(TSVN) – Nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận tôm giống sạch bệnh và kiểm soát nhập khẩu bất hợp pháp, ngành tôm Bangladesh cho thấy nhiều hứa hẹn nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Bangladesh nổi tiếng với loài tôm sú bản địa. Theo các bên liên quan trong ngành, khoảng 15 triệu người có liên quan trực tiếp và gián tiếp với ngành tôm và ngành này cũng đóng góp chính trong doanh thu xuất khẩu của đất nước. Việc nuôi tôm sú thương mại bắt đầu ở nước này vào những năm 1980 với rất nhiều khó khăn, một phần là do sự khan hiếm hậu ấu trùng tôm (PL) chất lượng.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều sáng kiến đang được thực hiện để thúc đẩy tôm giống sạch bệnh (SPF) cụ thể, nhằm tăng sản lượng tôm trong nước. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhu cầu đối với các loài tôm khác (chủ yếu là tôm thẻ) trên thị trường toàn cầu và việc thiếu các kỹ thuật nuôi cải tiến đang cản trở ngành tôm sú tối đa hóa lợi ích. Việc sử dụng tôm giống SPF đã được xác định là một yếu tố quan trọng trong việc tăng sản lượng. PL SPF sạch 12 bệnh, bao gồm cả bệnh đốm trắng và bệnh trắng đuôi, và tỷ lệ sống sót cao hơn nhiều lần so với PL không SPF.
Với sự hỗ trợ của chính phủ, các doanh nghiệp đang nâng cấp các trại sản xuất giống nói chung thành các trại sản xuất giống sạch bệnh (SPF) cụ thể, các ao ương cũng đang được chuyển đổi thành các trại giống SPF. Hiện tại, Bangladesh đã có ba trại sản xuất giống tôm giống sạch bệnh. Chính phủ Bangladesh đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới nhằm hỗ trợ một số trại sản xuất tôm giống trong Dự án Nghề cá biển và ven biển bền vững do Bộ Thủy sản khởi xướng. Điều này nhằm mục đích sản xuất tôm bố mẹ và tôm giống sạch bệnh, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng và sản lượng tôm nước này.
Sử dụng hậu ấu trùng tôm đánh bắt tự nhiên hoặc không sạch bệnh có thể dẫn đến một ngành tôm lao đao. Ảnh: Shutterstock
Một số trại sản xuất giống đang được hỗ trợ theo dự án bao gồm: Công ty TNHH Công nghệ giống FishTech, Công ty TNHH Công nghệ giống tôm Golden Aqua, Công ty giống MKA, Công ty sản xuất tôm giống ARC, Công ty TNHH Công nghệ sản xuất tôm giống Bengal Bay, Công ty TNHH Công nghệ sản xuất tôm giống Balaka, Công ty TNHH sản xuất tôm giống Borak, Kazi SPF Nursing Point, Công ty TNHH sản xuất tôm giống Kapotakshma, Công ty TNHH sản xuất tôm giống Masum, Công ty sản xuất giống Blue Star&Nursery, Desh Bangla Hatchery SPF, Nursing Point S Alam, Badhaban SPF Nursing Point và Chitra SPF Nursing Point.
Ông Manish Kumar Mondal, Phó giám đốc dự án, cho biết: “Chúng tôi cấp kinh phí. Các doanh nghiệp của các trại sản xuất giống thực hiện. Chúng tôi giám sát các mục tiêu đã đề ra. Đó là một dự án hỗ trợ vốn vay của Thế giới Ngân hàng và mọi thứ đều được giám sát đúng cách”.
Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Bangladesh Khandkar Mahbubul Haque cho biết: “Hiện nay, tôm giống sạch bệnh đang được sản xuất tại 3 trại sản xuất giống trong cả nước. Chúng tôi đã thúc đẩy việc sản xuất tôm giống sạch bệnh trong một thời gian dài. Hiện nhiều trại giống trong nước có khả năng sản xuất giống sạch bệnh, chính phủ đang làm việc và hỗ trợ các đơn vị này”.
Tuy nhiên, một số chủ trại giống đã bày tỏ sự thất vọng về hỗ trợ tài chính khi khoản này vẫn không đủ chi phí thực tế cần thiết để đáp ứng các điều kiện của Ngân hàng Thế giới. Hơn nữa, những thách thức khác vẫn còn. Việc buôn lậu nauplius bị bệnh từ nước láng giềng Ấn Độ cũng gây ra mối đe dọa đáng kể cho ngành.
Trả lời câu hỏi liệu có biện pháp nào ngăn chặn buôn lậu nauplius từ Ấn Độ hay không, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Việc nhập khẩu nauplius từ nước ngoài đều bị cấm. Chỉ cần nguồn cung trong nước là có thể đáp ứng nhu cầu tôm giống. Chúng tôi đang cố gắng và sẽ tiếp tục cung cấp mọi hình thức hỗ trợ để cải thiện ngành tôm”.
Để đảm bảo sản xuất tôm giống sạch bệnh, bắt buộc phải cấp giấy chứng nhận sạch bệnh cho tất cả các trại sản xuất tôm giống sạch bệnh. Ngoài ra, các biện pháp phải được thực hiện để ngăn chặn việc buôn lậu nauplius bị bệnh. Các luật đã được ban hành, nhưng việc thực thi hiệu quả các luật này là rất quan trọng để cung cấp tôm sạch bệnh cho nông dân và tăng đáng kể sản lượng tôm trong nước.
Nhìn chung, mặc dù đã có tiến bộ trong việc phát triển các trại sản xuất giống tôm sạch bệnh ở Bangladesh nhưng tốc độ tăng trưởng không như mong đợi do nhiều vấn đề phức tạp. Để thúc đẩy ngành tôm nước này và ngăn chặn việc đánh mất tiềm năng, chính phủ và các bên liên quan của nước này phải hợp tác cùng nhau. Điều này sẽ đảm bảo việc cung cấp rộng rãi tôm giống sạch bệnh, dẫn đến một tương lai thịnh vượng và đầy hứa hẹn cho ngành tôm Bangladesh.
Tường Vy
(Theo Thefishsite)