(TSVN) – Thực hiện loạt bài về cấm khai thác IUU, khi nghiên cứu sâu các hồ sơ thì đều nhận ra, công đoạn khó nhất và nằm ở phần cuối cùng để xử lý các tàu vi phạm, đó là thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính. Tại Bình Định, các hồ sơ xử lý đều tồn đọng và hết thời hiệu vì các thuyền trưởng đều lắc đầu trả lời “nước ngoài thu mất tàu, nhà đã bán, hết tiền nộp phạt 900 triệu đồng”.
Tại khu vực Bến Đình, TP Vũng Tàu, hàng trăm chiếc tàu cá của ngư dân Bình Định được chủ tàu đưa vào lưu trú đã hơn 30 năm, có chiếc vẫn hàng ngày ra khơi đánh bắt, có chiếc neo trên bãi cạn, rêu mốc, đi hoạt động cầm chừng, hoặc chủ tàu bỏ xác, không đủ sức chạy về quê. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hải, quê ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát cho biết: “Tàu em rời cửa biển Đề Gi vào miền Nam từ năm 1991, hồi kia làm dư dả, chạy ra cỡ 40 hải lý là có cá, còn bữa nay phải chạy vài trăm hải lý, tàu nào không khai thác được thủy sản thì liều đi sang bên kia, vậy là phuổi tay, bắt, mất hết, rồi về quê còn nhận quyết định xử phạt, nên đâu có tiền để nộp”.
Gia đình chị Trịnh Thị Dung hiện nay không còn tài sản gì, chỉ còn chiếc tàu mô hình bằng xốp gắn trên tường
Trong các hồ sơ của lực lượng trinh sát Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bình Định, Đề Gi là từ khóa đau đầu trong cuộc chiến chống khai thác IUU. Đoàn tàu đánh cá của ngư dân Bình Định vào miền Nam và lưu lại không về, trong đó chiếm phần lớn là các loại tàu thân vỏ có chiều dài 15 m của ngư dân ở các địa phương gần cửa biển Đề Gi.
Từ cửa biển Đề Gi đi sâu vào đầm nước ngọt nằm trong các xã nội địa, sau đó mới đến xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đây là địa phương đang trở thành điểm đỏ trên bản đồ chống đánh bắt IUU của tỉnh Bình Định. Ông Phan Văn Bình, cán bộ địa phương cho biết, năm 2021 chỉ riêng thôn Đức Phổ 1 có 11 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, năm 2022 đã có 2 tàu bị bắt.
Có cán bộ địa phương thốt lên rằng, mang tiếng oan cho Đề Gi, bởi vì họ vô miền Nam rồi ở lại đánh bắt, vi phạm, địa phương quản lý họ không được, cứ đi làm cho tới khi bị bắt và thông báo về thì ảnh hưởng tới thành tích chung. Khi vừa nhắc tới tàu cá bị bắt giữ và thuyền trưởng được thả về, ông Đinh Văn Bình nói ngay tới việc “họ không có tiền nộp phạt đâu, nhà cô Trịnh Thị Dung ở xóm dưới, chồng bây giờ vô Bà Rịa – Vũng Tàu đi làm thuê, vài tháng mới về nhà một lần”.
Xuống địa bàn và thực hiện kiểu phương châm “3 gặp, 4 biết”, tôi nhìn thấy ngay cảnh treo bảng rao bán tại ngôi nhà của thuyền trưởng Phan Văn Trung. Chị Tín có gương mặt phờ phạc, ánh mắt như người mất hồn khi nói về khoản tiền phạt 900 triệu đồng mà gia đình sẽ phải nộp. Chị cho biết, chồng tôi từ ngày bị bắt ở nước ngoài trở về trắng tay không còn gì, thấy bà con đòi quá nên bán nhà để trả, giờ xin mượn tạm vỉa hè để bán hàng kiếm sống qua ngày.
Gia đình thuyền trưởng Phan Văn Trung treo bảng bán nhà
Hỏi thăm chị Tín về việc tại sao chồng chị lại không làm ăn chắc ăn, đánh bắt trong vùng biển Việt Nam mà lại rướn ra khỏi vùng ranh giới để đánh bắt, nên bị lực lượng tuần tra của Indonesia bắt giữ và tịch thu toàn bộ tài sản, chị cho biết, phận đàn bà ở nhà cũng không biết gì, cho tới khi nghe tin tàu đánh cá bị bắt thì rụng rời tay chân vì lâm cảnh trắng tay.
Tại nhà ngư dân Giáp Văn Dũng ở gần đó, người nhà của anh Dũng cũng chia sẻ gia cảnh từ khi bị Indonesia bắt, tịch thu tàu, giam giữ người sau đó thả về vào năm 2021. Từ khi quay về địa phương, người thuyền trưởng này loay hoay kiếm sống bằng đi bạn trên tàu cá ở cùng thôn, nhưng thấy không hợp với công việc này nên quay ra làm nông dân, đi nuôi ốc hương thuê cho người khác.
Tất nhiên không phải ngư dân nào cũng lâm cảnh bi đát, hết tiền nộp phạt, vì cũng có số ít ngư dân trốn tránh việc nộp phạt bằng cách kể lể hoàn cảnh, không có tài sản gì. Thuyền trưởng, kiêm chủ tàu cá BĐ 30829 TS là ông Phạm Tý, ở khu phố Trung Lương, thị trấn Cát Tiến. Sau khi ông Tý kêu không có tiền nộp phạt, địa phương đã xác minh tài sản của ông là đang sở hữu 2 ngôi nhà đã được cấp sổ đỏ. Còn ông Phan Văn Minh, chủ tàu cá BĐ 30829 TS thì thật thà trình bày: “Tài sản hiện nay của gia đình tôi là 1 ngôi nhà cấp 4, trong nhà có 1 tivi, 1 tủ lạnh, 1 xe gắn máy, nhưng đang nợ người thân 170 triệu đồng”. Địa phương tiếp tục xác minh những lời ông Minh trình bày.
“Chồng em bị ngồi tù ở đảo Ba Tam ở Indonesia, tháng nào cũng phải gởi tiền qua để mua gạo nấu chứ anh em la đói quá, ăn không đủ”. Đây là những câu chuyện buồn, mà vợ của nhiều ngư dân ở xung quanh vùng biển Đề Gi, huyện Phù Cát, đã kể về nỗi thống khổ, khi nuôi chồng ở nhà tù nước ngoài. Chị Đỗ Thị Tín, vợ ngư dân Phan Văn Trung cho biết, cả đoàn ngư dân điện về nói là cứ 3 ngày thì cai tù cấp cho 1 tô gạo, 2 quả trứng vịt và một bó rau. Tính ra lương thực được cấp để ăn trong 30 ngày thì thường chỉ đủ dùng 10 ngày, còn 20 ngày thì mình phải gửi sang để anh em lo liệu. Chị Trịnh Thị Dung cũng kể lại những ngày khốn khổ đi vay mượn tiền để lo cho chồng ở tù.
Tiếp xúc với vợ các ngư dân từng bị Indonesia, Malaysia, Brunei bắt giữ, chị em đều chia sẻ chuyện giống như đi qua 3 bậc thang – bị bắt thu mất tàu, khom lưng kiếm tiền nộp phạt hoặc nuôi cơm chồng ở nhà tù nước ngoài, khi chồng trở về thì lại thêm việc tiếp tục kiếm tiền nộp phạt. Việc trở về quê và làm lại từ đầu gần như là điều khó đối với các ngư dân này. Thuyền trưởng Giáp Văn Dũng khi lâm cảnh trắng tay và giờ chuyển sang đi nhặt hạt điều, một số ngư dân khác theo vợ đi làm nghề bán chả cá, nuôi tôm…
Các ngư dân khi ra tù trở về quê, đều ám ảnh nặng nề kể lại nhiều câu chuyện về nỗi thống khổ khi vừa mất tàu, vừa ngồi tù và sống cảnh vất vưởng qua ngày. Có ngư dân sau khi ăn xong thì cứ nằm bẹp một chỗ, không dám cử động nhiều vì sợ hao tổn năng lượng. Thông thường, các ngư dân sẽ bị giam giữ khoảng 6 – 7 tháng sau khi bị xét xử. Đối với trường hợp tàu cá bị bắt ở Đài Loan (Trung Quốc) thì được đối xử tốt hơn. Các chủ tàu sẽ phải lãnh quyết định xử phạt 700 triệu đồng, sau đó tàu cá và ngư dân được phóng thích về Việt Nam.
Khi các ngư dân trở về Bình Định, BĐBP tỉnh sẽ củng cố hồ sơ, tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hành vi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia khác (được quy định tại Điểm 3, Khoản 3, Điều 20, Nghị định 42/2019/NĐ-CP), mức phạt 900 triệu đồng… Nhưng phần lớn việc xử phạt này còn phải trải qua thêm một công đoạn là xác minh tài sản để thực thi quyết định xử phạt. Bởi ngư dân nào cũng than khó, kêu hết tiền.
Lê Văn Chương