“Bão” ngành tôm: Dân mất vốn, tôm mất giá

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Dịch bệnh, tôm chết liên tiếp, nhiều hộ nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL điêu đứng, “cụt” vốn sản xuất, lãi vay ngân hàng to dần ra và không còn được tiếp tục vay để tái đầu tư, trong khi nguồn hỗ trợ lại rất hạn chế… Dân hoang mang, còn các doanh nghiệp còn tiền sản xuất thì tăng cường… nhập khẩu tôm nguyên liệu.

Tôm chết, dân cũng “chết”

Theo thống kê sơ bộ, đến nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 40.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Với khoảng 30 triệu đồng/ha tiền con giống thì người nuôi tôm đang cần hỗ trợ ít nhất hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư tái thả vụ nuôi mới.

Người nuôi tôm đang phải gồng mình chống chợi với “con bão” tràn qua ngành tôm – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Là một trong những tỉnh bị biệt hại tôm nặng nề nhất ở ĐBSCL, Trà Vinh đang điêu đứng vì dịch bệnh tôm. Tại huyện Cầu Ngang – vựa tôm của tỉnh, hàng ngàn hộ nuôi tôm đang đang lâm vào cảnh nợ nần… trong khi thời vụ đã gần qua mà ngành chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục. Ông Tống Minh Viễn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Vụ tôm vừa qua, toàn tỉnh đã có hơn 1 tỷ con giống bị chết, chiếm gần 60% lượng tôm giống đã thả. Với 9.000 ha nuôi tôm, nông dân toàn tỉnh bị thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, 70% thiệt hại rơi vào các hộ nhỏ lẻ, ít vốn, ước tính khoảng 8.100 hộ.

Điều khiến người nuôi băn khoăn và lo lắng hiện nay là nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Bởi lý do tại người dân thả sớm, cải tạo ao không kỹ, tôm chất lượng kém… có thể được loại bỏ, vì hiện tượng tôm chết vừa qua đã không chừa một ai, ngay cả những hộ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.

>> Hiện nay, theo quy định, bảo hiểm chỉ bồi thường đối với các loại bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh teo và hoại tử gan tụy ở tôm sú. Tuy nhiên, phần lớn diện tích tôm chết ở Sóc Trăng là do “hội chứng teo và hoại tử gan tụy” gây ra, nhưng chưa tìm rõ nguyên nhân gây bệnh. Cơ quan chức năng không dám xác nhận để làm cơ sở cho dân nhận tiền bồi thường.

Ông Đỗ Văn Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi tôm ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cho biết, từ khi thành lập Câu lạc bộ đến nay chưa bao giờ thấy tình trạng tôm chết rất nhanh, chết hết cả cánh đồng. Cả hộ làm kỹ, chọn tôm giống tốt đều hư.

Còn anh Nguyễn Văn Hận, ở ấp 3, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang cho biết, đến nay đã có 5 trong 7 ao nuôi của gia đình anh bị thiệt hại 100%. Anh than thở, lúc đầu ngân hàng cũng đầu tư thả vụ đầu rồi, nhưng giờ tôm chết quá nhiều, ngân hàng không dám đầu tư nữa.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Trà Vinh, riêng huyện Cầu Ngang, địa phương đang công bố dịch bệnh trên tôm có 550 triệu con giống bị chết, chiếm gần 98% tôm giống thả nuôi.

 

Ngân hàng rút lui

Một thực tế là hiện nay nhiều hộ nuôi tôm không còn khả năng tái sản xuất vì cạn vốn. Bà con chỉ biết trông chờ được nhận tiền bồi thường, nhưng thời gian quá chậm. Nông dân không có tiền tham gia bảo hiểm, cộng thêm việc ngại những điều chưa phù hợp trong cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm bảo hiểm ở tôm…

Theo quy định tại Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, quy định thì cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được vay tối đa không cần thế chấp tài sản lên đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, rất khó để tiếp cận được nguồn vốn này.

Tình trạng tôm chết liên tục đẩy nhiều hộ dân vào tình cảnh suy kiệt, cùng cực về tài chính, nhiều hộ không có khả năng tái sản xuất nhằm gỡ gạc vì phần lớn đất đã thế chấp ngân hàng, chưa có khả năng chuộc lại. Trong khi những hộ may mắn còn tôm thì mong có vốn để mua thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, nhưng đến gõ cửa ngân hàng thì chỉ được cho vay nhỏ giọt, tạm ngừng vay mới với lý do không cân đối được vốn hoặc cho vay với rất nhiều điều khoản mà họ khó đáp ứng trong thời điểm hiện tại.

Theo đại diện Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Duyên Hải thì tôm nuôi từ 2 tháng tuổi trở lên ngân hàng mới cho vay, còn dưới 2 tháng tuổi và không có tôm trong ao sẽ không giải quyết. Với quy định này thì gần như chẳng có người nuôi tôm nào được vay vốn vì đa phần tôm đã chết. Và có vẻ mặc dù đang trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” như vậy nhưng ngân hàng lại tìm cách “rút chân” khỏi vùng tôm.

 

Tôm “ngoại” lấn át

Một nghịch lý đang xảy ra là hiện nay mặc dù tôm chết nhiều, mất mùa nhưng giá tôm nguyên liệu lại tiếp tục giảm sút. Tại Cà Mau, giá sàn tôm sú nguyên liệu tổng hợp tại thời điểm ngày 11/7 thì tôm sú loại 20 con là 200.000 đồng/kg, loại 30 con 125.000 đồng/kg… Riêng tôm thẻ chân trắng hiện chỉ còn 75.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá tôm thương phẩm tại Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Việc doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu tôm nguyên liệu đang tiếp tục “ép” tôm trong nước – Ảnh: Duy Khương

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một lý do là ảnh hưởng từ việc cảnh báo Ethoxyquin của Nhật Bản đối với sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang nước này nên gần đây ở một số tỉnh, thương lái câu kết với một vài công ty thức ăn, thuốc thú y thủy sản ép giá mua tôm của người nuôi.

Và một nguyên nhân nữa mà theo Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu): Tôm nguyên liệu rớt giá do tôm Thái Lan đang nhập vào Việt Nam ồ ạt.

Mặc dù theo đánh giá của cơ quan quản lý, tôm Thái Lan nhập vào Việt Nam không làm ảnh hưởng nhiều đến giá tôm trong nước. Nguyên nhân chính là một số nước như Ấn Độ và Bangladesh đang thu hoạch và rất trúng mùa. Và tôm Ấn Độ xuất sang châu Âu và Mỹ được ưu đãi hạn ngạch với giá thấp hơn tôm Việt Nam khoảng 40% nên Mỹ đang ngừng nhập khẩu tôm từ Việt Nam, khiến thị trường tôm nguyên liệu Việt Nam gặp khó.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Nga – Phó Chủ tịch Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau: Hiện nay, giá tôm nhập khẩu tính cả thuế thấp hơn giá tôm nội địa hiện hành. Giá nhập khẩu thấp như vậy thì tôm nội địa chúng tôi không thể mua cao hơn, vì giá đầu ra sẽ không cạnh tranh được với công ty chế biến xuất khẩu các nước khác.

Đã có thời điểm diêm dân Việt Nam điêu đứng sau khi Bộ Công thương cho phép tăng hạn ngạch nhập khẩu muối. Mặc dù được giải thích là muối dùng cho sản xuất công nghiệp, không ảnh hưởng đến giá muối trong nước, nhưng tại các đồng muối, diêm dân phải chất muối thành đống bởi giá bán không bù được chi phí và không có người mua. Liệu người nuôi tôm Việt Nam có rơi vào tình trạng này? Câu trả lời vẫn đang ở phía trước và đợi các cơ quan chức năng khẳng định!

>> Ước tính mỗi ngày, tôm sú và tôm thẻ chân trắng nhập vào Việt Nam qua biên giới Campuchia từ 300 – 400 tấn, với giá rẻ hơn tôm nguyên liệu trong nước khoảng 40%. Hầu hết các thương lái lớn của Việt Nam đang đổ xô đi mua và nhập ồ ạt vào các nhà máy chế biến thủy sản, khiến tôm nguyên liệu Việt Nam -nhất là vùng ĐBSCL, điêu đứng.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!