(TSVN) – Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản kịp thời, phù hợp, hiệu lực, hiệu quả cao và đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã nghiên cứu và cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện trạng về quản lý nhà nước ngành. Đồng thời, trên cơ sở dự báo các điều phát triển trong tương lai để đề xuất các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản.
Tóm tắt
Ngành thủy sản Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua, đặc biệt là cộng đồng cư dân ven biển. Trong đó, quản lý nhà nước về thủy sản luôn đóng vai trò quan trọng, then chốt để đảm bảo ngành phát triển đúng hướng, đạt được các mục tiêu đề ra.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản là đòi hỏi tất yếu và khách quan để phù hợp với sự phát triển của trình độ và lực lượng sản xuất của mỗi giai đoạn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện trạng về quản lý nhà nước ngành, đồng thời trên cơ sở dự báo các điều phát triển trong tương lai để đề xuất các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản kịp thời, phù hợp, hiệu lực, hiệu quả cao và đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững.
Có 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp được đề xuất cần tập trung trong giai đoạn tới, đó là: (1) Hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý; (2) Kiện toàn, củng cố cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản; (3) Phân cấp quản lý nhà nước về thủy sản; (4) Phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về thủy sản; (5) Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tăng cường trang bị thiết bị, phương tiện làm việc cho cơ quan, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản; (6) Công tác kiểm tra, thanh tra và Khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế.
Việt Nam có chiều dài bờ biển trên 3.260km, với vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2 và hơn 4.000 đảo, quần đảo trải dài dọc vùng biển của nước ta từ Bắc vào Nam; Biển nước ta có trữ lượng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng với 2.040 loài cá, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn rong biển và trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể….; Trong nội địa, hệ thống sông ngòi, hồ, đầm phá, ruộng trũng, đất ngập nước rất đa dạng phong phú trải dài từ Bắc vào Nam, đặc biệt tập trung rất lớn ở Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Với những lợi thế đó, Ngành Thủy sản đã không ngừng phát triển, khai thác lợi thế tiềm năng để sản xuất tạo ra giá trị lớn, có đóng góp quan trọng phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, đặc biệt là khu vực ven biển và vùng sâu, xa; bên cạnh đó, Ngành Thủy sản còn góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của tổ quốc.
Những kết quả to lớn đã đạt được trong giai đoạn vừa qua đã khẳng định vị trí quan trọng của Ngành Thủy sản trong nông nghiệp. Thành tựu đạt được nhờ sự định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế tham gia trực tiếp, gián tiếp để phát triển ngành. Trong đó, quản lý nhà nước về thủy sản đã giữ vai trò quan trọng để quản lý, định hướng, thúc đẩy sản xuất phát triển, thông qua các hoạt động cụ thể: tham mưu, tổ chức triển khai, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó nổi bật là: (i) cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật (từ luật, văn bản hướng dẫn luật, chương trình, chiến lược, quy hoạch, đề án) đã được cấp có thẩm quyền ban hành làm căn cứ để quản lý Ngành Thủy sản; (ii) thị trường xuất khẩu thủy sản được mở rộng; (iii) các chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng tốt, đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng chung của Ngành Nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung; (iv) giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý tốt các vấn đề nóng về chính trị, kinh tế xã hội của quốc gia như: xử lý sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty Formusa gây ra; gỡ Thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU; tổ chức thực hiện hiệp định nghề cá Việt Nam – Trung Quốc; tham gia đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam….. Cơ cấu kinh tế thuỷ sản tiếp tục đổi mới theo hướng tăng nhanh công nghiệp, dịch vụ ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới, kết cấu hạ tầng được tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng tham gia phát triển thuỷ sản ngày càng được cải thiện.
Hiện tại, các văn bản quy phạm pháp luật quản lý, điều hành Ngành Thủy sản cơ bản đã được ban hành, đặc biệt các Chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách quan trọng, có tính định hướng để phát triển ngành, trong đó Luật Thủy sản năm 2017 là cơ sở để các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện.
Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tại Trung ương là cấp Cục; cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương cơ bản là cấp Chi cục (Chi cục Thủy sản) đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo chuyên ngành giữa Trung ương với địa phương.
Việc phân cấp giữa Trung ương với địa phương trong quản lý thủy sản được quy định tại Luật Thủy sản 2017 và Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật; các nhiệm vụ về quản lý đầu tư, xây dựng, kế hoạch, tài chính và điều tra quy hoạch, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ cơ bản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư để chủ động trong việc tổ chức thực hiện, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Áp dụng công nghệ thông tin, trang bị điều kiện làm việc cho cơ quan, công chức đã được tăng cường để hỗ trợ thực thi công vụ, một số phần mềm chuyên dụng đã được đưa vào sử dụng và quản lý, góp phần giảm được thời gian, tăng tính minh bạch, kịp thời trong thực thi công vụ.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế như: (1) Thể chế pháp lý kỹ thuật mặc dù đã được quan tâm xây dựng nhưng còn thiếu; một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; (2) Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cơ bản có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên cần được tiếp tục củng cố, tăng cường; (3) Phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản cần rà soát để đảm bảo phân cấp mạnh để tạo chủ động cho địa phương và các cơ quan, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; (4) Nguồn nhân lực quản lý nhà nước về thủy sản còn thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều; (5) Việc áp dụng công nghệ thông tin, trang bị điều kiện, phương tiện làm việc cho cơ quan, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ trương của Chính phủ về tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước.
Một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước ngành cũng nổi lên trong những năm gần đây, đó là: Tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định còn tồn tại (IUU); công tác bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương chưa được chú trọng đúng mức; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; tổ chức triển khai thực hiện chính sách phát triển thủy sản chưa mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng gia tăng, khó dự báo tạo ra những thách thức không nhỏ, ảnh hướng tới sự phát triển bền vững của ngành, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi chiếm trên 70% sản lượng và giá trị xuất khẩu toàn ngành. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng để phát triển bền vững. Quá trình hội nhập tạo ra nhiều thách thức trong việc đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy tắc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc, cam kết về môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội. Phát triển thủy sản bền vững, có trách nhiệm là xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập. Ngành Thủy sản đang bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình bất ổn an ninh chính trị trên thế giới và biển Đông, dịch bệnh Covid–19 toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến lớn đến tình hình thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản.
Trước bối cảnh đó, “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản” là thực sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý ngành trong giai đoạn mới và góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nội dung mà “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra.
– Thu thập các thông tin, tư liêu liên quan đến quản lý nhà nước về thủy sản từ cấp Trung ương đến địa phương.
– Khảo sát, điều tra, phỏng vấn để xác định nhưng khó khăn, bất cập, vướng mắc và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản ở các cấp.
– Tổ chức hội thảo, tham vấn các bên liên quan, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, thành phần kinh tế.
– Tổng hợp, phân tích, đánh giá đề xác định mục tiêu, các nội dung, nhiệm vụ ưu tiên đến năm 2030.
3.1.1. Hệ thống văn bản pháp luật
Hệ thống văn bản quản lý về thủy sản cơ bản đã được xây dựng, ban hành; Luật Thủy sản năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2003 đã được rà soát, điều chỉnh tại Luật Thủy sản năm 2017.
Đến năm 2022, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Ngành Thuỷ sản gồm 115 văn bản, trong đó có: 20 Luật, Bộ luật; 28 Nghị định của Chính phủ; 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 07 Thông tư liên tịch giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành khác; 45 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 05 văn bản khác là Quyết định của Bộ trưởng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả rà soát cho thấy tổng số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp hoặc văn bản có nội dung bất cập, không phù hợp với thực tiễn, khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện: 31/115 văn bản, trong đó:
– Có 03/31 văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với luật, bộ luật, nghị quyết của Quốc hội.
– Có 28/31 văn bản có nội dung bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn triển khai thực hiện.
3.1.2. Về chiến lược, quy hoạch, đề án, chương trình và các chính sách phát triển ngành
– Chiến lược, quy hoạch, đề án, chương trình và các chính sách phát triển ngành thủy sản đã được các cấp có thẩm quyền ban hành, là cơ sở, căn cứ quan trọng để quản lý Ngành Thủy sản, cụ thể: Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng 2030 (Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015); Quy hoạch phát triển thủy sản, quy hoạch phát triển chuyên ngành; Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1434/QĐ-TTg ngày 22/9/2017); Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 (Quyết định 188/QĐ-TTg ngày 13/2/2012); Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013); Đề án bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 (Quyết định 485/QĐ-TTg ngày 2/5/2008); Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản (Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 01/3/2013); Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025 (Quyết định 79/QĐ-TTg); Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 (Quyết định 78/QĐ-TTg); Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và 02 Nghị định sửa đổi (Nghị định số 89/2015/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP); Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa…
– Một số chương trình, dự án đang xây dựng: Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030, định hướng 2045; Đề án thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025 để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển đạt 3% diện tích vùng biển tự nhiên của việt nam và nhiều chương trình, đề án, dự án khác sẽ tiếp tục xây dựng để phát triển ngành thủy sản đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển ngành.
3.1.3. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn; định mức kinh tế kỹ thuật
a. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn
Hiện nay, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực thuỷ sản đang được áp dụng là 56 TCVN, QCVN, trong đó:
Có 24 TCVN, QCVN về giống và kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; 11 TCVN, QCVN về thức ăn và chất bổ sung thức ăn; 03 TCVN, QCVN về sản phẩm xử lý môi trường; 13 TCVN về khai thác, bảo vệ nguồn lợi và bảo quản sản phẩm trên tàu cá; 02 QCVN phân cấp đóng tàu cá và trang bị an toàn tàu cá; 01 TCVN về dịch vụ hậu cần thủy sản; 02 TCVN về thực phẩm thủy sản.
b. Định mức kinh tế kỹ thuật
Hiện nay, các định mức kinh tế kỹ thuật lĩnh vực thuỷ sản đang được áp dụng là 09 định mức kinh tế – kỹ thuật, trong đó:
03 Định mức kinh tế – kỹ thuật về giống gốc thuỷ sản, lưu giữ sản xuất giống gốc thuỷ sản, sản xuất ương dưỡng giống thuỷ sản; 01 Định mức kinh tế – kỹ thuật về khảo nghiệm giống thuỷ sản, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản và kiểm định giống thuỷ sản; 01 Định mức kinh tế – kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ với tàu vỏ thép; 01 Định mức kinh tế – kỹ thuật tạm thời quản lý hệ thống giám sát tàu cá; 01 Định mức kinh tế – kỹ thuật tạm thời xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thuỷ sản; 01 Định mức kinh tế – kỹ thuật thạm thời duy trì thông tin tuyên truyền về lĩnh vực thuỷ sản trên trang tin điện tử của Tổng cục Thuỷ sản và ấn phẩm thông tin thuỷ sản; 01 Định mức kinh tế – kỹ thuật trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực Thủy sản.
3.2.1. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành thủy sản hiện nay
a. Tại trung ương
– Theo Nghị định số 105/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về thủy sản (nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và kiểm ngư) trên phạm vi cả nước.
– Mặc dù không quản lý tập trung thống nhất 100% các nhiệm vụ tại Trung ương, có phân cấp một số nhiệm vụ cho địa phương, nhưng Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư là cơ quan tham mưu, trực tiếp quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, trọng yếu phát triển ngành. Chi cục Thủy sản địa phương, kiểm ngư địa phương chịu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ từ Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư.
a.2. Một số cơ quan khác có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về thủy sản
– Ngoài các nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản do Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư chịu trách nhiệm; một số nhiệm vụ khác như quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thuỷ sản, thú y thuỷ sản, kiểm dịch thức ăn thuỷ sản nguồn gốc động vật và kiểm dịch thức ăn thuỷ sản nguồn gốc thực vật, xúc tiến thương mại thuỷ sản ... được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường; Cục Thú y; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Kinh tế hợp tác.
– Như vậy nhiệm vụ quản lý chỉ đạo, điều hành theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản đang được giao cho nhiều cơ quan trong Bộ cùng tham mưu, tổ chức thực hiện.
b. Tại địa phương
b.1. Cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh/thành phố
Thực hiện Thông tư 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đến nay có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị sự nghiêp trực thuộc Sở theo hướng dẫn của liên Bộ, của Bộ (riêng tỉnh Điện Biên chưa kiện toàn tổ chức theo Thông tư 15/2015/TT-BNNPTNT; đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNNPTNT-BNV).
Theo đó, lĩnh vực thủy sản hiện nay ở 63 tỉnh/thành phố phần lớn là tập trung về Chi cục Thủy sản (40/63 tỉnh/thành phố thành lập Chi cục Thuỷ sản bao gồm 28 tỉnh ven biển và 12 tỉnh nội đồng); các tỉnh/thành phố còn lại lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản nằm trong Chi cục Chăn nuôi và Thú y hoặc Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hoặc Chi cục Trồng trọt, chăn nuôi hoặc Chi cục Nông nghiệp hoặc Phòng Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b.2. Một số cơ quan có liên quan khác
– Hiện tại quản lý nhà nước về thủy sản tại địa phương (quản lý chất lượng, thú y thuỷ sản, chế biến, thương mại) đang giao cho một số đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chưa tập trung vào đầu mối. Có chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ về an toàn thực phẩm giữa Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Qua khảo sát một số Chi cục Thuỷ sản đề nghị chuyển nhiệm vụ quản lý thú y thuỷ sản về Chi cục Thuỷ sản để quản lý theo chuỗi.
– Ban Quản lý cảng cá: (i) Cả nước quy hoạch có 125 cảng cá, trong đó có 92/125 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp với tổng công suất khoảng 1,8 triệu tấn thủy sản qua cảng/năm. Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, đến nay mới có 68 cảng cá được công bố mở cảng theo quy định, các cảng cá còn lại đang trong quá trình xây dựng hoặc hiện tại chưa đủ điều kiện thực hiện việc công bố mở cảng theo quy định của Luật Thủy sản 2017; (ii) Cơ bản Ban Quản lý cảng cá do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; tuy nhiên có cảng cá do UBND cấp huyện quản lý hoặc do tư nhân là chủ đầu tư quản lý.
– Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: (i) Cả nước hiện nay có 83 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó có 71 khu neo đậu tránh trú bão đã được đầu tư với tổng công suất neo đậu khoảng 47.882 tàu; (ii) Khu neo đậu tránh trú bão thường kết hợp với cảng cá với mô hình quản lý như Ban Quản lý cảng cá trong trường hợp không có bão. Trường hợp có bão thì Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai của địa phương trưng dụng chủ trì, hoặc phối hợp với Ban Quản lý cảng cá để điều hành, chỉ đạo công tác phòng chống bão.
– Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá (một số địa phương thành lập Tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá) đã thành lập tại 49 cảng cá chỉ định do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố để tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cập bến, xuất bến làm cơ sở để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc khai thác hải sản theo quy định. Mặc dù số lượng nhân sự hạn chế, điều kiện làm việc còn rất nhiều khó khăn, phương tiện quản lý, giám sát còn thiếu nhiều, nhưng hiệu quả hoạt động được các đoàn kiểm tra về chống khai thác IUU của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, hoạt động của Văn phòng đã góp phần tích cực trong tiến trình giỡ thẻ vàng IUU tại địa phương. Do đó, cần thiết phải củng cố địa vị pháp lý và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để Văn phòng hoạt động có hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
– Ban quản lý khu bảo tồn biển là đơn vị sự nghiệp công lập có vai trò, vị trí quan trọng trong công tác bảo tồn biển. Hiện nay, cả nước có 06 Ban quản lý khu bảo tồn biển (Bạch Long Vĩ-Hải Phòng; Cồn Cỏ-Quảng Trị; Cù Lao Chàm-Quảng Nam; Lý Sơn-Quảng Ngãi; Vịnh Nha Trang-Khánh Hòa; Hòn Cau-Bình Thuận) và 05 Ban quản lý Vườn quốc gia có quản lý hợp phần biển (VQG Bái Tử Long; Cát Bà; Núi Chúa; Côn Đảo; Phú Quốc).
3.2.1. Nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, không phân cấp cho địa phương:
Về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Điều 9 Nghị định số 26): Cấp văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Về nuôi trồng thủy sản
– Nhập khẩu, xuất khẩu giống thủy sản (Điều 27 Luật Thủy sản): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm; xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất giống thủy sản tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (Điều 34 Luật Thủy sản): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
– Nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản (Điều 98 Luật Thủy sản).
– Quản lý khảo nghiệm giống thuỷ sản (Điều 26 Nghị định 26): tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký khảo nghiệm giống thuỷ sản và phê duyệt đề cương khảo nghiệm giống thuỷ sản.
– Quản lý khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (Điều 32 NĐ 26): tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký khảo nghiệm và phê duyệt đề cương khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Về khai thác thủy sản
Khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam (Điều 53 Luật Thủy sản): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận đối với tàu cá khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc cấp phép đối với khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực.
Về quản lý tàu cá
– Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam (Điều 56 Luật Thủy sản): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
– Khai thác thủy sản bất hợp pháp (Điều 60 Luật Thủy sản): Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc công bố danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.
– Xuất khẩu tàu cá, nhập khẩu tàu cá, thuê tàu trần (Điều 66 Luật Thủy sản): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nhập khẩu tàu cá để khai thác thủy sản; cấp phép thuê tàu trần.
– Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá (Điều 69 Luật Thủy sản): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá; định kỳ 24 tháng thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở.
– Cấp phép xuất khẩu loài thủy sản theo Điều 70 Nghị định 26.
3.3.2. Nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Trung ương, phân cấp một phần cho địa phương
Về bảo vệ và phát triển nguồn lợi
– Thành lập khu bảo tồn biển (Điều 16 Luật Thủy sản):
+ Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn biển có diện tích thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
+ Địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn biển có diện tích thuộc địa bàn quản lý sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 17 Luật Thủy sản):
+ Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, xác định, ban hành danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước.
+ Địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định bổ sung khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, bổ sung danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
– Thẩm quyền thành lập quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Điều 21 Luật Thủy sản):
+ Trung ương: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập quỹ ở trung ương.
+ Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập quỹ ở cấp tỉnh căn cứ nhu cầu và nguồn lực huy động của địa phương.
Về nuôi trồng thủy sản
– Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (Điều 25 Luật Thủy sản):
+ Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đối với giống thủy sản bố mẹ.
+ Địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn, trừ đối tượng trung ương quản lý.
– Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (Điều 34 Luật Thủy sản):
+ Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
+ Địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp trung ương quản lý.
– Cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển (Điều 39 Luật Thủy sản):
+ Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý.
+ Địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân trong phạm vi vùng biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý.
Về khai thác thủy sản
– Quản lý vùng khai thác thủy sản (Điều 48 Luật Thủy sản)
+ Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khai thác thủy sản tại vùng khơi.
+ Địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng và khai thác thủy sản nội địa trên địa bàn.
– Hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển (Điều 49 Luật Thủy sản):
+ Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
+ Địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý.
– Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản (Điều 51 Luật Thủy sản).
+ Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.
+ Địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản, trừ trường hợp trung ương cấp.
Về quản lý tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá
– Quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (Điều 69 Luật Thủy sản).
+ Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp quốc gia; công bố và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; quản lý hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp quốc gia theo quy định của pháp luật; công bố mở, đóng cảng cá loại I.
+ Địa phương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố mở, đóng cảng cá loại II, III.
– Quản lý hệ thống giám sát tàu cá (Điều 44 Nghị định 26).
+ Trung ương: Thống nhất quản lý hệ thống giám sát tàu cá và dữ liệu giám sát tàu cá toàn quốc, quản trị hệ thống và phân cấp cho địa phương khai thác dữ liệu giám sát tàu cá, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên.
+ Địa phương: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát tàu cá của tỉnh, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét.
Về kiểm ngư (Điều 89 Luật Thủy sản)
– Trung ương: Kiểm ngư trung ương thuộc giúp Chính phủ quản lý nhà nước về kiểm ngư.
– Địa phương: Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.
3.4.1. Nguồn nhân lực tại các cơ quan Trung ương
Hiện tại cả hai cơ quan (Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao tổng số 220 biên chế công chức; 149 biên chế sự nghiệp và 132 chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Tính đến tháng 12/2022, tổng số công chức, viên chức, người lao động của Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư là: 426 người, trong đó: công chức: 193 người; viên chức: 109 người; hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP: 91 người; Hợp đồng khác: 33 người.
Về chất lượng
– Ngạch công chức: Chuyên viên cao cấp và tương đương: 03 người (01%); Chuyên viên chính và tương đương: 32 người (10,7%); Chuyên viên và tương đương: 119 người (39,8%); Cán sự và tương đương: 34 người (11,4 %); Nhân viên và tương đương: 111 người (37,1%).
– Học hàm: Phó Giáo sư: 01 người (0,3%).
– Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ: 11 người (3,7%); Thạc sĩ: 56 người (18,7%); Đại học: 119 người (39,8%); Cao đẳng: 27 người (9%); khác: 86 người (28,8%).
– Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân: 38 người (12,7%); Trung cấp: 27 người (9%); Sơ cấp: 234 người (78,3%).
– Độ tuổi: Từ 30 trở xuống: 74 người (24,7%); từ 31-40 tuổi: 116 người, (38,8%); từ 41-50 tuổi: 87 người (29,1%); từ 51-60 tuổi: 22 người (7,4%).
Chất lượng viên chức, hợp đồng lao động tại đơn vị sự nghiệp cụ thể như sau:
– Chức danh nghề nghiệp viên chức: Hạng I: 02 người (1,3 %); Hạng II: 5 người (3,3%); Hạng III: 102 người (67,5%); Hạng IV: 5 người (3,3 %); Hạng V: 7 người, (4,6 %).
– Học hàm: 0 người (0 %).
– Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ: 2 người (1,3%); Thạc sĩ: 45 người (29,8%); Đại học: 88 người (58,3%); Cao đẳng: 1 người (0,7%); khác: 5 người (3,3%).
– Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân: 10 người (6,6%); Trung cấp: 8 người (5,3%); Sơ cấp: 108 người (71,5%).
+ Độ tuổi: Từ 30 trở xuống: 16 người (10,6%); từ 31-40 tuổi: 87 người, (57,6%); từ 41-50 tuổi: 28 người (18,5%); từ 51-60 tuổi: 10 người (6,64%).
Các đơn vị có liên quan
– Cục Thú y: Hiện tại có 5 công chức theo dõi lĩnh vực thủy sản, trong đó có 2 chuyên viên chính và 3 chuyên viên. 4 công chức trình độ thạc sĩ và 1 công chức trình độ đại học. 100% công chức có chuyên môn về thủy sản.
– Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường: Có 11 công chức theo dõi thủy sản, 100% có trình độ đại học trở lên và có chuyên môn về thủy sản.
3.4.2. Nguồn nhân lực quản lý nhà nước thủy sản địa phương
– Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến tháng 10/2022, tổng số công chức, viên chức trực tiếp tham gia quản lý thuỷ sản ở các cơ quan quản lý địa phương 63 tỉnh/thành phố là 2.003 người, tập trung vào các ngành: khai thác thủy sản (14,5)%, nuôi trồng thủy sản (29,5%), chế biến và thương mại thủy sản (2,5%), Dịch vụ hậu cần nghề cá (12,5%) và chuyên ngành khác (41%)..
– Nguồn nhân lực quản lý nghề cá ở cấp huyện, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) và cấp xã phần lớn là kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, tỷ lệ cán bộ có chuyên môn, được đào tạo về thủy sản tham gia theo dõi quản lý hoạt động thủy sản ở cấp huyện, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh, thành phố) và cấp xã chiếm tỷ lệ rất thấp.
– Nhân lực tại các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá trung bình có từ 5 đến 6 người, đều là công chức, viên chứ kiêm nhiệm từ Chi cục Thủy sản, Thanh tra thủy sản, Biên phòng và Ban quản lý cảng cá.
– Số lượng biên chế tại các khu Bảo tồn biển khoảng 500 người, trong đó làm công tác bảo tồn biển trực tiếp tại BQL khoảng 120 người, bình quân mỗi KBTB/VQG có hợp phần biển có từ 7 – 10 biên chế làm công tác bảo tồn biển. Với nguồn nhân lực như hiện tại khó đáp ứng yêu cầu quản lý.
– Nguồn nhân lực thú y thủy sản và quản lý chất lượng thủy sản địa phương tại các Chi cục và các cơ quan quản lý địa phương thường kiểm nhiệm, thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ và hầu hết là thiếu về số lượng so với nhu cầu thực tế.
Về chất lượng
– Về trình độ chuyên môn: công chức, viên chức quản lý thuỷ sản ở các địa phương có trình độ khá cao, trong đó, tiến sĩ 0,16%, thạc sĩ 14,11%, đại học 68,81%, cao đẳng 3,61%, trung cấp 4,55% và trình độ khác 8,78%. Trình độ đào tạo chung trong 500 cán bộ tham gia bảo tồn được thống kê: 6,4% trên đại học; 34,8% đại học và 43% trình độ dưới đại học.
– Về trình độ chính trị: Công tác đào tạo, học tập nâng cao trình độ chính trị chủ yếu tập trung vào đội ngũ lãnh đạo quản lý. Cán bộ được đào tạo cao cấp chính trị chiếm 6,5%, cán bộ có trình độ trung cấp chiếm 25,3%, cán bộ có trình độ sơ cấp chiếm 24,3% và cán bộ chưa được đào tạo chiếm 43,9% trong tổng số cán bộ quản lý của 28 tỉnh/thành phố ven biển.
– Về độ tuổi và giới tính: Độ tuổi trung bình của công chức, viên chức quản lý thuỷ sản ở 28 tỉnh/thành phố còn khá trẻ. Công chức, viên chức có độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm 6,6%, cán bộ ở nhóm tuổi 30-40 chiếm 49,6%, cán bộ ở nhóm tuổi 40-50 chiếm 26,1% và nhóm trên 50 tuổi chiếm 17,7% trong tổng số cán bộ quản lý; tỷ lệ cán bộ nam/nữ là 73,7/26,3.
– Nhân lực quản lý nhà nước về thuỷ sản ở các địa phương phần lớn thiếu về số lượng, chưa đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là còn thiếu đội ngũ công chức, viên chức có kinh nghiệm và có trình độ chất lượng cao. Nguyên nhân do cơ chế tinh giảm biên chế, thu gọn bộ máy quản lý, trong khi đó khối lượng công việc ngày càng tăng; ngoài ra nguồn kinh phí để cử cán bộ đi đào tạo nâng cao chất lượng còn ít và thiếu. Các BQL KBTB/VQG thiếu nhân sự có chuyên môn sâu về sinh học biển và quản lý bảo tồn biển để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu chuyên sâu, quan trắc về chất lượng nước, đa dạng sinh học.
3.5.1. Tại cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản ở trung ương
a.1. Phần mềm để chỉ đạo, quản lý điều hành và thực hiện thủ tục hành chính
Đến năm 2022, Cục Thuỷ sản và Cục Kiểm ngư đang áp dụng phần mềm Văn phòng điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ yếu khai thác các module quản lý văn bản đi, quản lý văn bản đến, quản lý nhiệm vụ giao ban); Văn phòng điện tử (chủ yếu khai thác các module: lập kế hoạch công tác, quản lý nhiệm vụ giao ban, tin nhắn nội bộ, danh bạ điện thoại).
Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về thủy sản được thực hiện theo phần mềm Hải quan điện tử quốc gia (đối với TTHC cấp độ 4), phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ (đối với TTHC cấp độ 3,4) và phần mềm quản lý thủ tục hành chính một cửa tại đơn vị (đối với TTHC cấp độ 2).
a.2. Phầm mềm, cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành
– Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản: Đang triển khai áp dụng 04 phần mềm/cơ sở dữ liệu để quản lý, gồm: (i) Phần mềm Cơ sở dữ liệu giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản); (ii) Phần mềm cơ sở dữ liệu về nuôi trồng thuỷ sản (thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản); (iii) Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu và phản hồi kết quả quan trắc môi trường thủy sản; (iv) Phần mềm Cơ sở dữ liệu cá tra.
– Lĩnh vực khai thác thuỷ sản: Hiện tại đã và đang triển khai áp dụng 04 phần mềm/cơ sở dữ liệu để quản lý, gồm: (i) Phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase); (ii) Hệ thống chứng nhận nguồn gốc điện tử phục vụ công tác chứng nhận và xác nhận theo quy định; (iii) Hệ thống giám sát tàu cá; (iv) Phần mềm Cơ sở dữ liệu về Chế biến và thị trường thủy sản.
– Lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản
Hiện tại đã và đang triển khai áp dụng phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu điều tra đa dạng sinh học, nguồn lợi, hải dương học và nghề cá biển. Phần mềm được thiết kế là một bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản được quy định tại Thông tư 24/2018/TT-BNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đáp ứng được nhu cầu lưu giữ dữ liệu trong lĩnh vực điều tra đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, môi trường, hải dương học và nghề cá để phục vụ công tác tham mưu quản lý. Các bộ chỉ số quản lý nghề cá được thiết kế, tính toán tự động cho ra các kết quả báo cáo phục vụ công tác tham mưu, quản lý nghề cá. Thao tác nhanh, kịp thời mọi lúc mọi nơi, có nhiều tùy chọn khác nhau đáp ứng nhu cầu của người dùng. Dữ liệu phong phú, được tập hợp từ dự án điều tra tổng thể và biến động nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020, có độ tin cậy và chính xác cao.
3.5.2. Tại địa phương
Các địa phương áp dụng, khai thác phần mềm quản lý chuyên ngành do Cục Thuỷ sản quản lý, phân cấp cho địa phương. Ngoài ra, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các phần mềm riêng để chỉ đạo, điều hành, thống kê dữ liệu.
– Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản được xây dựng, ban hành kịp thời phục vụ công tác quản lý và thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, cũng còn một số văn bản dưới luật không còn phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn, do đó cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh.
– Việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, chính sách được thực hiện kịp thời để phục vụ chỉ đạo và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc phổ biến, giám sát, bố trí nguồn lực, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện còn hạn chế.
– Chưa xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong thủy sản về: thu gom, xử lý nước thải, rác thải; hạ tầng phục vụ nuôi biển; khu phức hợp thủy sản; trung tâm hậu cần nghề cá; hệ thống kho lạnh để lưu trữ và bảo quản sản phẩm… do đó cần được tiếp tục nghiên cứu xây dựng.
– Mô hình cơ quan quản lý thủy sản cấp Trung ương là Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn; tại địa phương là Chi cục Thuỷ sản, Kiểm ngư địa phương là phù hợp.
– Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản được giao cho nhiều đơn vị thực hiện, chưa tập trung một đầu mối nên có những khó khăn nhất định trong việc điều hành, chỉ đạo sản xuất.
– Tại các tỉnh, thành phố trong nội đồng đang tồn tại mô hình quản lý nhà nước về thủy sản khá phức tạp. Hình thức tổ chức, bộ máy quản lý tại cảng cá có nhiều mô hình quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá khác nhau ở các địa phương, chưa có sự thống nhất chung.
– Một số địa phương thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đã phát huy được vai trò quản lý nhà nước tại cảng để chống khai thác IUU; tuy nhiên vị trí pháp lý của Văn phòng cần được củng cố nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư, nâng cao năng lực quản lý.
– Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan đến thủy sản ở các cơ quan Trung ương và giữa các cơ quan ở địa phương nhìn chung đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn một số nơi chưa chặt chẽ, chưa kịp thời trong công tác chỉ đạo, quản lý.
– Nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản giữa Trung ương và địa phương được phân cấp cụ thể theo Luật Thủy sản năm 2017 là phù hợp. Tuy nhiên sau 05 năm thi hành Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản dưới luật cần thiết phải tổng kết, đánh giá hiệu lực hiệu quả để đề xuất sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn sản xuất và yêu cầu quản lý Ngành.
– Nguồn nhân lực quản lý thuỷ sản ở Trung ương còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Công chức, viên chức chuyên môn, chuyên ngành được đào tạo cơ bản (hầu hết có trình độ từ đại học trở lên). Tuy nhiên kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều cần được luân chuyển địa phương để nâng cao khả năng tham mưu, chỉ đạo sản xuất thủy sản.
– Khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, trong tham gia các hội nghị, hội thảo và đàm phán quốc tế còn rất hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế.
– Thiếu các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao quản lý nhà nước về thủy sản. Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực tôm và Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động nghiên cứu nguồn lợi và tổ chức khai thác hải sản trên biển giai đoạn 2020-2030.
– Các phần mềm quản lý chuyên ngành thủy sản đã được quan tâm đầu tư xây dựng; cơ bản đã vận hành và phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho việc quản lý, điều hành sản xuất từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên một số phần mềm còn hạn chế về chức năng, bất cập trong khai thác sử dụng. Việc tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản còn chưa đồng bộ, cần tiếp tục nâng cấp, tích hợp. Còn thiếu một số phần mềm quản lý chuyên ngành.
– Cơ sở dữ liệu quản lý ngành thủy sản theo thống kê có khoảng 13 nhóm cơ sở dữ liệu, tuy nhiên không được cập nhật, số liệu không đảm bảo mức chi tiết và gần như không có giá trị tham khảo, chỉ đạo, điều hành.
4.1.1. Rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản thể chế pháp lý
– Rà soát, sửa đổi văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp.
– Triển khai tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng và ngay khi được ban hành; đánh giá, tổng kết việc triển khai, thực hiện các quy định để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
– Lập kế hoạch xây dựng, rà soát văn bản pháp luật hàng năm, 05 năm để kịp thời loại bỏ, sửa đổi những quy định không phù hợp hoặc bổ sung những quy định đang bỏ trống, xử lý các mâu thuẫn trong các quy định đang thực hiện.
4.1.2. Xây dựng mới, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án, đề án, chính sách phát triển thủy sản
– Hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án đang triển khai xây dựng.
– Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Xây dựng bộ tiêu chí và phổ biến, hướng dẫn để các địa phương thu thập thông tin, tư liệu làm cơ sở cho việc đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án và các chính sách về thủy sản.
– Tổ chức theo dõi, giám sát, đánh giá thường xuyên, định kỳ tình hình thực hiện, kết quả triển khai chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án và chính sách về thủy sản.
4.1.3. Rà soát, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn; định mức kinh tế kỹ thuật
Rà soát để thay thế, sửa đổi tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam, định mức kinh tế kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất và yêu cầu quản lý; xây dựng mới Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam, định mức kinh tế kỹ thuật, tập trung vào xây dựng đối với các đối tượng nuôi mới, có giá trị, có tiềm năng…, khu vực bến cá, cảng cá và khu neo đậu trách trú bão; khu vực thu gom xử lý chất thải, rác thải trong sản xuất; hệ thống kho lạnh; cơ sở hạ tầng nuôi biển,…
4.2.1. Tại Trung ương
– Sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp trung ương phù hợp với Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về thủy sản tại trung ương và địa phương; phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước và dịch vụ công.
– Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng thử nghiệm các mô hình quản lý nhà nước về thủy sản phù hợp với điều kiện của từng địa phương và xu thế quản lý nghề cá của các nước tiên tiến trên thế giới.
– Xây dựng và áp dụng các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công lĩnh vực thuỷ sản làm căn cứ tổng kết và nâng cao chất lượng dịch vụ công.
4.2.2. Tại địa phương
– Sắp xếp tổ chức, bộ máy quản lý thủy sản tại địa phương theo các quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, phù hợp với điều kiện của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị.
– Đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tổ chức quản lý ngành thủy sản tại địa phương để tổ chức, sắp xếp lại phù hợp với điều kiện thực tế trên nguyên tắc hiệu quả quản lý được cải thiện, nâng cao và toàn diện, đồng thời đảm bảo tinh gọn, không tăng số lượng biên chế. Đối với các tỉnh/thành phố có ngành thủy sản phát triển, đóng góp lớn về khối lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, tổ chức cơ quan quản lý nhà nước thủy sản chuyên trách, có đủ thẩm quyền và nguồn nhân lực theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; tại địa phương còn lại sẽ hình thành bộ phận chuyên môn để tham mưu, quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc thuộc Chi cục chuyên ngành với số lượng định biên và năng lực cán bộ theo đề án vị trí việc làm để đảm bảo đủ năng lực quản lý nhà nước chuyên ngành thủy sản.
– Quan tâm, bố trí, sắp xếp ít nhất 01 cán bộ có chuyên môn về thủy sản theo dõi, quản lý tại các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản ở cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ven biển và địa phương khác có ngành Thủy sản phát triển.
– Củng cố địa vị pháp lý văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định để thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng phục vụ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản xuất khẩu. Thành phần nhân sự và quy mô của văn phòng thực hiện theo các quy định liên quan, điều kiện thực tế của địa phương và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Tăng cường hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý khu bảo tồn biển; xây dựng và thực thi quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chuyên trách trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
– Thành lập kiểm ngư địa phương tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển theo Luật Thủy sản năm 2017 và Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
– Rà soát các văn bản phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương với địa phương và các đơn vị ở trung ương để điều chỉnh, bổ sung, điều chỉnh kịp thời, nhằm phát huy được năng lực quản lý nhà nước về thủy sản ở các cấp.
– Đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương về quản lý thủy sản phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, địa phương nhằm tăng cường sự chủ động trong bố trí nguồn lực, kinh phí và triển khai nhiệm vụ. Tăng cường phân cấp gắn liền với thanh tra, kiểm tra, giám sát, công tác hậu kiểm và trách nhiệm của người đứng đầu.
– Xây dựng danh mục vị trí việc làm, biên chế, số người làm việc dựa trên các quy định của pháp luật, điều kiện đặc thù về ngành thủy sản của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo cung cấp kiến thức toàn diện về quản lý nhà nước và kiến thức chuyên ngành thuỷ sản. Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý về thủy sản các kỹ năng tham mưu, xây dựng, tổ chức triển khai chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý nhà nước về thủy sản.
– Căn cứ các quy định pháp luật liên quan để xây dựng cơ chế thu hút cán bộ trẻ có trình độ cao tham gia công tác quản lý thủy sản bằng nhiều hình thức (thi tuyển, tiếp nhận không qua thi tuyển, xét tuyển); thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thủy sản.
– Xây dựng kế hoạch luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức thuộc các cơ quan quản lý thuỷ sản từ trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh về cấp huyện; luân chuyển, biệt phái giữa các cơ quan, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế, năng lực, sở trường của cá nhân và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Gắn đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch và bổ nhiệm. Đảm bảo đủ số lượng lãnh đạo quản lý các cấp để tham mưu, thực thi nhiệm vụ.
– Xây dựng các nhiệm vụ đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực khai thác thủy sản, kiểm ngư gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng lao động sau đào tạo; lựa chọn các sinh viên xuất sắc, có thành tích trong học tập, nghiên cứu để đào tạo, phát triển, tạo nguồn nhân lực quản lý trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản, kiểm ngư.
– Tăng cường cử cán bộ quản lý tham dự các hội thảo quốc tế, khảo sát nước ngoài, hợp tác nghiên cứu với các đối tác quốc tế, tham gia các mạng lưới và diễn đàn quốc tế chuyên ngành… nhằm chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về thuỷ sản và nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực hội nhập quốc tế.
– Thực hiện cơ cấu, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thủy sản theo vị trí việc làm, khung năng lực, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
– Đầu tư, kêu gọi, thu hút đầu tư để nâng cấp trang thiết bị, phương tiện làm việc cho cơ quan, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản.
– Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, tích hợp phần mềm, hệ cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành thủy sản gắn với việc phân cấp quản lý, truy cập khai thác, sử dụng phần mềm, hệ cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành thủy sản từ trung ương tới địa phương.
– Kế thừa, phát triển và đầu tư, mở rộng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện có để phục vụ quản lý phù hợp với xu thế chung của quản lý nghề cá hiện đại trong khu vực và trên thế giới.
– Huy động nguồn lực từ các nguồn hợp pháp, ODA,… để đầu tư, nâng cấp phần mềm, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ quản lý. Đảm bảo đầu tư đủ, dứt điểm, hoàn thiện từng hạng mục để khai thác hiệu quả nguồn đầu tư.
4.6.1. Công tác kiểm tra, thanh tra
– Tổ chức kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của các cơ quan chủ quản cấp trên đối với các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức, triển khai nhiệm vụ được phân công, phân cấp theo định kỳ và kế hoạch.
– Đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát chuyên ngành thủy sản để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
4.6.2. Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế
– Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế dài hạn để: hợp tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và phát triển thương mại thủy sản.
– Tổ chức tổng kết, đánh giá tác động, hiệu quả của các hoạt động hợp tác quốc tế thường xuyên, làm cơ sở xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế trung và dài hạn.
– Xây dựng chương trình phát triển khoa học công nghệ về thủy sản đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển chung của thủy sản trong khu vực và trên thế giới, đồng thời phù hợp với điều kiện và đặc thù thủy sản của Việt Nam.
– Nâng cao năng lực đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ, quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung, thời gian và chất lượng.
– Xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển khoa học công nghệ về thủy sản.
– Thường xuyên giám sát, đánh giá thường kỳ, giữa kỳ, đột xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ để có các biện pháp phù hợp, kịp thời bổ sung, sửa đổi để đạt các mục tiêu nghiên cứu.
– Thay đổi hình thức kiểm soát, giám sát các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng kiểm soát chặt chẽ đầu ra và khả năng ứng dụng vào thực tiễn.
Kết luận
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm, vừa thực hiện nhiệm vụ trước mắt và cũng để triển khai kế hoạch lâu dài. Các nhiệm vụ đề xuất liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật, do đó cần có lộ trình thực hiện rõ ràng, phù hợp và sự chung tay của hệ thống chính trị, đặc biệt cần thiết phải huy động được nguồn lực bên ngoài nhà nước, đồng thời phải có sự tham gia của các bên liên quan để đảm bảo công tác quản lý nhà nước ngành để phục vụ phát triển sản xuất phát triển lành mạnh, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đời sống của cộng đồng ngư dân.
TS. Nguyễn Thanh Hải
Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản
Tài liệu tham khảo chính: