(TSVN) – Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, Bangladesh vẫn nắm cơ hội duy trì ngôi vị đầu bảng về nuôi tôm sú phát thải carbon thấp nhất thế giới, đưa tôm sú thành đối tượng thay thế tiềm năng cho TTCT.
Theo Kontali, cơ quan phân tích và cung cấp dữ liệu hàng đầu thế giới về nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn cầu, năm 2017 Bangladesh vẫn là một trong những nước xuất khẩu tôm sú hàng đầu sang thị trường EU. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của Bangladesh trên thị trường tôm sú toàn cầu đã giảm dần từ 70.000 tấn vào năm 2018 xuống 40.000 tấn vào năm 2024. Mặc dù vậy, chính phủ Bangladesh vẫn thống kê sản lượng tôm sú hàng năm ổn định ở mức 68.000 tấn từ năm 2013.
Nuôi tôm quảng canh là hình thức phổ biến ở Bangladesh. Ảnh: Seafoodnetworkbd
Kontali ghi nhận, thị phần tôm sú của Bangladesh vẫn duy trì 25% trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng giảm xuống dưới 20% khi hàng loạt các đối thủ cùng gia tăng doanh số bán tôm ra toàn cầu vào năm 2023. Đơn cử, Ấn Độ lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt qua Bangladesh về khối lượng xuất khẩu tôm. Tính riêng quý I/2024, xuất khẩu tôm của Bangladesh đã giảm 34% so cùng kỳ năm 2023.
Những năm qua, giá tôm sú toàn cầu có xu hướng đi xuống do phải cạnh tranh gay gắt với TTCT. Đầu năm 2023, giá tôm Ấn Độ khá thấp đã thu hút rất nhiều bạn hàng quốc tế. Sau đó, giá tôm sú của Bangladesh cũng giảm theo, kéo nhiều khách hàng quay lại, đặc biệt vào 2 tháng cuối năm, thời điểm ghi nhận khối lượng tôm sú của Bangladesh tăng cao hơn so cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, giá tôm sú của Bangladesh vẫn cao hơn Ấn Độ và Indonesia.
Một số nhà nhập khẩu luôn yêu cầu mức giá cạnh tranh hơn. Điều này khiến các hãng chế biến tôm hoặc các công ty xuất khẩu phải tăng tỷ lệ mạ băng sản phẩm để hạ giá bán. Do đó, trên thị trường không ít hiện tượng “mua tôm thì ít mà mua nước đá thì nhiều”. Hiện chỉ có tôm sú của Việt Nam được đánh giá cao về cả chất lượng đi kèm giá bán. Mặt hàng này đang được cung cấp cho các phân khúc cao cấp ở thị trường Nhật Bản và một số nước châu Á khác. Nhìn chung, tôm sú Việt Nam được đánh giá trội hơn so với sản phẩm cùng loại của Bangladesh. Ngoài kỹ năng chế biến, thì chuỗi cung ứng phức tạp ở Bangladesh chính là điểm yếu khiến ngành tôm sú gặp thách thức về duy trì chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Một thách thức khác đối với Bangladesh là sự đa dạng sản phẩm của hai đối thủ Ấn Độ và Indonesia. Khác với Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia cung cấp nhiều dòng sản phẩm tôm, nhờ đó, họ linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời giá cả cạnh tranh hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến Bangladesh đang nỗ lực đầu tư vào sản xuất TTCT.
Bất chấp khó khăn, ngành tôm Bangladesh vẫn nắm trong tay nhiều cơ hội phục hồi giá nhờ quan hệ thương mại lâu dài được thiết lập tại thị trường chủ chốt như châu Âu và Anh. Những mối quan hệ này được xây dựng bằng sự tin cậy và chất lượng ổn định theo thời gian, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì mức giá tương đối cao cho các sản phẩm tôm sú Bangladesh. Nhiều công ty nhập khẩu ở châu Âu đã quá quen thuộc với đối tác ở Bangladesh và sẵn sàng trả giá cao, bất kể giá cả thị trường luôn biến động.
Bangladesh cũng có lợi thế lớn tại thị trường châu Âu khi được hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP+) của EU với thuế nhập khẩu giảm xuống 0. Do đó, tôm Bangladesh khá cạnh tranh trên thị trường châu Âu, đặc biệt là các sản phẩm cỡ trung bình (16/20 đến 36/40). Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Bangladesh chỉ có thể cung cấp một lượng hạn chế tôm cỡ lớn hơn, vì hệ thống quảng canh của họ không thể sản xuất được loại tôm này. Do đó, nhiều hãng xuất khẩu Bangladesh phải tìm nguồn tôm cỡ lớn từ các trại bán thâm canh.
Làn sóng gia tăng xuất khẩu tôm sú gần đây của Ấn Độ báo hiệu thách thức lẫn cơ hội cho ngành tôm Bangladesh. Sự dịch chuyển của Ấn Độ sang tôm sú thoạt nhìn có vẻ bất lợi cho Bangladesh. Tuy nhiên, Ấn Độ hướng sang thị trường mới nổi như Trung Quốc và Nhật Bản đã thúc đẩy sự tăng trưởng phân khúc tôm sú tại khu vực này. Nhờ đó, tôm sú Bangladesh cũng được hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao và khả năng tiếp cận thị trường rộng mở.
Các nhà xuất khẩu tôm của Bangladesh vẫn đang gặp rất nhiều thách thức khi tiếp cận thị trường và thực hiện mục tiêu ưu tiên truy xuất nguồn gốc, chất lượng và chứng nhận bền vững. Trước đây, chỉ các hãng bán lẻ của châu Âu quan tâm đến những tiêu chí này, nhưng ngày nay, tất cả chuỗi dịch vụ thực phẩm cũng đặt yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Do đó, chính phủ Bangladesh đã nỗ lực thực hiện chiến dịch thúc đẩy chương trình chứng nhận bền vững của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC). Tuy nhiên, mục tiêu đạt chứng nhận ASC đầu tiên cho sản phẩm tôm Bangladesh vào năm 2020 đã thất bại do rào cản COVID-19 và nhiều vấn đề khác. Không bỏ cuộc, Bangladesh vẫn tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận thị trường thông qua Dự án cải tiến nuôi trồng thủy sản (AIPs) nhằm hỗ trợ các trang trại quy mô vừa và nhỏ áp dụng biện pháp thực hành phù hợp để đạt chứng nhận ASC.
Ngoài ra, chính quyền Bangladesh cũng khuyến khích nông dân làm việc trực tiếp với nhà máy chế biến, từ đó góp phần cải thiện đáng kể chất lượng tôm. Cùng đó, hàng loạt trại nuôi cũng được hỗ trợ áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc nâng cao để đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu.
Theo Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH), mô hình nuôi tôm sú quảng canh giúp các doanh nghiệp thủy sản giảm đáng kể lượng khí thải tương đương carbon dioxit (CO2e). Hiện các mô hình nuôi tôm quảng canh ở Bangladesh đã giảm thiểu thức ăn công nghiệp và tiêu thụ năng lượng, nhờ đó, sản phẩm tôm thương phẩm có thể thỏa mãn các tiêu chí về thân thiện khí hậu do phía đối tác châu Âu yêu cầu.
Vũ Đức
(Theo Globalseafood)