T2, 06/07/2020 09:46

Bảo Ninh đổi đời từ kinh tế biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình có gần 2.100 hộ gia đình, với trên 8.500 nhân khẩu, trong đó có 70% sinh sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản. Hiện nay toàn xã có 395 tàu thuyền đánh cá cũng như phục vụ nghề đi biển, trong đó số tàu, thuyền công suất trên 20 CV là 240 chiếc.

Tăng đầu tư, mở tầm hoạt động

Với yêu cầu nguồn vốn đầu tư cho mỗi tàu, thuyền khai thác thuỷ hải sản trong giai đoạn hiện nay là khá lớn, lên đến hàng tỷ đồng, việc mỗi hộ gia đình tự đứng ra đầu tư là rất khó khăn, nên UBND xã Bảo Ninh đã có chủ trương rất phù hợp khi khuyến khích các hộ gia đình thành lập các liên gia, liên hộ.

Để ngư dân có thêm kiến thức phục vụ cho yêu cầu khai thác thuỷ, hải sản trên những ngư trường xa, có tiềm năng, cũng như các khâu nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, hàng năm, UBND xã Bảo Ninh đã có nhiều chính sách khuyến ngư hợp lý. Công tác bồi dưỡng, đào tạo về kỹ thuật sử dụng các trang thiết bị, ngư cụ mới được Ban Khuyến nông, Hội Nông dân xã cập nhật thường xuyên và mở được nhiều lớp tại chỗ. Từ năm 2005 đến nay, xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông thành phố mở được gần 40 lớp các loại, thu hút hàng trăm lượt ngư dân tham gia.

Không chỉ chú trọng đầu tư mua sắm tàu thuyền, ngư lưới cụ để phục vụ cho nghề đi biển, đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến thủy hải sản, các dịch vụ phục vụ cho nghề đi biển, cũng như làm tốt công tác khuyến ngư, những năm qua, ngư dân Hải Ninh còn đi tiên phong trong việc thành lập các tổ đoàn kết trên biển nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong những chuyến ra khơi, góp phần tránh được những rủi ro đáng tiếc xẩy ra trong quá trình khai thác thuỷ hải sản trên các ngư trường. Theo thống kê mới nhất của UBND xã Bảo Ninh, hiện nay toàn xã có 47 tổ đoàn kết thu hút 1.800 lao động hoạt động trên gần 300 tàu, thuyền. Khi tham gia các tổ đoàn kết, ngư dân Bải Ninh có điều kiện thông báo, hỗ trợ, giúp đỡ nhau đối phó với với những rủi ro khi tình hình thời tiết trên biển có nhiều diễn biến phức tạp. Đến nay, mô hình các tổ đoàn kết này ở Bảo Ninh đang tiếp tục phát huy hịêu quả và không ngừng được nhân trộng, được ngư dân nhiều nơi ở Quảng Bình như Hải Ninh (Quảng Ninh), Nhân Trạch (Bố Trạch), Cảnh Dương (Quảng Trạch) học tập và làm theo.

Nhờ không ngừng đầu tư mua sắm tàu thuyền hiện đại, có khả năng đánh bắt được những ngư trường xa, nhiều tiềm năng, nên hàng năm, sản lượng, doanh thu từ nghề đi biển ở Bảo Ninh đã không ngừng tăng nhanh. Nếu như năm 2007, toàn xã mới khai thác được trên 3.250 tấn hải sản thì đến năm 2009, tổng sản lượng khai thác của toàn xã đã đạt con số gần 4.000 tấn, tổng doanh thu trên 40 tỷ đồng. Từ đầu năm 2010 đến nay, người Bảo Ninh đã thu về được gần 40 tỷ đồng từ các hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản.

               

Niềm vui nối tiếp…

Theo chân các anh trong Ban Khuyến nông xã Bảo Ninh, chúng tôi đã có dịp đến tham quan ngôi nhà cao tầng khang trang của gia đình ngư dân Nguyễn Văn Phong ở thôn Sa Động, người  được coi là đi tiên phong trong việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nghề đi biển ở đây. Anh Phong cho biết năm 2007, được sự hỗ trợ về kinh phí cũng như kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư quốc gia, chiếc tàu cá có công suất 320 CV của gia đình anh đã được lắp đặt máy dò cá ngang, nhờ đó năng suất đánh bắt hàng năm của tàu anh luôn đạt cao gấp 2 lần so với trước khi chưa được lắp đặt. Hiện nay, bình quân mỗi năm trừ chi phí chiếc tàu cá đã đưa về cho gia đình anh doanh thu trên 2 tỷ đồng.

Không riêng gia đình anh Phong, ở Bảo Ninh hiện nay có nhiều người đã trở thành tỷ phú nhờ nghề đi biển, thu nhập hàng năm đạt vài trăm triệu đồng, như hộ ông Nguyễn Công Hoan, Võ Thừa ở Mỹ Cảnh, hộ ông Hoàng Quang Hiếu ở Hải Dương, hộ ông Trương Thanh ở Hà Thôn…

Cùng với đánh bắt, thì chế biến thuỷ hải sản cũng là một nghề truyền thống hàng năm giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động nữ ở Bảo Ninh. Hàng năm, nghề chế biến thuỷ hải sản có thể đem về cho người Bảo Ninh gần 5 tỷ đồng. Nhờ làm tốt các khâu chế biến tại chỗ, hiện nay, có gần 60 % sản lượng thuỷ hải sản ở Bảo Ninh đã được xuất khẩu ra thị trường các nước trong khu vực.

Kinh tế biển phát triển nên đời sống vật chất, tinh thần của người Bảo Ninh ngày càng được nâng lên đáng kể, có trên 50% hộ khá và hộ giàu.

Chú trọng phát triển kinh tế biển, hiện nay, Bảo Ninh còn quan tâm, mở rộng và phát triển các ngành nghề dịch vụ, du lịch, trồng rau sạch hứa hẹn đưa lại thu nhập cao. Một tin vui khác đã đến với người dân Bảo Ninh là ngoài chiếc cầu Nhật Lệ đã được xây dựng, tương lại không xa, chiếc cầu Nhật Lệ thứ 2 sẽ được bắc qua sông Nhật Lệ nối Bảo Ninh với phường Phú Hải, Đồng Hới. Đó cũng chính là “cú hích” quan trọng để người Bảo Ninh phát triển nghề đi biển nói riêng cũng như  phát triển kinh tế nói chung.

                                Trương Văn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!