đến với tên gọi là Hapalochlaena, chúng thường sống ở những vùng biển nước nông, có độ sâu khoảng 50 cm, chủ yếu ở phía tây của Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Australia, và khu vực ngoài biển Đông của nước ta.

Đặc điểm bên ngoài của bạch tuộc đốm xanh là lớp da màu vàng và những đốm xanh đặc trưng. Dù chỉ có kích cỡ nhỏ từ 12 – 20 cm, bạch tuộc đốm xanh được công nhận là 1 trong 4 loại sinh vật biển độc nhất thế giới. 

Bản tính của bạch tuộc đốm xanh khá hiền lành nhưng khi bị tấn công, khiêu khích và chạm vào cơ thể, chúng sẽ tiết nọc độc có chứa chất độc thần kinh Tetrodotoxin cực mạnh gây nguy hiểm cho con người và các động vật khác.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chất độc của bạch tuộc đốm xanh có thể tồn tại ở nhiệt độ cao khi đã được nấu kỹ, hay khi chúng đã chết. Chất Tetrodotoxin chủ yếu có trong nước bọt của bạch tuộc, đồng thời còn có ở các phần mềm khác ở thân. Độc tố của một con bạch tuộc xanh 25 g có thể giết chết 10 người nặng trên 70 kg.

Giống như tất cả các loài bạch tuộc, bạch tuộc đốm xanh có thể thay đổi hình dạng một cách dễ dàng, điều này giúp chúng thu gọn cơ thể vào trong các kẽ hở nhỏ hơn, tránh khỏi những kẻ săn mồi khác.

Về màu sắc, bạch tuộc xanh sẽ thay đổi tùy thuộc vào môi trường, độ chiếu sáng của mặt trời và độ sâu của nước. Do vậy, bạch tuộc xanh sẽ có màu từ xanh lục đến nâu đỏ và màu sắc sẽ trở nên sặc sỡ khi chúng bị kích động hay chuẩn bị tấn công.

Nếu bị kích động, cơ thể bạch tuộc đốm xanh sẽ đổi sang màu vàng tươi với khoảng 50 – 60 đốm lóe sáng màu xanh biển óng ánh rực rỡ để ra tín hiệu xua đuổi kẻ thù. 

Cũng giống như các loài bạch tuộc khác, bạch tuộc đốm xanh di chuyển bằng cách phun nước ra từ một cái ống dưới dạng đẩy đi do phản lực. 

Bạch tuộc đốm xanh sinh sản bằng hình thức sinh sản hữu tính, con bạch tuộc cái có đốm màu xanh chỉ đẻ một lần khoảng 50 quả trứng trong suốt vòng đời vào cuối mùa thu. Trứng sau khi thụ tinh được ấp bên dưới cánh tay của con cái trong khoảng sáu tháng. Trong quá trình ấp trứng, con bạch tuộc xanh cái không bắt mồi để ăn. Sau khi trứng nở, con cái chết và con cái mới sẽ trưởng thành và có thể giao phối vào năm sau. 

Hiện nay, bạch tuộc đốm xanh đang xuất hiện ở nhiều nơi và bị trà trộn vào bạch tuộc thông thường mà nhiều người không biết. Điều này rất nguy hiểm nếu người mua không biết, ăn phải. Với những người bị ngộ độc bạch tuộc đốm xanh qua đường ăn uống thì thời kỳ ủ bệnh khoảng 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn. Nếu bị bạch tuộc xanh đốt qua da thì chỉ sau 1 – 5 phút các triệu chứng xuất hiện, thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân chỉ sau 10 – 20 phút.

Nọc độc chủ yếu gây chết người thông qua sự tê liệt, người bị nhiễm độc sẽ được cứu nếu hô hấp nhân tạo kịp thời và duy trì trước khi bị hạ huyết áp. Nếu sống sót sau 24 giờ đầu kể từ lúc ngộ độc Tetrodotoxin, người bệnh thường sẽ hồi phục hoàn toàn.

Minh Hiếu

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!