Nếu chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp máy tàu thuyền, trang thiết bị bảo quản thủy sản “gần dân” hơn nữa thì chắc chắn đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân không chịu lép vế trước bất kỳ đối thủ nào.
Tàu khủng của “cậu bé” mê biển
Con tàu 1.100 CV mang số hiệu 97777 TS nổi tiếng, vừa cập bến Hòn Rớ, từ chuyến biển xa khơi. Chủ tàu, ngư dân Nguyễn Thuận (36 tuổi, phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) cho biết: Từ 2 năm nay, khi con tàu này hoàn thành, nó đã là một trong những tàu đánh cá lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, dài 23 m, rộng 6,5 m. Tàu được đóng bằng gỗ tốt và được phủ một lớp dày composite, đáy được bọc lót hàng tấn inox kiên cố. Và đặc biệt, tàu được Viện Khoa học công nghệ khai thác thủy sản – Trường Đại học Nha Trang lắp đặt miễn phí hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu cách nhiệt dưới dạng bọt xốp polyurethane (PU), nâng mức sử dụng nước nước đá lên 95%…
Ngư dân Nguyễn Thuận tự tin sải bước trên tàu 97777 TS
Thuận kể, đóng được chiếc tàu lớn, có thể chịu được sóng cấp 8 cấp 9 để vươn khơi và bám biển Trường Sa dài ngày là niềm ao ước bấy lâu của anh. Năm 2007, Thuận từng dốc toàn bộ gia sản, tâm huyết vào một chiếc tàu được cho là “khủng” nhất Khánh Hòa lúc bấy giờ với công suất 450 CV. “Thuyền to, sóng cả”, chi phí cho những chuyến biển cũng lớn lên; nhưng đổi lại, vươn càng xa, bám biển càng lâu, tàu càng nhiều cá và đó là lý do vì sao Thuận dám đầu tư 4,5 tỷ đồng để đóng cho được con tàu “khủng” này. Đối với Thuận, biển khơi như cánh đồng lớn vừa quen thuộc vừa bí ẩn. Quen vì trên cánh đồng ấy anh biết rõ từng khoảnh có thể thu được “quả gì”, mùa nào. Lạ vì mỗi chuyến ra khơi lại như thấy một biển mới, không mẻ cá nào giống nhau và niềm vui khi nhìn thấy lưới trĩu cá không bao giờ cũ. Xuất thân từ gia đình ngư dân gốc Huế, từ khi 4 – 5 tuổi, Thuận đã theo cha và các anh đi biển rồi theo hẳn nghề này, rồi mê biển đến độ chỉ về bờ vài ngày đã muốn đi, bám biển tới 11 tháng/năm. Trước khi đóng con tàu khủng thứ nhất, Thuận cũng chỉ có chiếc ghe nhỏ đánh cá ven bờ. Bao năm bám biển từ chiếc ghe nhỏ ấy cùng ước vọng vươn khơi cho bằng anh bằng em đã giúp Thuận quyết tâm chăm chỉ, chắt chiu cho đến ngày đóng được không phải một mà là hai chiếc tàu lớn thế.
“Cứ về đến bờ vài bữa là tui thấy ngột ngạt, nóng nực, chỉ thích trở ra với biển ngay” – Thuận nói. Có lẽ vì “mối tình” lạ lùng này với biển, nơi anh gắn bó từ thời thơ ấu theo cha đi biển mà anh là trai làng biển Vĩnh Trường mãi đến năm 32 tuổi, khi bạn cùng lứa sắp có con rể, Thuận mới chợt nhớ đến việc lấy vợ. Với Thuận, không gì sướng bằng được sống và làm việc trên biển với tràn ngập nắng gió, thoáng đãng vô cùng. Khi kéo lên những mẻ lưới khẳm, những nhã câu trúng đậm hay cập bờ với cá chất đầy khoang, niềm vui tràn ngập trong mắt người thân đang ngóng chờ đầu cầu cảng, thì chẳng có niềm hạnh phúc nào sánh bằng. “Khát khao đóng được tàu thật lớn, bám trụ cùng biển, cũng xuất phát từ niềm đam mê sống trên biển của tui. Và nữa, được lái tàu to, đánh bắt khơi xa, bám biển dài ngày, là mơ ước không chỉ của tui mà của hầu hết ngư dân làng biển” – Thuận nói.
Lập mô hình tàu mẹ – con
Nhà Thuận 8 anh em trai, ai cũng có trong tay những chiếc tàu vững chãi bám trụ cùng biển khơi. Với tổng cộng 11 chiếc tàu có công suất 300 CV trở lên, 8 anh em nhà này đang cùng nhau lập thành một tổ hợp sản xuất trên biển rất hiệu quả. Để có được con tàu này, Thuận cũng phải “bạc đầu”. Đội tàu của cả nhà đã rất lớn nhưng vẫn chông chênh như thiếu một tàu “mẹ”, để vừa dẫn dắt vừa làm vai trò hậu cần chung cho toàn đoàn. Con tàu 450 CV Thuận đóng năm 2007, khi ấy to nhất tỉnh, giờ thấy bé quá, không đảm đương được nhiệm vụ mới. Quyết định đóng tàu 97777 TS ra đời như thế.
Bắt tay đóng con tàu lại vấp, nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước dành đóng mới, nâng cấp tàu thuyền bị tạm dừng. Đã “cưỡi lưng hổ”, Thuận thế chấp cả đội tàu, vay thêm được 3 tỷ đồng để hoàn thành cho được con tàu. Kể lại chuyện cũ, giọng Thuận vẫn ấm ức: “Mỗi tháng phải trả lãi thêm gần chục triệu đồng, cá mú ngày một khó, chính sách có lợi cho ngư dân vậy mà sao bị đình?”. Cái hậm hực nguôi đi theo vóc dáng đồ sộ của con tàu hiện ra mỗi ngày. Buổi hạ thủy con tàu, không chỉ gia đình Thuận vui mà cả làng chài Vĩnh Trường cũng vui lây.
Tàu trong tổ hợp sản xuất trên biển của anh em nhà Nguyễn Thuận – Ảnh: Mai Khuê
Mỗi chuyến ra khơi, 10 tàu con tủa ra như hai bàn tay trùm xuống biển “mò cá”. Chiếc đầu cách chiếc cuối có khi hàng trăm hải lý. Tìm được luồng là bàn tay ấy chụm lại để “cất vó”. Thêm con tàu mẹ, vùng đánh bắt thêm rộng. Đủ cá, tàu mẹ của Thuận lại cần mẫn đưa về đất liền, cho anh em tiếp tục bám biển. Hao tổn dầu vì thế cũng giảm hẳn. Cảnh tiền cá đủ tiền dầu, hay như ngư dân thường nói, “đi bán dầu hộ ông đại lý”, coi như dứt. Cũng từ ngày có thêm con tàu mẹ, chưa lần vươn khơi nào của anh em nhà Thuận gặp thất bại, lỗ tổn. “Chỉ cần một trong số tàu gặp luồng cá là cả tổ trúng đậm. Hoặc gặp chuyến biển không may, sản phẩm thu được của những tàu trong đội sẽ là sản phẩm chung để bạn biển không phải về nhà tay không. Cũng chính vì vậy mà tàu nào, đội nào, nơi nào thiếu bạn biển chứ đội tàu nhà tui không bao giờ lâm vào tình trạng đó” – Thuận khẳng định.
>> Tại tỉnh Khánh Hòa hiện có 56 tổ, đội liên kết sản xuất trên biển theo mô hình tàu mẹ – con, với 1.238 tàu tham gia; trong đó phần lớn là tàu đánh bắt xa bờ. Đặc biệt thành công là những tổ liên kết theo nhóm gia đình, dòng họ. Ngoài ra, nhiều chủ vựa nậu lớn ở Khánh Hòa cũng đang mạnh tay đầu tư đóng tàu “khủng”, công suất và sức chở lớn làm tàu mẹ, để hợp tác với với ngư dân cùng vươn khơi với mô hình tàu mẹ – tàu con. |