Cuối tháng qua, thông tin “banh lông ăn ngon, bổ dưỡng”, thậm chí “banh lông chữa bệnh”, lan truyền rộng rãi dân gian và trên mạng, khiến giá loài hải sâm này tăng cao. Thực hư chuyện này như thế nào?
Cuối tháng qua, thông tin “banh lông ăn ngon, bổ dưỡng”, thậm chí “banh lông chữa bệnh”, lan truyền rộng rãi dân gian và trên mạng, khiến giá loài hải sâm này tăng cao. Thực hư chuyện này như thế nào?
Chờ thẩm định giá trị
Banh lông là một loại động vật biển thuộc nhóm hải sâm hay đỉa biển (lớp Holothuroidea), sống nhiều ở vùng nước mặn. Nước ta chưa xác định được có bao nhiêu loài, nhưng ở Singapore các nhà khoa học đã xác định được 36 loài đỉa biển có hình dạng và màu sắc khác nhau, đa số có hình dạng dài như quả dưa chuột hoặc xúc xích nên còn gọi là “Sea cucumbers”. Với banh lông, sở dĩ có tên này vì hình dạng chúng tròn như “trái banh”, tên thương mại gọi là “Ball sea cucumbers, Phyllophorus spp”.
Trong thực tế, banh lông chứa nhiều axít amin, hợp chất glycoside triterpene, phylinopside E (PE), chondroitin sulfate, mucopolysaccharides, chondroitin và glucosamin, nhiều axít béo chưa no như axít arachidonic. Những năm qua, một số nghiên cứu về thành phần của banh lông đã được công bố trên các tạp chí khoa học, nhưng cần lưu ý các nghiên cứu này mới chỉ ở mức độ đơn lẻ và được thực hiện bởi các nhà khoa học của các nước đang phát triển.
Cụ thể, tháng 8.2005 trên tạp chí Cancer Biology & Therapy, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết chất PE trong banh lông ức chế sự hình thành mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng cho khối u. Điều này giúp ngăn chặn sự tăng trưởng và phát triển của các khối u, mà đó là nguy cơ gây ung thư trong cơ thể của con người.
Trước đó, tháng 9.1996, các nhà khoa học Brazil công bố trên Journal of Biological Chemistry chất chondroitin sulfate có tác dụng chống đông, qua đó giúp ngăn chặn sự hình thành cục máu đông trong mạch máu, ngăn ngừa chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ tim, đột quỵ não và tử vong.
Mới nhất, vào tháng 10.2011, trong quyển Marine Drugs các nhà khoa học Malaysia cho rằng các thành phần như mucopolysaccharides, chondroitin và glucosamin trong banh lông có tác dụng giảm viêm mạnh, như thế sẽ tốt cho bệnh nhân mắc chứng viêm khớp cấp và mạn tính.
Qua kết quả kiểm nghiệm trên các loài đỉa biển kể cả banh lông, người ta thấy chúng đều có chứa chất độc, do đó cần phải chế biến thật kỹ và đúng cách trước khi ăn. Ảnh: TL
Cẩn thận khi ăn banh lông
Nhiều người thường nghĩ “thiên nhiên là vô hại”, banh lông là nguồn thực phẩm từ thiên nhiên, được đánh bắt từ lòng biển để phục vụ con người, vì thế banh lông chắc chắn vô hại, thậm chí rất bổ dưỡng, nhưng quan niệm này chưa chắc đúng!
Thật vậy, người Trung Quốc thường dùng banh lông để chế biến các món ăn ngon và cao cấp, tuy nhiên qua kết quả kiểm nghiệm trên các loài đỉa biển kể cả banh lông, người ta thấy chúng đều có chứa chất độc, do đó cần phải chế biến thật kỹ và đúng cách trước khi ăn. Các độc tố này hiện diện trên lớp da gai bên ngoài và kể cả bên trong, vì thế có cảnh báo sau khi đánh bắt nó xong, người ta cần phải rửa tay thật sạch và kỹ, vì chất độc này kích ứng da rất nghiêm trọng. Nếu độc tố tiếp xúc qua vết thương, chúng có thể gây buồn nôn, nôn mửa và sưng tấy, tê môi, lưỡi, mặt và nặng hơn có thể gây co cơ, tê liệt hô hấp và ngưng thở. Một số khác còn gây hiện tượng nhiễm độc histamin là tụt huyết áp, đau đầu, nhịp tim nhanh, khó thở, nạn nhân cần được cấp cứu ngay. Trường hợp tiếp xúc với mắt, độc tố có thể gây mù.
Tóm lại banh lông hiện đang là một trong các loài hải sâm đang được quan tâm bởi nhiều giới khác nhau. Trong khi một số công ty dược phẩm cho rằng từ banh lông có thể điều chế ra thuốc thì dân gian lại tin đây là nguồn thức ăn bổ dưỡng, có lợi cho sức khoẻ, thậm chí chữa được bệnh tật. Với niềm tin dân gian này, chắc chắn giới mua bán hải sâm trên thị trường quốc tế sẽ hưởng lợi. Chẳng có gì lạ khi ở nước ngoài hải sâm được bán tại các cửa hàng… tạp hoá châu Á với giá không rẻ chút nào.
Tương tự thế, ở Việt Nam dường như thông tin “ăn banh lông chữa bệnh” được bơm lên để có lợi cho giới buôn bán. Trong khoa học, giá trị chỉ được khẳng định qua nhiều nghiên cứu và kết quả phải được lặp lại như nhau. Còn trong đời thường, giá trị lại được khẳng định dễ dàng chỉ qua vài lời đồn thổi.